(Nguyễn Xuân Hải - TP.HCM)
Việc chẩn đoán ung thư bàng quang không khó nếu chúng ta nghĩ đến nó. Bệnh nhân sẽ được chỉ định soi bàng quang qua ngả niệu đạo, qua soi có thể nhìn rõ tổn thương đặc trưng của ung thư và cần thiết thì lấy mẫu sinh thiết.Việc soi bàng quang tương đối đơn giản với vô cảm vùng.Qua sinh thiết mô bệnh phẩm tổn thương lấy được giúp xác định được loại tế bào ung thư bàng quang. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chẩn đoán qua việc tìm tế bào ung thư trong nước tiểu và các xét nghiệm hình ảnh học (chụp X-quang bàng quang có thuốc cản quang, siêu âm, chụp cắt lớp điện toán hoặc chụp cộng hưởng từ…).
Để xác định giai đoạn của ung thư bàng quang, cần phải làm xét nghiệm tầm soát hệ thống (scan xương, cộng hưởng từ, chụp cắt lớp điện toán, X- quang phổi…). Khi bị ung thư bàng quang có nghĩa là có tổn thương lớp lót mặt trong bàng quang (tiếp xúc nước tiểu), các tổn thương lớp lót trong gây tình trạng chảy máu và bệnh nhân có triệu chứng tiểu máu.
Vì ung thư bàng quang thường gặp ở người có tuổi nên nếu tiểu máu xảy ra trên người càng lớn tuổi thì phải thận trọng. Mức độ tiểu máu thường hay thay đổi, nhiều trường hợp mắt thường không nhận ra được mà phải phát hiện qua xét nghiệm, nước tiểu có thể có màu hồng hoặc quá nhiều máu dẫn đến nước tiểu màu cola. Bên cạnh đó, ung thư bàng quang có thể gây ra tình trạng tiểu nhiều lần (do bị kích thích), tiểu rát, buốt, đau hoặc tình trạng đau lưng, đau vùng chậu.
Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở nhiều loại tế bào bàng quang, tùy thuộc loại tế bào nào sẽ có cách thức điều trị phù hợp. Các loại ung thư bàng quang gồm: ung thư tế bào chuyển (loại tế bào lót mặt trong bàng quang, tế bào này sẽ dài ra khi bàng quang đầy và co lại khi bàng quang rỗng. Các tế bào này cũng lót mặt trong niệu quản và niệu đạo); ung thư tế bào vẩy (tế bào vẩy xuất hiện khi bàng quang đáp ứng với tình trạng nhiễm trùng hoặc bị kích thích); ung thư tế bào tuyến (loại tế bào này nằm ở tuyến tiết chất nhầy của bàng quang).