Ung thư bàng quang là một trong những bệnh lý ác tính khá phổ biến, thường xuất hiện ở nam giới ở độ tuổi trung niên và gây nên nhiều bất tiện cho cuộc sống, thậm chí là những hệ lụy về sức khỏe cho người bệnh, nhất là nguy cơ tử vong.
Dấu hiệu ung thư bàng quang
Các triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang thường khó nhận biết nên nhiều người thường chủ quan xem thường. Tuy nhiên, những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn phát hiện ra bệnh sớm hơn:
- Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu:
Các triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên, trước khi xuất hiện triệu chứng tiểu có lẫn máu, khi có những dấu hiệu này cũng không nên bỏ qua suy nghĩ đến ung thư bàng quang tại chỗ. Đặc biệt là khi thấy nước tiểu của mình có màu sậm hơn bình thường, dù đã uống đủ lượng nước cần thiết thì nên đi xét nghiệm xem có phải mình đã mắc bệnh ung thư bàng quang hay không.
Người đàn ông 65 tuổi, ở Long An phát hiện đi tiểu ra máu hơn hai tháng đi khám tại một bệnh viện ở TP HCM thì được chẩn đoán viêm đường tiết niệu. Sau khi uống thuốc nhưng tình trạng không đỡ nên ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM để khám. Tại đây các bác đã nghi ngờ bướu niệu mạc đường tiết niệu, một trong hai nguyên nhân chính gây tiểu máu.
Kết quả nội soi bàng quang cho thấy có khối bướu khoảng 2 cm, sần sùi như bông súp lơ, nghi ác tính. Sau đó bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt khối bướu, bảo tồn bàng quang cho bệnh nhân.
Ngoài ra người bệnh có thể gặp các triệu chứng viêm nhiễm đường tiết niệu; tắc nghẽn đường tiết niệu do u xâm lấn hoặc do cục máu đông.
Khi bệnh ở giai đoạn muộn đã di căn xa các biểu hiện, các triệu chứng xâm lấn vào các cơ quan lân cận và triệu chứng của các cơ quan bị di căn thường rõ ràng hơn như đau hông, đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương, đau đầu...
Khi thấy nước tiểu của mình có màu sậm hơn bình thường, dù đã uống đủ lượng nước cần thiết thì nên đi khám.
-Tiểu lẫn máu:
Tiểu lẫn máu điển hình trong ung thư bàng quang có đặc điểm: tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi, không đau. Đây là triệu chứng thường gặp nhất.
Dựa vào đặc điểm của tiểu máu đại thể có thể khu trú vị trí tổn thương trên đường tiết niệu. Đi tiểu lẫn máu (đầu lần tiểu) thường có nguyên nhân từ niệu đạo. Đi tiểu lẫn máu (cuối lần tiểu) thông thường xuất phát từ cổ bàng quang hoặc niệu đạo tiền liệt tuyến. Đi tiểu lẫn máu (cả lần tiểu) thì có thể do tổn thương từ bất kể nơi nào trên đường tiết niệu: thận, niệu quản, bàng quang.
Đi tiểu lẫn máu cũng có thể xuất hiện ở người bình thường hoặc người có tổn thương lành tính. Theo nghiên cứu 1.930 bệnh nhân tiểu lẫn máu cho thấy: 60% không có bất thường, ung thư bàng quang 12%, nhiễm trùng đường tiết niệu 13%, bệnh của thận 10%, sỏi tiết niệu 4%, ung thư thận 0,6% và ung thư tiền liệt tuyến 0,4%. Ung thư bàng quang gặp phổ biến hơn ở người già, chỉ có 7 bệnh nhân dưới 40 tuổi với biểu hiện đái máu vi thể.
Khi tiểu lẫn máu xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi mà không tìm được nguyên nhân khác phải nghĩ ngay đến ung thư biểu mô đường niệu và phải tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống tiết niệu.
- Mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn:
Những dấu hiệu trên chưa khẳng định được là đã mắc ung thư bàng quang vì đó cũng có thể gặp ở 1 số bệnh lành tính. Nhưng nếu mệt mỏi, gầy sút cân, chán ăn kèm theo tiểu khó thì rất có thể đó là dấu hiệu mắc ung thư bàng quang. Ngay khi thấy những dấu hiệu trên hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám bao gồm: khám lâm sàng toàn diện, nội soi trực tràng ở nam và trực tràng, âm đạo ở nữ.
Khoảng 70% các trường hợp ung thư bàng quang mới mắc được chẩn đoán là các khối u chưa xâm lấn lớp cơ hay còn gọi là ung thư bàng quang nông, còn lại 30% xâm lấn xuống lớp cơ. Đặc tính nổi bật của bệnh là khả năng tái phát cao.
Tái phát tại chỗ hoặc tái phát ở vị trí khác với giai đoạn ban đầu hoặc tiến triển hơn. Do đó bệnh nhân ung thư bàng quang cần được theo dõi thường xuyên. Điều trị ung thư bàng quang chủ yếu bằng phẫu thuật. Hóa chất và miễn dịch có vai trò hỗ trợ. Tia xạ làm giảm triệu chứng ở những bệnh nhân giai đoạn muộn.
Phòng tránh ung thư bàng quang
Để tránh ung thư bàng quang cần hạn chế và tốt nhất không hút thuốc lá, bao gồm chủ động lẫn thụ động; Tránh tiếp xúc với hóa chất và sử dụng các biện pháp hỗ trợ chuyên dụng khi cần; Tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng; Uống nhiều nước lọc và đảm bảo chất lượng nguồn nước; Tăng cường vận động, tập luyện thể thao để đào thải độc tố ; Không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chỉ định; Tầm soát sức khỏe định kỳ, nhất là với độ tuổi từ 40-70 tuổi.
Tóm lại: Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính của cơ quan tiết niệu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, hay gặp ở nam hơn ở nữ, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao có thể phòng ngừa được bằng cách bỏ thuốc lá, có thể phát hiện sớm bằng những phương tiện chẩn đoán phổ biến hiện nay như siêu âm, chụp CT-Scan, nội soi bàng quang chẩn đoán; tỷ lệ khỏi bệnh cao khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.