Tiểu đường thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

22-09-2024 17:24 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tiểu đường thai kỳ (còn được gọi là Đái tháo đường thai kỳ), là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con, như tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, ngạt sơ sinh,...

1. Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 trước đó.

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm cho mẹ và em bé trong khi mang thai và sau khi sinh:

  • Ở mẹ sẽ gây: Tăng huyết áp, phù tay chân, tiền sản giật, sẩy thai nhiễm khuẩn tiết niệu...
  • Ở trẻ: Mắc dị tật bẩm sinh, vàng da sơ sinh, hạ đường huyết, bệnh đa hồng cầu, béo phì...

Tuy nhiên, những rủi ro này có thể được giảm bớt nếu tình trạng bệnh được phát hiện sớm và quản lý tốt.

Bác sĩ tư vấn cho Thai phụ về bệnh tiểu đường Thai kỳ.

Bác sĩ tư vấn cho thai phụ về bệnh tiểu đường thai kỳ. Ảnh: Khánh Tâm.

Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ

Bình thường, tụy tạng có nhiệm vụ sản xuất ra insulin để điều hòa đường trong máu. Trong quá trình mang thai, các hormone của nhau thai làm rối loạn việc sản xuất insulin này. Tụy tạng cần phải sản xuất nhiều insulin hơn, có khi gấp 2 lần dẫn tới hiện tượng đề kháng insulin.

Khi tụy tạng không đảm bảo sản xuất đủ lượng insulin cần thiết cho cơ thể thì đường máu sẽ tăng cao và được gọi là tiểu đường thai kỳ.

Một vài yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ có thể kể tới như: mẹ bầu trên 35 tuổi, thể trạng béo phì, tiền căn cha mẹ có bị đái tháo đường, tăng huyết áp, tiền căn sinh non, con to, tiền căn sảy thai, thai chết lưu mà không tìm được nguyên nhân,...

2. Triệu chứng tiểu đường thai kỳ

Đa số các trường hợp tiểu đường thai kỳ không có bất kì triệu chứng nào. Nếu các triệu chứng xuất hiện cũng thường bị các mẹ bầu bỏ qua do khá giống với các dấu hiệu thường gặp khi mang thai chẳng hạn như:

  • Tiểu thường xuyên.
  • Khát nước nhiều.
  • Mệt mỏi.
  • Ngủ ngáy.

Dù không có triệu chứng rõ ràng, tiểu đường thai kỳ vẫn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt lên mẹ và thai nhi. Nếu những triệu chứng này xảy ra thường xuyên hơn mức bình thường, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trong những lần khám thai. Mẹ bầu nên chú ý chăm sóc, điều trị, thăm khám đều đặn để giữ cho thai nhi và bản thân khỏe mạnh.

Sau sinh khả năng đường huyết sẽ trở về bình thường, tuy nhiên có nguy cơ cao bị đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Sau này, nếu tiếp tục có thai, mẹ bầu cũng có thể sẽ lại bị tiểu đường thai kỳ.

3. Tiểu đường thai kỳ có lây nhiễm không?

Do số ca bệnh tiểu đường thai kỳ trong những năm gần đây tăng nhanh chóng, không ít người băn khoăn bệnh tiểu đường thai kỳ có lây không? Thực tế, đây là bệnh không lây nhiễm bởi nguyên nhân gây bệnh không phải là vi sinh vật mà do rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể.

Qua tiếp xúc trực tiếp, sinh sống gần, hắt hơi, qua đường máu hay đường tình dục, bệnh tiểu đường thai kỳ đều không có khả năng lây nhiễm.

Chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Thai phụ được theo dõi tim thai và cơn co tử cung bằng Monitoring.

Thai phụ được theo dõi tim thai và cơn co tử cung bằng Monitoring. Ảnh: Khánh Tâm.

4. Cách phòng bệnh tiểu đường thai kỳ

Để ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ, thai phụ nên áp dụng những thói quen lành mạnh trước khi mang thai nhằm kiểm soát tốt một thai kỳ khỏe mạnh.

  • Chọn chế độ ăn phù hợp, ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe mẹ và thai nhi. Đồng thời giữ đường huyết trong giới hạn bình thường bằng cách: Hạn chế thức ăn nhiều tinh bột, chọn thực phẩm giàu chất xơ và ít chất béo, calo. Tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc, bánh mỳ… ăn 3 bữa chính và từ 1 tới 3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày.
  • Tập thể dục trước và trong khi mang thai có thể giúp hạn chế mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Mỗi ngày nên có ít nhất 30 phút cho các hoạt động như đi bộ, bơi, tập yoga…
  • Trước khi mang thai trong lượng cơ thể nặng thì khi có kế hoạch mang thai cần giảm cân trước để có thai kỳ khỏe mạnh hơn.
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên; Nên đi khám định kỳ và làm xét nghiệm đường huyết theo chỉ định của bác sĩ.

5. Cách điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong giới hạn mục tiêu, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi. Chỉ số đường huyết khuyến cáo:

  • Đường huyết lúc đói < 5.3 mmol/l.
  • Đường huyết 1 giờ sau ăn < 7.8 mmol/l và 2 giờ sau ăn < 6.7 mmol/l.
  • Không nên để mức đường huyết thấp < 3.4 mmol/l.
Thăm khám - kiểm tra sức khỏe cho Thai phụ đang điều trị tại khoa Nội tiết sinh sản Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.

Thăm khám - kiểm tra sức khỏe cho Thai phụ đang điều trị tại khoa Nội tiết sinh sản Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Ảnh: Khánh Tâm.

Phương pháp điều trị tiểu đường thai kỳ

Trước tiên là biện pháp thay đổi lối sống gồm: điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập vừa phải. Khi các biện pháp thay đổi lối sống không đủ để duy trì chỉ số đường huyết mong muốn thì cần dùng các liệu pháp hạ đường huyết khác.

Hiện nay tại Việt Nam, Insulin là thuốc duy nhất được chấp nhận sử dụng trên phụ nữ mang thai.

Những bệnh nhân tiểu đường thai kỳ cần được kiểm soát đường huyết chặt chẽ và theo dõi thường xuyên sự phát triển của thai nhi để phát hiện sớm, kịp thời những biến chứng để có những biện pháp can thiệp thích hợp, hiệu quả.

5 cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ5 cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

SKĐS - Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý gây ra bởi sự rối loạn lượng đường trong máu trong thời kỳ mang thai. Đây được xem là bệnh thường gặp ở mẹ bầu. Tuy nhiên không phải mọi thai phụ đều có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ nhưng một số cách dưới đây có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh.


Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
Ý kiến của bạn