Hà Nội

Tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp lái tàu gồm những gì?

12-05-2018 22:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ Y tế vừa chính thức ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Theo đó, các chi tiết gây tranh cãi trong dự thảo lần 1 là nam phải khám cơ quan sinh dục, nữ phải có vòng ngực trên 75 cm đã được cắt bỏ.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 12 /2018/TT-BYTquy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Theo đó, các chi tiết trong dự thảo lần 1 là nam phải khám cơ quan sinh dục, nữ phải có vòng ngực trên 75 cm đã được bỏ.

Với những đề xuất khám sức khỏe liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục có các chỉ số cụ thể như: tràn dịch tinh hoàn nam; rò bàng quang âm đạo, các biểu hiện viêm, viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng; u nang buồng trứng, trĩ, ruột thừa... cũng được bãi bỏ. Cùng đó, các tiêu chuẩn về sức khoẻ cũng được cắt giảm từ 13 chuyên khoa xuống còn 7 chuyên khoa.

Theo đó, đối với chức danh Lái tàu; Phụ lái tàu cần đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại Nhóm 3, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 24/2015/TTLB-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ cho người lái xe.

Đối với chức danh Trưởng tàu; Trưởng dồn; Trực ban chạy tàu ga; Nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga; Nhân viên gác ghi; Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; Nhân viên gác đường ngang, cầu chung cần đáp ứng Tiêu chuẩn sức khỏe loại II trở lên khi khám tuyển ban hành theo Quyết định số 1613/BYT-QĐ ngày 15/8/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ” cho người lao động; Đáp ứng Tiêu chuẩn sức khỏe loại III trở lên khi khám định kỳ ban hành theo Quyết định số 1613/BYT-QĐ.

Nhân viên trực tiếp lái tàu chỉ phải khám 7 chuyên khoa lâm sàng và 4 nội dung về cận lâm sàng

Thông tư cũng quy định về khám sức khỏe đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khám sức khỏe cho nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu và việc khám sức khỏe cho nhân viên đường sắt của cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Giấy khám sức khỏe tuyển dụng và nội dung khám sức khỏe tuyển dụng cho nhân viên đường sắt theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Theo đó, nội dung khám sức khỏe tuyển dụng cho nhân viên đường sắt chỉ còn phải khám 7 chuyên khoa: nội khoa (tâm thần, thần kinh, tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, xơ-xương khớp, thận-tiết niệu); ngoại khoa, mắt, tai mũi họng; răng-hàm-mặt; da liễu; nội tiết-chuyển hoá và 4 nội dung về khám cận lâm sàng

Sổ, Giấy khám sức khỏe định kỳ và nội dung khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên đường sắt theo quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gồm 9 chuyên khoa lâm sàng và 2 nội dung về cận lâm sàng

Trong Giấy khám sức khỏe tuyển dụng có các nội dung về tiền sử gia đình có ai mắc một trong các bệnh: truyền nhiễm, tim mạch, đái tháo đường, lao, hen phế quản, ung thư, động kinh, rối loạn tâm thần, bệnh khác hay không. Tiền sử bản thân có đã hoặc đang mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh tim mạch, đái tháo đường, lao, hen phế quản, ung thư, động kinh, rối loạn tâm thần, bệnh khác hay không; có đang điều trị bệnh gì hay không...

Thông tư 12 cũng nêu rõ các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe áp dụng cho người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt ban hành kèm theo Quyết định số 413 2/QĐ-BYT ngày 4/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bản “Tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới” hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.


Thái Bình
Ý kiến của bạn