1. Tổng quan về bệnh tiểu đường type 2
Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường chủ yếu là rối loạn bài tiết insulin và kháng insulin. Cả hai quá trình này tương trợ nhau dẫn đến suy kiệt tế bào beta tuyến tụy.
Rối loạn bài tiết: Người bệnh ở thời điểm được chẩn đoán tiểu đường, khối lượng đảo tụy thường chỉ còn khoảng 50% so với người bình thường. Khi giảm số lượng tế bào beta, rối loạn sản xuất insulin cả về số lượng và chất lượng. Tiến triển theo thời gian, người bệnh sẽ có rối loạn về nhịp tiết, từ đa tiết đến suy kiệt và thiếu tiết insulin.
Kháng insulin: Trong bệnh tiểu đường type 2, kháng insulin được xem là giai đoạn sớm trong quá trình tiến triển của bệnh và thường kết hợp với tăng glucose huyết, tăng insulin máu, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, giảm hoạt tính tiêu fibrin, rối loạn chức năng nội mô, tăng xơ vữa động mạch.
Yếu tố nguy cơ bệnh tiểu đường type 2
Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ ) bị bệnh tiểu đường.
- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
- Tăng huyết áp (HA ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị THA).
- HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L).
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
- Ít hoạt động thể lực.
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen: acanthosis nigricans).
2. Triệu chứng/dấu hiệu bệnh tiểu đường type 2
- Khát nước nhiều: Cơ thể mất nước do lượng đường cao.
- Tiểu nhiều: Thận làm việc nhiều hơn để loại bỏ đường dư thừa qua nước tiểu.
- Mệt mỏi: Cơ thể không thể sử dụng glucose hiệu quả.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Dù ăn uống bình thường.
- Vết thương khó lành: Đường huyết cao làm giảm khả năng lành vết thương.
- Nhiễm trùng thường xuyên: Hệ miễn dịch bị ảnh hưởng.
- Nhìn mờ: Đường huyết cao ảnh hưởng đến mắt.
3. Tiểu đường type 2 có lây nhiễm không?
Tiểu đường type 2 không phải là một bệnh lây nhiễm. Nó là một bệnh tự miễn dịch, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể dẫn tới phá hủy tế bào beta tuyến tụy, hậu quả là sự thiếu hụt insulin. Do đó, bệnh này không thể lây lan từ người này sang người khác qua bất kỳ hình thức tiếp xúc nào.
4. Cách phòng bệnh tiểu đường type 2
- Kiểm soát cân nặng hợp lý: Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo.
- Tập thể dục đều đặn: Ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
- Không hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ đái tháo đường và các biến chứng khác.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Phát hiện sớm và quản lý tốt đường huyết.
- Giảm căng thẳng: Stress có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết.
5. Cách điều trị bệnh tiểu đường type 2
Điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 cần bắt đầu từ chế độ ăn và rèn luyện.
Trong trường hợp đường huyết vẫn cao thì phải dùng thuốc. Nếu glucose máu tăng quá cao có thể dùng thuốc phối hợp sớm. Việc điều trị bằng thuốc sẽ bắt đầu với nhóm thuốc sulfonylurea hoặc metformin tùy theo thể trạng của bệnh nhân.
Đa phần bệnh nhân đái tháo đường type 2 không cần điều trị bằng insulin. Chỉ khi các phương pháp trước đó không có hiệu quả thì bắt buộc dùng insulin (tỷ lệ này là 1/3 số bệnh nhân).
Thay đổi lối sống, giảm cân ở người béo phì và duy trì cân nặng ở người không thừa cân là điều kiện thiết yếu để điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường:
- Luyện tập 30 phút mỗi ngày, 150 phút mỗi tuần, không nên ngưng tập 2 ngày liên tiếp. Đi bộ là bài tập dễ áp dụng nhất, cần kết hợp với tập kháng lực. Nên tập theo thể lực của từng cá nhân.
- Ưu tiên carbohydrat chưa qua tinh chế như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen…
- Bổ sung ít nhất 15g chất xơ mỗi ngày.
- Bổ sung đạm động vật và đạm thực vật từ các loại đậu, ăn nhiều cá.
- Ưu tiên chất béo tốt từ mỡ cá, dầu oliu, dầu mè, dầu lạc, các loại hạt óc chó, hạnh nhân… Không sử dụng chất béo chuyển hóa từ thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán ngập dầu.
- Bổ sung các yếu tố vi lượng nếu thiếu.
- Giảm muối và các chất tạo ngọt.
- Không hút thuốc lá.
Bên cạnh đó người bệnh cần được:
- Kiểm soát huyết áp và lipid, phòng chống các rối loạn đông máu để giảm nguy cơ tim mạch và các biến chứng khác.
- Thường xuyên tầm soát các tổn thương ở mắt, thận, thần kinh và bàn chân để được điều trị sớm.