Theo PGS.TS.BS. NGUYỄN TUẤN VINH, Trưởng khoa Niệu B - BV. Bình Dân, tiểu đêm do các bệnh lý đường tiết niệu như: nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận hoặc các bệnh lý thận mạn tính, rối loạn chức năng bàng quang, sỏi bàng quang, hoặc do sử dụng các thuốc lợi tiểu... hay uống nhiều rượu, cà phê, trà trước giờ ngủ.
Không chỉ vì bệnh tiết niệu
Bà Nguyễn Thị H. (50 tuổi, Q.3, TP.HCM) đi tiểu trong đêm rất nhiều lần, nhưng đi khám vài chuyên khoa niệu, kết quả cho thấy các chức năng của hệ thống niệu rất bình thường. Sau đó, bà H. áp dụng nhiều biện pháp khác như: không uống nước trước khi ngủ, tiểu đêm vẫn tiếp diễn.
GS. TS. BS. Nguyễn Duy Tài - Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản ĐH Y Dược TP.HCM giải thích: “Bệnh nhân H. đã đến các chuyên khoa tiết niệu nhưng không tìm ra nguyên nhân thực thể gây ra chứng tiểu đêm. Trong khi đó, tiểu đêm là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác. Đặc biệt, đối với người phụ nữ đang ở quanh tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, tiểu đêm có liên quan đến vấn đề nội tiết tố nữ. Vì vậy, bệnh nhân H. cần phải đến BS phụ khoa để làm các xét nghiệm”.
Một trường hợp khác cũng đã đi khám vì tiểu đêm, 3 - 4 lần trong đêm, nước tiểu nhiều, nhưng sau kiểm tra, bệnh nhân không mắc bệnh bàng quang, thận bình thường. Theo BS. Duy Tài, chu kỳ đi tiểu bình thường, do điều tiết của các nội tiết tố, đỉnh cao nhất thường xuất hiện vào lúc 10g sáng và 10g đêm.
Tiểu đêm là triệu chứng gợi ý của rất nhiều bệnh chưa được kiểm soát tốt như suy tim, đái tháo đường, rối loạn giấc ngủ (ngưng thở khi ngủ, ngáy), trầm cảm. Tiểu đêm xuất hiện trên 50% các ca ngưng thở lúc ngủ.
“Đặc biệt, tiểu đêm sẽ tăng ở những bệnh nhân bị trầm cảm nhưng không được điều trị. Trong cuộc sống quá năng động như TP.HCM, với những trằn trọc lo âu vì kiếm sống bình thường đã đẩy con người vào căng thẳng, trầm cảm. Những sang chấn tâm lý có thể khiến chúng ta chán ăn khó ngủ về đêm, dẫn đến xu hướng ăn cái gì đó, và tất nhiên sẽ kèm theo uống. Chứng tiểu đêm sẽ xuất hiện sớm hay muộn”.
“Nhật ký” tiểu đêm
Bệnh nhân Trần Văn T. (60 tuổi, Q. 1) mỗi đêm đi tiểu từ 5 - 6 lần, thậm chí chỉ một vài phút sau đã phải quay trở lại toilet, tiểu ra chỉ vài giọt. Trước đây ông T. từng cắt đốt u xơ tuyến tiền liệt và giải quyết sẹo hẹp.
Trong trường hợp này, BS. Vinh khuyến cáo: “Trước đây bệnh nhân T phải kiểm tra lại hệ thống niệu đã được thông suốt chưa, kích thước bàng quang lớn hay nhỏ, có bị rối loạn phản xạ thần kinh điều khiển bài niệu ở bàng quang… Đặc biệt, ông T. cần phải ghi lại nhật ký đi tiểu để khảo sát bước đầu trước khi bác sĩ chuyên khoa quyết định phương pháp điều trị”.
Tiểu đêm là một hiện tượng thường xuất hiện ở người trung và cao tuổi. Sau khi đi tiểu, người bệnh có thể quay lại giường và đi ngủ lại. Tuy nhiên, tiểu đêm phần lớn gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ, ngủ gà ngủ gật vào ban ngày, lo lắng stress về tình trạng sức khỏe bản thân.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân thường gặp của tiểu đêm là tăng tạo nước tiểu vào ban đêm bất thường trong khi ngủ (đa niệu), chiếm 75% trường hợp tiểu đêm. Vì vậy, khi đi tiểu đêm thường xuyên, người bệnh nên sử dụng nhật ký đi tiểu để ghi chép lại lượng nước uống vào và thải ra trong 24g: lượng nước uống vào, số lần đi tiểu, lượng nước tiểu trong mỗi lần đi tiểu, ghi chú những bất thường như sử dụng thuốc lợi tiểu... Qua đó, các bác sĩ có thể ghi nhận tiểu đêm là hậu quả của việc uống nước quá nhiều trước khi đi ngủ hay tình trạng đa niệu về đêm.
An Quý