Hà Nội

Tiểu đường có nhiều biến chứng nguy hiểm, ai cần xét nghiệm sàng lọc?

21-10-2023 16:10 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Khi được chẩn đoán mắc tiểu đường người bệnh thường cho rằng đây là bệnh mạn tính và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, lượng đường trong máu cao làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể, nguy cơ sẽ gặp phải nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị.

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là một bệnh mạn tính với biểu hiện lượng đường trong máu  cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với Insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Bên cạnh yếu tố như di truyền, lão hóa, thì nguyên nhân chính là do lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia.

Dấu hiệu bệnh tiểu đường

Các triệu chứng, dấu hiệu bệnh tiểu đường ở mỗi người có thể khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh đều có một số biểu hiện triệu chứng chung như: Thường xuyên cảm thấy đói và khát; Sụt cân; Đi tiểu thường xuyên; Nhìn mờ; Mệt mỏi; Các vết loét khó lành.

Ở nam giới, triệu chứng bệnh tiểu đường còn có thể bao gồm giảm ham muốn, rối loạn cương dương (ED) và yếu cơ. Trong khi đó, dấu hiệu bệnh ở nữ giới sẽ có thêm nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm nấm men ở đường sinh dục và da khô, ngứa.

Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất là tiểu đường type 2 có thể diễn tiến âm thầm, hoàn toàn không có biểu hiện gì đặc biệt trong một thời gian dài, và chỉ được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc phát hiện cùng lúc với các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Tiểu đường có nhiều biến chứng nguy hiểm, ai cần sàng lọc căn bệnh này? - Ảnh 2.

Người có nguy cơ nên theo dõi lượng đường trong máu.

Biến chứng của bệnh tiểu đường 

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Lượng đường trong máu càng cao và thời gian mắc bệnh càng lâu, nguy cơ gặp phải biến chứng càng cao. Các biến chứng của bệnh, bao gồm:

- Bệnh tim mạch, đau tim và đột quỵ.

- Tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh ngoại biên).

- Bệnh thận.

- Tổn thương mắt (Bệnh võng mạc và suy giảm thị lực)

- Tổn thương bàn chân như nhiễm trùng và vết loét chân không lành, nguy cơ cắt cụt chi.

- Tình trạng da như nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.

- Trầm cảm.

- Ở phụ nữ mang thai, nếu tiểu đường thai kỳ thì cần tìm hiểu về các biến chứng của bệnh để phòng ngừa những rủi ro khôn lường có nguy cơ xảy ra cho cả mẹ và con. Biến chứng ở trẻ có thể xảy ra do bệnh tiểu đường thai kỳ, bao gồm:

Tăng trưởng quá mức và thai to: Thai quá lớn sẽ dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh hoặc không thể sinh thường, tăng nguy cơ sinh mổ; Sinh non; Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con trước ngày dự sinh của thai phụ. Hoặc thai phụ được khuyến nghị sinh sớm vì em bé đã quá lớn; Khó thở nghiêm trọng: Trẻ sinh non từ những bà mẹ mắc bệnh có nguy cơ gặp phải hội chứng suy hô hấp – một tình trạng gây khó thở; Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết sơ sinh); Dị tật bẩm sinh; Tử vong ngay sau sinh; Nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 khi trưởng thành; Thai chết lưu: Đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến thai nhi tử vong trước hoặc ngay sau khi sinh.

Các biến chứng ở người mẹ cũng có thể xảy ra, bao gồm:Tiền sản giật; Bệnh tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai tiếp theo; Mắc bệnh đái tháo đường trong tương lai…

Có thể thấy, các biến chứng của bệnh tiểu đường rất đa dạng, xảy ra ở nhiều cơ quan và đều gây ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Kiểm soát tốt đường huyết là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa những biến chứng này. Nếu gặp phải biến chứng, người bệnh cần đi khám để kịp thời xử lý, tránh gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe.

Ai nên làm xét nghiệm để sàng lọc, phát hiện tiểu đường hoặc tiền tiểu đường?

Với nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, câu hỏi đặt ra là những đối tượng nào nên làm xét nghiệm để sàng lọc. Theo khuyến cáo những đối tượng sau nên làm xét nghiệm sàng lọc:

Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:

- Người có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị tiểu đường.

- Người tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

- Người bị tăng huyết áp (HA ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị tăng huyết áp).

- Người có HDL cholesterol <0,9mmol/l hoặc triglyceride >2,8mmol/l.

- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.

- Người có các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin như béo phì, dấu gai đen (acanthosis nigricans).

- Người ít hoạt động thể lực.

Ngoài ra, phụ nữ đã được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài.

Đối với người bình thường từ tuổi 45 trở lên. Và nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.

Lời khuyên thầy thuốc

Bệnh đái tháo đường có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp. Điều chỉnh chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên là rất quan trọng nếu bị tiểu đường, bất kể mắc bệnh tiểu đường loại nào.

Nếu bị đái tháo đường type 1: sẽ điều trị bắt buộc dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại, do cơ thể không tự sản xuất insulin.

Nếu bị đái tháo đường type 2: có thể kiểm soát bằng thay đổi lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống và tập thể dục. Và cũng có thể cần dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, người bệnh cần nhớ, khi bị đái tháo đường sẽ cần phải theo dõi nghiêm túc chế độ ăn uống của mình để ngăn chặn lượng đường trong máu tăng quá cao. Điều này có nghĩa là theo dõi lượng carbohydrate cũng như hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ. Bác sĩ sẽ chỉ định một phác đồ điều trị để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Bệnh tiến triển có thể cần đánh giá lại và thay đổi kế hoạch điều trị theo thời gian.

Tiểu đường type 1: Người mắc bệnh bị thiếu insulin do tuyến tụy không sản xuất insulin. Tiểu đường type 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh.

Tiểu đường type 2: Những người bị tiểu đường tuyp 2 bị đề kháng với insulin. Nghĩa là cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng không thể chuyển hóa được glucose. Khoảng 90% đến 95% người bị tiểu đường trên thế giới là type 2.

BS. Nguyễn Văn Long
Ý kiến của bạn