Tiểu ra máu gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới nhưng ở người cao tuổi (NCT) khi có tiểu ra máu cần phải hết sức cẩn thận vì có thể là trọng bệnh.
Nguyên nhân gây tiểu máu ở NCT
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng tiểu máu như nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, chấn thương, do dùng thuốc (rifamicin, heparin, aspirin, vitamin K...), các bệnh về máu, suy thận, u thận, u bàng quang, u tiền liệt tuyến, đặc biệt là u do ung thư với NCT là cần hết sức lưu ý (ung thư thận, bàng quang, tiền liệt tuyến). Trong các nguyên nhân gây tiểu ra máu thì nhiễm khuẩn đường niệu là nguyên nhân số một gây tiểu ra máu, trong đó chủ yếu là nhiễm khuẩn ngược dòng từ niệu đạo đi lên, ngoài ra còn có thể do nhiễm khuẩn huyết gây ra. Tiểu ra máu gặp trong lao thận cũng là một triệu chứng điển hình. Tiểu máu ở NCT còn có thể gặp ở các trường hợp sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và thậm chí sỏi kẹt ở niệu đạo). Ngoài ra, một số nguyên nhân gây tiểu máu do giun chỉ, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc ngộ độc hóa chất...
Ung thư tuyến tiền liệt cũng là một nguyên nhân gây tiểu ra máu.
Dấu hiệu nhận biết
Có hai loại tiểu ra máu ở NCT, tiểu ra máu đại thể và tiểu ra máu vi thể. Tiểu máu đại thể là tiểu máu mà mắt thường có thể nhìn thấy được (cả bệnh nhân, người nhà và thầy thuốc) nước tiểu có màu đỏ. Đây là hiện tượng có hồng cầu trong nước tiểu (khi số lượng hồng cầu nhiều, nước tiểu có màu đỏ hồng hoặc đỏ tươi). Tiểu máu vi thể là tiểu ra máu nhưng mắt thường không nhìn thấy được hồng cầu, vì vậy, người bệnh, thầy thuốc không nhìn thấy nước tiểu có màu đỏ. Tiểu máu vi thể chỉ được phát hiện hồng cầu thông qua xét nghiệm nước tiểu (soi cặn nước tiểu bằng kính hiển vi quang học). Thông thường khi bị tiểu ra máu thì còn có các triệu chứng khác kèm theo, tùy theo nguyên nhân gây tiểu máu. Ung thư thận hoặc ung thư tiền liệt tuyến thường có các triệu chứng gần giống nhau. Khởi bệnh là tiểu có máu kèm theo đau hông lưng, sụt cân, mệt mỏi, đôi khi có sốt, thường gặp ở người trên 50 tuổi và nam giới nhiều hơn nữ giới. Sỏi tiết niệu, nhất là sỏi niệu quản còn có cơn đau thắt lưng âm ỉ, lâm râm hay cơn đau quặn thận, nếu có nhiễm khuẩn thì kèm theo có sốt. Lao thận, ngoài đái máu còn có sốt về chiều, sút cân, mệt mỏi, chán ăn. Nhưng với NCT khi bị ung thư thận hoặc ung thư bàng quang thì các triệu chứng thường không điển hình, không rõ ràng. Người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi, gầy sút, ăn uống kém, đau tức vùng hạ vị và đi tiểu ra máu. Lúc đầu chỉ có tiểu máu vi thể nên bệnh nhân không để ý mà tình cờ xét nghiệm nước tiểu khi khám bệnh định kỳ. Thông thường cần xét nghiệm nước tiểu (nước tiểu toàn phần và soi cặn), nuôi cấy nước tiểu xác định vi khuẩn và làm kháng sinh đồ (nếu nghi có nhiễm khuẩn tiết niệu), nội soi bàng quang, siêu âm, chụp Xquang, chụp UIV, CT hệ tiết niệu. Trong trường hợp tiểu máu nghi do ung thư tiền liệt tuyến thì ngoài các xét nghiệm và cận lâm sàng nêu trên có thể xét nghiệm chỉ số PSA trong máu.
Nguyên tắc điều trị và dự phòng
Điều trị tiểu máu cần dựa vào nguyên nhân. Nhiều trường hợp tiểu máu biết được nguyên nhân thì công việc điều trị hoàn toàn chủ động và có hiệu quả cao (sỏi tiết niệu, nhiễm khuẩn tiết niệu). Tuy vậy, một số trường hợp tiểu máu tuy xác định được căn nguyên gây tiểu máu nhưng kết quả điều trị còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố (ung thư thận, lao thận, ung thư tiền liệt tuyến, các bệnh về máu). Trong khi đó có một số trường hợp xác định chắc chắn căn nguyên gây tiểu máu, khi được can thiệp thì sẽ chấm dứt tiểu máu ngay (tiểu máu do thuốc thì ngưng dùng thuốc) hoặc tiểu máu do dùng sai nhóm máu (ngưng truyền máu). Cần vệ sinh cá nhân hàng ngày để tránh mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bởi vì, NCT tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiểu khá cao, với nhiều lý do khác nhau nhưng viêm đường tiểu ngược dòng là hay gặp nhất. Cần tập thể dục, vận động cơ thể tránh trì trệ để hạn chế viêm tiền liệt tuyến (nam giới). Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (từ 1,5 - 2 lít) để lưu thông đường tiểu tốt, tránh sỏi tiết niệu.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu