Tiểu mạch còn gọi là phù tiểu mạch, lúa mì. Tiểu mạch rất giàu dinh dưỡng: chứa nhiều hydratcacbon, protid (có đầy đủ các acid amin, đặc biệt là acid glutamic và prolin với hàm lượng cao). Theo Đông y, tiểu mạch vị ngọt tính mát; vào tỳ, thận, tâm. Có tác dụng dưỡng tâm, bổ thận, kiện tỳ, nhuận tràng, trừ nhiệt, chỉ khát...
Chữa thổ tả, phiền khát, dùng bài Mạch môn đông thang: bạch linh 4g, chích thảo 2g, quất bì 4g, bạch truật 4g, mạch môn 8g, tiểu mạch 4g, bán hạ 4g, nhân sâm 2g. Sắc uống.
Trị chứng phiền muộn, buồn bực bất an, tinh thần hoảng hốt không tự chủ dùng bài Cam mạch đại táo thang: tiểu mạch 40g, cam thảo 10g, đại táo 10 quả. Sắc uống. Tác dụng dưỡng tâm, an thần, hòa trung hoãn cấp và tác dụng tăng sữa cho sản phụ.
Khí, âm bất túc, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, tim hồi hộp, dùng bài Mẫu lệ tán: tiểu mạch 40g, hoàng kỳ 16g, ma hoàng căn 10g, mẫu lệ nướng 40g. Tán bột. Dùng 12 - 20g trong ngày hoặc sắc uống. Tác dụng bổ khí liễm âm, cố biểu chỉ hãn.
Cháo mì đại táo cam thảo: tiểu mạch (mì hạt) 100g, cam thảo 18g, đại táo 12 quả. Nấu cháo. Dùng cho các trường hợp rối loạn thần kinh chức năng, hysteria cười khóc vui buồn luân phiên xen kẽ.
Cháo hoặc cơm tiểu mạch: mì hạt đã xát vỏ hoặc bột mì ngâm nước đãi sạch, nấu dạng cơm hoặc cháo, dùng cho các trường hợp sốt nóng, miệng họng khô khát nước.
TS. Nguyễn Đức Quang