Bộ Y tế đã dự thảo Thông tư ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Những trường hợp thuốc bị loại khỏi danh mục BHYT
Tại dự thảo đang lấy ý kiến nhân dân, nguyên tắc xây dựng danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT được đưa ra bao gồm 5 yếu tố:
- Phù hợp và thúc đẩy thực hiện chính sách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả, kinh tế;
- Lấy người bệnh làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với cơ cấu bệnh tật, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT;
- Bảo đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT trong từng giai đoạn, bảo đảm công khai minh bạch;
- Kế thừa các Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT;
- Tham khảo Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam và của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện hành.
Theo dự thảo, thuốc thuộc một trong những trường hợp sau sẽ loại ra khỏi Danh mục thuốc:
- Thuốc không còn được cấp phép lưu hành hoặc cấp phép nhập khẩu tại Việt Nam (tại thời điểm rà soát Danh mục thuốc) trừ trường hợp là thuốc cấp cứu, thuốc chống độc, thuốc hiếm thuốc phóng xạ và chất đánh dấu, chế phẩm máu, oxy dược dụng và nitric oxid;
- Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu;
- Thuốc nằm trong diện khuyến cáo không nên sử dụng (hiệu quả điều trị không rõ ràng, hoặc có khuyến cáo về độ an toàn, hoặc lợi ích không còn vượt trội so với nguy cơ) của WHO, hoặc Bộ Y tế Việt Nam hoặc cơ quan quản lý dược của các nước, hoặc các hội y khoa, dược khoa có uy tín trên Thế giới. Trường hợp thuốc được các đơn vị đề xuất xin giữ lại, căn cứ ý kiến của tiểu ban chuyên môn trên cơ sở đánh giá các bằng chứng nghiên cứu lâm sàng về an toàn, hiệu quả để xem xét.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, đối với thuốc dạng phối hợp đa thành phần, ngoài các tiêu chí loại bỏ đã kể trên, các thuốc dạng phối hợp đa thành phần có dạng phối hợp không được lưu hành tại 9 nước (Anh, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ, Canada, Úc, Nhật) và EMA sẽ bị loại bỏ khỏi Danh mục thuốc, trừ các thuốc sản xuất tại Việt Nam có bằng chứng khoa học về hiệu quả, an toàn thông qua đề tài cấp nhà nước hoặc cấp Bộ đã được nghiệm thu.
Trường hợp thuốc phối hợp đa thành phần không thuộc một trong các tiêu chí loại bỏ đã kể trên nhưng không lưu hành tại các nước tham chiếu, được các đơn vị đề xuất xin giữ lại, căn cứ ý kiến của tiểu ban chuyên môn trên cơ sở đánh giá các bằng chứng nghiên cứu lâm sàng về an toàn, hiệu quả để xem xét.
Tiêu chí bổ sung thuốc mới vào Danh mục thuốc BHYT
Cũng tại dự thảo này, Bộ Y tế nêu rõ các thuốc cần không vi phạm tiêu chí kể trên và đạt tất cả các tiêu chí chung: Là thuốc hóa dược, thuốc sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; đã được Cục Quản lý Dược cấp giấy đăng ký lưu hành; trường hợp là thuốc chống độc, thuốc hiếm, thuốc cấp cứu, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu; được khuyến cáo trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc WHO hoặc Hội y khoa, dược khoa có uy tín trên thế giới; có đề xuất từ cơ quan quản lý về y tế, hoặc cơ sở khám chữa bệnh, hoặc Hội y khoa, dược khoa, hoặc Hội bệnh học, hoặc cơ sở kinh doanh dược và có hồ sơ sản phẩm cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Bộ Y tế (Bộ Y tế sẽ ban hành Công văn yêu cầu cung cấp thông tin); có đánh giá tác động ngân sách tại Việt Nam.
Tiêu chí riêng đối với các nhóm thuốc
Ngoài tiêu chí chung, thuốc thuộc nhóm giải độc, thuốc cấp cứu phải có bằng chứng khoa học về có tổng quan hệ thống về chi phí - hiệu quả hoặc đánh giá chi phí - hiệu quả thực tế tại Việt Nam của thuốc so với thuốc đã có trong Danh mục thuốc hiện hành hoặc so với thuốc hoặc phương pháp điều trị có trong hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế.
Thuốc hiếm (nằm trong danh mục thuốc hiếm theo quy định của Bộ Y tế), ngoài đáp ứng tiêu chí chung, cần đáp ứng tiêu chí sau: Trường hợp thuốc hiếm đã có thuốc so sánh trong Danh mục thuốc hiện hành có cùng chỉ định điều trị bệnh hiếm đó: Yêu cầu bằng chứng khoa học về chi phí - hiệu quả tại Việt Nam của thuốc mới so với thuốc so sánh có trong Danh mục thuốc hiện hành; trường hợp thuốc hiếm chưa có thuốc so sánh trong Danh mục thuốc hiện hành có cùng chỉ định điều trị bệnh hiếm đó: Yêu cầu tổng quan hệ thống về chi phí - hiệu quả;
Ngoài tiêu chí chung, thuốc phối hợp mà các thành phần đều đã có trong Danh mục thuốc BHYT cần đáp ứng tiêu chí sau: Trường hợp giá thuốc phối hợp cao hơn tổng chi phí các thuốc thành phần đã có trong Danh mục thuốc bảo hiểm y tế (xét theo giá thuốc cùng nhóm): Không thực hiện bổ sung vào Danh mục; trừ trường hợp chứng minh hiệu quả đặc biệt cho nhóm đối tượng đặc thù. Trường hợp xem xét cho nhóm đặc thù, cần đáp ứng các tiêu chí chung.
Trường hợp giá thuốc phối hợp thấp hơn tổng chi phí các thuốc thành phần đã có trong Danh mục thuốc BHYT (xét theo giá thuốc cùng nhóm): Cần đáp ứng các tiêu chí chung. Trường hợp thuốc thành phần có trong Danh mục thuốc bảo hiểm y tế không tương đồng về mặt phân nhóm với thuốc phối hợp: Thực hiện xét giá thuốc phối hợp với tổng chi phí các thuốc thành phần ở nhóm tiêu chí kỹ thuật cao nhất.
Các thuốc không thuộc nhóm thuốc chống độc, thuốc cấp cứu, thuốc hiếm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu, ngoài đáp ứng tiêu chí chung, cần có bằng chứng khoa học về chi phí - hiệu quả tại Việt Nam của thuốc mới so với thuốc hoặc phương pháp điều trị so sánh có trong hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế hoặc thuốc đã có trong Danh mục thuốc hiện hành.
Thuốc được xem xét mở rộng sử dụng ở hạng bệnh viện/tuyến/cấp chuyên môn sử dụng khi nào?
Tại dự thảo này, Bộ Y tế cũng nêu rõ thuốc được xem xét mở rộng sử dụng ở hạng bệnh viện/tuyến/cấp chuyên môn thấp hơn khi đạt tất cả các tiêu chí sau:
- Thuốc có trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế, hoặc WHO hoặc các Hội y khoa, dược khoa có uy tín trên thế giới, thực sự cần thiết và chưa có thuốc thay thế ở hạng /tuyến /cấp chuyên môn thấp hơn;
- Thuốc được các tiểu ban tư vấn chuyên môn đánh giá khả năng chuyên môn của hạng/tuyến/cấp chuyên môn thấp hơn có thể sử dụng thuốc bảo đảm điều trị an toàn, hợp lý, hiệu quả; hoặc tiếp nhận hiệu quả việc chuyển giao chuyên môn từ tuyến trên; hoặc có hiệu quả điều trị rõ ràng, có trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc WHO, Hội y khoa, dược khoa có uy tín trên thế giới và được khuyến cáo sử dụng tại hạng/tuyến/cấp chuyên môn đó.
- Có đề xuất từ cơ quan quản lý về y tế, hoặc cơ sở khám chữa bệnh, hoặc Hội y khoa, dược khoa, hoặc Hội bệnh học, hoặc cơ sở kinh doanh dược và có hồ sơ sản phẩm cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Bộ Y tế. Trường hợp không có đề xuất hoặc đề xuất không theo mẫu, căn cứ ý kiến của tiểu ban tư vấn chuyên môn để xem xét mở rộng hạng/tuyến/cấp chuyên môn viện sử dụng;
- Có đánh giá tác động ngân sách tại Việt Nam khi mở rộng hạng/tuyến/cấp chuyên môn, trừ một số thuốc mở rộng cho bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và trạm y tế xã theo yêu cầu chuyên môn và phù hợp với năng lực của hạng/tuyến/cấp chuyên môn được mở rộng.
Mời bạn đọc xem chi tiết dự thảo của Bộ Y tế tại đây:
Đến thời điểm hiện tại, có hơn 22.000 thuốc, nguyên liệu làm làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế ở nước ta đang còn hiệu lực đăng ký lưu hành; có 1.037 hoạt chất thuốc, hóa dược; 59 thuốc phóng xạ, chất đánh dấu; 229 thuốc đông y, cổ truyền phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của người dân.