Tiêu hủy hàng trăm dụng cụ bẫy, giải cứu chim trời

08-09-2023 16:53 | Xã hội

SKĐS - Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tháo gỡ, tiêu hủy hàng trăm phương tiện, dụng cụ bẫy chim trời.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tháng 9, 10 hàng năm là mùa các loài chim thường di cư trên những cánh đồng, các lùm cây ven đầm phá thuộc địa bàn. Cùng với đó tình trạng bẫy, bắt chim trời với nhiều hình thức khác nhau làm ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể chim di cư đang tìm nơi trú ngụ.

Kiểm lâm tiêu thuỷ hàng trăm dụng cụ bẫy, giải cứu chim trời - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tháo dỡ bẫy chim.

Để ngăn chặn tình trạng bẫy, bắt chim trời mùa di cư, lực lượng Kiểm lâm huyện Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Thủy phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truy quét và ra quân tháo gỡ, tiêu hủy hàng loạt bẫy các loại.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Phú Lộc tháo gỡ được 515 cò mồi xốp; tại địa bàn huyện Phú Vang tháo gỡ khoảng 20m lưới; tại địa bàn thị xã Hương Thủy thu gom 100 que tre dính keo, 50 que tre có gắn bọc ni lông màu trắng để dụ cò… và tháo gỡ thả về môi trường tự nhiên nhiều cá thể cò bị mắc bẫy.

Kiểm lâm tiêu thuỷ hàng trăm dụng cụ bẫy, giải cứu chim trời - Ảnh 2.

Các dụng cụ bẫy chim được tiêu hủy

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm lâm trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép. Đặc biệt, triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kiểm lâm tiêu thuỷ hàng trăm dụng cụ bẫy, giải cứu chim trời - Ảnh 3.

Muôn kiểu loại bẫy được dùng để bẫy chim.

Tại Thừa Thiên Huế, cứ đến mùa mưa, nạn săn bắt chim trời trái phép lại nổi lên. Cơ quan chức năng các địa phương phối hợp để tuyên truyền, xử lý, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra.

Chim mắc bẫy được lực lượng chức năng thả về tự nhiên.

Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp thực hiện tuyên truyền để thay đổi nhận thức của Phật tử về phóng sinh, tuyệt đối không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hoạt động tiếp tay cho các hành vi săn bẫy chim hoang dã trái phép.

Ngoài ra, đề nghị không cho phép người dân vào khuôn viên các chùa để mua bán chim phóng sinh. Khi phát hiện mua bán chim hoang dã, người dân hãy liên hệ số điện thoại đường dây nóng (08.4477.3030) để cơ quan chức năng phối hợp  xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vụ bóng bay phát nổ: Bác sĩ hướng dẫn sơ cứu, xử lý bỏng Hydro


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn