Một nghiên cứu mới cho thấy rối loạn tiểu tiện (tiểu không tự chủ) cũng ảnh hưởng đến rất nhiều phụ nữ trẻ vốn chưa sinh con, rối loạn này vốn chỉ ảnh hưởng ở phụ nữ sau sinh con hoặc người có tuổi.
Các chuyên gia Úc phân tích dữ liệu hơn 1.000 phụ nữ chưa sinh con từ 16 - 30 tuổi cho thấy 1/8 (khoảng 13%) gặp phải vấn đề tiểu không tự chủ. Hiện tượng tiểu không tự chủ là việc thấm nước tiểu không mong muốn khi họ đang hoạt động (đang đi bộ hoặc hắt hơi), đối tượng dù cố gắng nhưng không giữ được nước tiểu khi bàng quang đầy. Trước đây người ta chỉ ghi nhận tỉ lệ cao tiểu không tự chủ ở nhóm phụ nữ đã sinh con, nhưng nghiên cứu này cho thấy vấn đề này có thể ảnh hưởng đến tất cả phụ nữ ở bất kỳ tuổi nào và có con hay chưa. Trong nghiên cứu, những phụ nữ tham gia được yêu cầu trả lời các bản câu hỏi từ 8 cơ sở y tế ở Úc, những phụ nữ này có cân nặng bình thường, khỏe mạnh và năng động.
Có hai loại tiểu không tự chủ với nhiều nguyên nhân khác nhau. Khoảng 6% phụ nữ có tiểu không tự chủ do gắng sức và 4,5% tiểu không tự chủ do áp lực, 2% bị cả hai loại. Tiểu không tự chủ do gắng sức gây ra từ việc yếu của cơ sàn chậu, điều này không giữ được bàng quang đúng vị trí. Khi mang thai và sinh qua đường âm đạo thì các cơ vùng chậu bị yếu và tổn thương. Những yếu tố khác như béo phì, quá cân cũng có liên quan đến tiểu không tự chủ do gắng sức. Tiểu không tự chủ do áp lực tức bệnh nhân cảm giác buồn tiểu (rỉ nước tiểu) nhưng không đi tiểu được, thường gây ra do nguyên nhân thần kinh dẫn đến không kiểm soát được bàng quang.
Bệnh lý thần kinh có thể là xơ cứng rải rác, rối loạn giấc ngủ. Theo các chuyên gia thì những phụ nữ bị yếu các cơ vùng sàn chậu cần phải tập luyện để khắc phục và trước nay được khuyến cáo bài tập Kegel. Tập luyện tích cực giúp làm mạnh cơ hỗ trợ cho bàng quang, âm đạo, trực tràng và cố định các bộ phận này.
(The Annals of Internal Medicine)
ĐẶNG MINH TRÍ