Tiểu ra máu, dùng thuốc gì?

30-01-2019 14:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tiểu ra máu là tình trạng trong nước tiểu có hồng cầu. Đây là một triệu chứng gặp trong nhiều bệnh lý của hệ tiết niệu và cần được dùng đúng thuốc điều trị.

Phân biệt tiểu máu và nước tiểu có màu đỏ

Khi nước tiểu có lẫn máu, rõ ràng sức khỏe đang có vấn đề, nhưng khi đó người bệnh nên tỉnh táo nhìn nhận lại quá trình ăn uống và dùng thuốc của bản thân trong thời gian qua. Có một vài yếu tố khiến trong nước tiểu có lẫn máu không do bệnh lý như: tập thể dục quá nặng có thể gây ra máu trong nước tiểu, do tập thể dục có thể tổn thương đến bàng quang, mất nước hoặc sự cố của các tế bào máu đỏ. Vì vậy, các vận động viên có thể nhìn thấy chảy máu nước tiểu sau một buổi tập luyện dữ dội. Ngoài ra, việc dùng một số thuốc thông thường (bao gồm cả aspirin) hoặc kháng sinh metronidazole hoặc ăn củ cải đường, đại hoàng... có thể gây ra nước tiểu chuyển sang màu đỏ hoặc nước tiểu lẫn kinh nguyệt... nhưng không phải là bệnh tiểu ra máu. Sự thay đổi màu sắc nước tiểu gây ra bởi thuốc, thức ăn hoặc tập thể dục thường biến mất trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, loại trừ các nguyên nhân trên, khi có máu trong nước tiểu luôn luôn là một vấn đề cần quan tâm. Nó có thể là triệu chứng của một số rối loạn nghiêm trọng.

Dùng thuốc điều trị phù hợp

Việc dùng thuốc điều trị tiểu ra máu cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh cần đi khám, làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán. Tùy theo nguyên nhân tiểu ra máu mà chọn biện pháp và thuốc điều trị thích hợp.

Tiểu máu do sỏi bàng quang hoặc sỏi thận, sỏi niệu quản: Các khoáng chất trong nước tiểu tập trung đôi khi kết tủa, tạo thành các tinh thể trên các bức tường của bàng quang. Theo thời gian, các tinh thể có thể trở thành sỏi nhỏ, đá cứng, sau đó gây ra đau đớn. Sỏi bàng quang và sỏi thận có thể gây tiểu máu tổng thể và vi chảy máu. Với tiểu máu do sỏi bàng quang và sỏi thận, thuốc dùng là: thuốc giảm đau: no - spa uống hoặc tiêm; thuốc kháng sinh nhóm quinolon (ciprofloxacin, ofloxacin...) hoặc nhóm cephalosporin (cefotaxim, cefixim, cefoperazon, ceftazidim, ceftizoxim, ceftriaxon…); thuốc cầm máu: tranexamic acid uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Với các sỏi to, cần điều trị bằng phẫu thuật.

Ung thư tiền liệt tuyến có thể gây tiểu ra máu.

Do chấn thương niệu đạo, chấn thương thận: Một cú đánh hoặc va đập mạnh gây thương tích niệu đạo và thận có thể nhìn thấy ra máu trong nước tiểu. Các thuốc thường dùng: thuốc giảm đau đường uống: paracetamol, no - spa, meteospasmyl, diclofenac; thuốc cầm máu: tranexamic acid uống hoặc tiêm tĩnh mạch; thuốc kháng sinh nhóm quinolon hay nhóm cephalosporin theo đường uống hoặc đường tiêm truyền.

Tiểu máu do nhiễm khuẩn tiết niệu: Nhiễm khuẩn tiết niệu hay gặp ở phụ nữ, đàn ông ít gặp hơn. Nó xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên trong bàng quang, đi lên cả thận. Các triệu chứng bao gồm kích thích đi tiểu, tiểu đau và buốt đồng thời nước tiểu nặng mùi, có lẫn máu. Thuốc dùng là kháng sinh (chủ yếu là nhóm cephalosporin thế hệ mới) và thuốc giảm đau paracetamol...

Do u bàng quang, polip bàng quang, thoát vị niệu quản: thuốc dùng chủ yếu là thuốc cầm máu tranexamic acid uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Sau đó, bệnh nhân cần thực hiện các giải pháp điều trị khối u, polip thì mới giải quyết được tình trạng tiểu máu.

Do viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận IgA: Vì chảy máu là một triệu chứng phổ biến của viêm cầu thận, gây viêm nhiễm của hệ thống lọc của thận, do bệnh ảnh hưởng đến các mao mạch nhỏ, lọc máu trong thận. Trong trường hợp này, người bệnh phải tuân thủ chỉ định điều trị nguyên nhân với các thuốc đặc hiệu theo phác đồ gồm: thuốc kháng sinh, corticoid, ức chế miễn dịch, không dùng thuốc cầm máu.

Tiểu máu trường hợp do lao thận và lao đường tiết niệu: Lao thận là một phần của lao tiết niệu sinh dục do trực khuẩn lao gây nên. Trong lao thận thường có hội chứng bàng quang: đái dắt, đái buốt, đái máu. Để điều trị tiểu máu trong trường hợp này cần dùng thuốc điều trị nguyên nhân do bệnh lao là chính với các thuốc chống lao: rimifon, pyrazinamid, streptomycin, ethambutol, rifamycin theo phác đồ của từng bệnh viện. Chỉ điều trị triệu chứng đái máu khi mất máu nhiều với thuốc tranexamic acid hoặc truyền máu.

Ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận gây tiểu máu: Ung thư thận có thể nguyên phát hoặc thứ phát. Ung thư thận thường có đái máu đại thể. Nếu người lớn tuổi bị đái máu kéo dài, cần nghĩ tới là ung thư thận và ung thư tuyến tiền liệt. Các thuốc thường dùng: thuốc cầm máu tranexamic acid uống hoặc tiêm tĩnh mạch; dùng thuốc flutamid là chất chống androgen đặc hiệu, lưu ý thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn nên cần được theo dõi khi sử dụng; thuốc goserelin có tác dụng ức chế tuyến yên giảm nồng độ LH làm giảm testosteron trong máu. Đồng thời người bệnh cần thực hiện các phương pháp chữa bệnh ung thư (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị) theo chỉ định của chuyên khoa u bướu, y học hạt nhân.


BS. Vũ NAM TRUNG
Ý kiến của bạn