Hà Nội

Tiêu chí đầu tiên để chuyển giới: Muộn phiền giới tính kéo dài!

ThS.BS. Mai Bá Tiến Dũng

ThS.BS. Mai Bá Tiến Dũng

Trưởng khoa Nam học (BV. Bình Dân)

13-10-2017 15:14 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Đối với chuyên môn y khoa, Việt Nam hoàn toàn không có rào cản về mặt kỹ thuật. ThS.BS. Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học (BV. Bình Dân) khẳng định, bác sĩ chuyên khoa không khó khăn khi tiếp nhận nhóm bệnh nhân có nhu cầu chuyển giới,

nhưng quan trọng nhất hành lang pháp lý. PV Sức khỏe & Đời sống cuối tuần đã trao đổi với ThS.BS. Mai Bá Tiến Dũng về vấn đề này.

Tiêu chí đầu tiên để chuyển giới: Muộn phiền giới tính kéo dài!ThS.BS. Mai Bá Tiến Dũng

BS. Mai Bá Tiến Dũng cho biết:

Hành lang pháp lý có rất nhiều khía cạnh. Đầu tiên là dành cho phía bác sĩ. Cụ thể: ai được phép làm các phẫu thuật chuyển giới cho nhóm bệnh nhân có nguyện vọng. Cơ sở y tế nào sẽ được thực hiện… Điều này rất khó khăn. Vì can thiệp phẫu thuật chuyển giới gồm rất nhiều bước. Bước thứ nhất là thay đổi hành vi; bước thứ hai là điều trị nội tiết thay thế; bước thứ ba là “cải tạo” một phần cơ thể của người chuyển giới, ví dụ: nữ muốn cắt tuyến vú đi, hay là nam muốn đặt túi ngực. Còn bước cải thiện hoàn chỉnh là cắt toàn bộ cơ quan sinh dục của một người nam để tạo hình âm đạo; hoặc là tạo hình một dương vật cho một cô gái. Về mặt kỹ thuật không khó, nhưng ai sẽ được phép làm. Vì khi đã làm rồi, chúng ta không có sự thay đổi lại.

Hành lang pháp lý thứ hai là dành cho bệnh nhân muốn chuyển giới. Đầu tiên, từ khi bắt đầu được xác định có nhu cầu chuyển giới, sau khi đánh giá tâm lý bệnh nhân có thật sự muốn chuyển giới hay không, kế tiếp họ cần phải xác định được điều trị nội tiết. Điều trị nội tiết trong bao lâu, 6 tháng, 1 năm hay 2 năm.  Sau khi xác định viên đã tiến hành điều trị nội tiết thay thế rồi, bệnh nhân có được phép được chuyển giới chưa?

Theo Luật Chuyển giới của châu Âu, thông thường các chuyên gia y tế cần phải điều trị nội tiết cho người muốn chuyển giới trong ít nhất 2 năm; sau đó đánh giá lại, và tiến hành thủ thuật tạo hình ngực; tiếp đó nữa, mới tạo hình hoàn chỉnh cơ quan sinh dục.

Tiêu chuẩn nào đưa đến quyết định có thực hiện chuyển giới cho một người nào đó hay không?

Theo các quy định của quốc tế, tiêu chuẩn phẫu thuật dựa trên 5 tiêu chí:

1/ Có triệu chứng “Buồn phiền về giới tính kéo dài”.

2/ Đã được tư vấn đầy đủ về nguy cơ của cuộc phẫu thuật, ở độ tuổi đủ quyết định cho bản thân.

3/ Nếu đang có vấn đề về sức khỏe cần phải được kiểm soát đầy đủ.

4/ Phải được điều trị nội tiết tố thay thế hơn 12 tháng.

5/ Phải sống trong cộng đồng trong hơn 12 tháng dưới đầy đủ đặc điểm hình thức, thể hiện giới tính mà người đó mong muốn.

Những khó khăn nào người muốn chuyển giới phải đối mặt?

Tất nhiên, người chuyển giới gặp phải rất nhiều khó khăn. Họ phải xác định được tư tưởng rằng họ muốn sống ở giới tính nào? Do đó, một chu trình lâu dài từ khi người bệnh nhân có tâm tư nguyện vọng được chuyển giới đến khi chuyển giới hoàn chỉnh rất cần thiết, để đôi khi họ có thời gian quay ngược lại. Kế tiếp, bệnh nhân chuyển giới phải chịu đựng các cuộc phẫu thuật. Phẫu thuật đó phải được thực hiện ở những cơ sở y tế đảm bảo về tính pháp lý, chuyên môn của Bộ Y tế, chứ không phải nơi nào cũng được làm. Việt Nam đang xây dựng luật Chuyển giới, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2017.

Hơn thế nữa, những người đã được chuyển giới hoàn chỉnh có nhu cầu rất chính đáng là nhu cầu được chuyển đổi họ tên. Thế nhưng, chuyển đổi họ tên lại vướng rất nhiều vấn đề liên quan đến thay đổi nhân thân của một người: Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Thừa kế, Luật Thi hành Nghĩa vụ Quân sự, và những luật liên quan đến vấn đề an toàn và phòng chống tội phạm…

Tiêu chí đầu tiên để chuyển giớiJessica (áo trắng) cùng những người bạn chuyển giới và diễn viên Kim Khánh (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ câu chuyện của mình

Khi chuyển giới xong, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng sự thay đổi nội tiết của bệnh nhân. Sự thay đổi nội tiết này có thể sẽ khiến cho tính tình của một số người có những thay đổi nhất định. Ví dụ, thiến một con gà trống (cắt bỏ tuyến sinh dục) khiến con gà trống hết gáy, không còn khả năng mọc lông đẹp… Tương tự như vậy, khi chúng ta điều trị nội tiết cho một người phụ nữ; bình thường tính tình của họ mềm mỏng, sẽ trở nên nam tính hóa, hung hăng. Đến thời điểm họ phạm tội có phải do nội tiết tác động hay do bản thân muốn… Chưa kể là vấn đề tâm lý, tâm thần theo thời gian sẽ có thể có những rối loạn. Do đó, chúng ta còn cần phải đánh giá về hệ quả lâu dài. Một người chuyển giới, kéo theo hệ thống tư pháp phải thay đổi.

Theo một báo cáo tại Trung tâm Hoa Kỳ - Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM vào ngày 21/9/2017, sự kỳ thị và phân biệt đối xử có tác động đến dịch HIV/AIDS và y tế. Cụ thể, nam quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 19 lần, nhóm chuyển giới nữ có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS gấp 49 lần. Trong khi đó, các nguồn lực cho dự phòng HIV không tiếp cận đủ đến nhóm MSM (men sex men). Uớc tính, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 0,3% cộng đồng người trưởng thành có mong muốn chuyển giới. do đó, dựa vào thống kê dân số của liên hiệp quốc (un), nhóm người này chiếm từ 9 - 9,5 triệu người.

Nhưng liệu rằng sau khi người chuyển giới đã hoàn chỉnh có được cộng đồng chấp nhận không? Họ sẽ hòa nhập vào cộng đồng như thế nào?

Vào tháng 6 - 7 vừa rồi, tôi được tháp tùng Bộ Y tế qua Thái Lan tham quan mô hình phẫu thuật chuyển giới, cũng như tiếp cận với luật. Tại Thái Lan, vấn đề phẫu thuật chuyển giới được xem như một dịch vụ y tế. Điều này chứng tỏ một đất nước như Thái Lan có một “công nghệ sản xuất chuyển giới” khá lâu cho đến bây giờ vẫn còn chưa công nhận về mặt luật pháp, bạn muốn làm gì bạn làm. Bên cạnh đó, người chuyển giới ngay tại Thái Lan cũng rất khó xin việc vì vẫn có một sự kỳ thị nhẹ trong cộng đồng người Thái Lan. Do đó, Thái Lan thành lập một hội bảo vệ người chuyển giới, tự tạo nhà hàng hay chỗ kinh doanh riêng thu hút khách du lịch để kiếm tiền trang trải.

Quay về thực trạng về chuyển giới, điều cần quan tâm nhất là nguy cơ nhiễm bệnh lý lây lan qua đường tình dục như HIV/AIDS, lậu, giang mai tăng lên rất nhiều. Điều này gây ảnh hưởng rất nặng nề trong cộng đồng người chuyển giới. Điều này là do người chuyển giới gần như đã mất cơ chế bảo vệ tự nhiên do hệ miễn dịch bị suy giảm dưới tác động của sự thay đổi nội tiết. Một phần khác, quan hệ của họ cũng không bằng con đường “chính thống”, thông qua đường hậu môn hay miệng, có thể kéo theo hàng loạt vấn đề về sức khỏe.

Chúng ta có thể đạt đến một sự bình đẳng, nhưng tất cả những điều đó tác động mạnh mẽ đến cả hệ thống chính trị - xã hội và kinh tế.

Khát vọng chuyển giới đánh đổi một phần sức khỏe
Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM đã tổ chức buổi nói chuyện về chủ đề LGBT (với sự tham gia của người chuyển giới Nguyễn Khánh Toàn (tên mới là Jessica), và diễn viên - đạo diễn Kim Khánh với dự án phim “Jessi - Cà” về cuộc sống của những người chuyển giới. LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender).
Bộ phim tái hiện lại cuộc đời thật của Jessica (31 tuổi) - một cô gái chuyển giới hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM với những trải nghiệm của cô khi còn là đứa trẻ nhận ra ý thức giới tính của mình, chịu đựng sự bạo hành trong gia đình và bị bắt nạt ở trường học, những rung động đầu đời và trải nghiệm riêng tư theo đúng xu hướng tính dục của mình, quá trình phẫu thuật chuyển giới…
“Ngay từ 2 - 3 tuổi, tôi đã thích mặc đầm, mặc áo dài đỏ chúc Tết như con gái. Nhưng khi vào lớp 1, bố mẹ đã bắt tôi đi vào khuôn phép của một thằng con trai để tránh bạn bè bị trêu chọc, hay bị mọi người xung quanh dèm pha. Nhưng tính cách từ nhỏ của tôi đã rất yểu điệu thùy mị, tôi thích chơi với bạn nữ, đi toilet nữ và thích đái ngồi. Nghe những lời bàn tán của mọi người, tôi sợ hãi vì nghĩ đó là bệnh, nên gò bó mình để trở nên cứng rắn, nam tính hơn. Cho đến năm 13 - 14 tuổi, tôi có tình cảm đầu đời, nhớ nhung với một bạn nam. Tôi thích con trai. Tôi lén lút mua sách về đọc và tìm hiểu, tôi cho rằng mình là người đồng tính luyến ái nam. Nhưng càng lớn dần, tôi càng cảm thấy mình bị nhốt trong con người khác, và có nhu cầu bộc lộ ra. Tôi thích mỹ phẩm, thích đội tóc giả, thích mặc áo đầm... Tôi có khác lạ không? Có phải là quái thai không? Tôi muốn chuyển giới. Tôi như lạc lõng giữa giới tính của mình”. Jessica chia sẻ câu chuyện của riêng mình.


An Quý (thực hiện)
Ý kiến của bạn