1. Nguyên nhân gây tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng đi phân đi lỏng hay phân nước từ 3 lần/ngày trở lên. Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy, phổ biến nhất là nhiễm trùng ruột do vi khuẩn, vi rus hoặc ký sinh trùng gây ra. Những bệnh nhiễm trùng này thường mắc phải do nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm.
Tiêu chảy cũng có thể do ăn thức ăn làm rối loạn hệ tiêu hóa và do dị ứng với thức ăn hoặc thành phần cụ thể. Một số loại thuốc cũng được biết là gây tiêu chảy, như thuốc kháng sinh, thuốc hoá trị và thuốc nhuận tràng có chứa magiê.
Tiêu chảy cũng có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý khác, như hội chứng kém hấp thu, bệnh viêm ruột, cụ thể là viêm loét đại tràng, bệnh Crohn và hội chứng ruột kích thích. Một nguyên nhân phổ biến khác là không dung nạp đường lactose, trong đó người bệnh bị phân lỏng sau khi uống sữa hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa khác.
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm rối loạn các dây thần kinh, cắt bỏ một phần dạ dày hoặc ruột non và xạ trị...
Hầu hết các trường hợp, tiêu chảy sẽ tự khỏi sau hai hoặc ba ngày. Thông thường, phương pháp điều trị cần thiết là ngăn ngừa mất nước, có thể được thực hiện bằng cách bù nước và điện giải đường uống đồng thời duy trì dinh dưỡng.
Tiêu chảy nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc các bệnh nội khoa đồng thời, bao gồm bệnh đái tháo đường, suy thận và bệnh tim... cần đi khám nếu bị tiêu chảy.
2. Làm gì để hạn chế nguy cơ mất nước?
Hậu quả nguy hiểm nhất của tiêu chảy là do mất nước. Mục đích bù nước và điện giải không phải để điều trị triệu chứng tiêu chảy mà nhằm phục hồi và duy trì cân bằng dịch trong cơ thể. Chế phẩm bù điện giải thường là oresol.
Oresol là điều trị đầu tay được khuyến nghị cho tình trạng mất nước nhẹ đến trung bình ở mọi lứa tuổi bị tiêu chảy cấp do bất kỳ nguyên nhân nào.
Cần lưu ý pha oresol đúng hướng dẫn vì nếu pha ít nước có thể làm tình trạng mất nước nặng hơn. Không dùng dung dịch đã pha quá 24h.
Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện mất nước nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời bằng phương pháp truyền dịch tĩnh mạch. Có thể cần giới thiệu chuyên khoa để bù nước cho bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân bị bệnh thận hoặc suy tim.
3. Các thuốc điều trị tiêu chảy
Mục tiêu điều trị bằng thuốc là kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Thuốc chống tiêu chảy có thể giúp giảm lượng chất lỏng mất đi, tần suất và độ đặc của phân và rút ngắn quá trình lâm sàng của bệnh tiêu chảy.
3.1 Nhóm thuốc hấp phụ và tạo khối
Thuốc có tác dụng hấp phụ các chất trong lòng ruột, kể cả nước hay độc tố. Thuốc thường được dung nạp tốt và an toàn để sử dụng, nhưng không hiệu quả ở những bệnh nhân bị sốt tiêu chảy ra máu. Các thuốc phổ biến là: Attapulgit, diosmectit...
Về lý thuyết, thuốc có thể hấp phụ các chất độc do vi khuẩn độc sinh ra và hoạt động bằng cách ngăn cản sự bám dính của chúng vào màng ruột. Do đó, hiệu quả phụ thuộc vào việc sử dụng sớm trước khi chất độc bám vào thành ruột.
3.2 Nhóm thuốc chống tiết dịch
Bismuth subsalicylate có tác dụng kháng tiết, kháng khuẩn và chống viêm, được dùng trong điều trị tiêu chảy cấp. Thuốc giúp làm giảm số lượng phân đi ngoài và thời gian tiêu chảy khoảng 50%.
Thuốc có thể làm phân có màu đen và cản trở sự hấp thu của các loại thuốc khác như diphenoxylate và tetracycline.
Dùng quá liều, có thể dẫn đến ngộ độc gây biến chứng thần kinh và thành phần salicylat của thuốc có thể gây ngộ độc salicylat. Vì vậy không dùng thuốc cho bệnh nhân mẫn cảm với salicylat, kể cả aspirin.
3.3 Nhóm thuốc giảm nhu động ruột
Các thuốc trong nhóm này chủ yếu là thuốc nhóm opiat và dẫn chất opioid, bao gồm loperamide và phối hợp diphenoxylat với atropin sulfat tác dụng tại chỗ làm giảm nhu động thành ruột và trương lực cơ.
Loperamide là thuốc được khuyến nghị phổ biến nhất để điều trị tiêu chảy cấp tính không biến chứng.
Loperamid làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc làm giảm đáng kể khối lượng phân trong hầu hết các hội chứng tiêu chảy phân nước.
3.4 Men vi sinh
Men vi sinh (probiotic) là các chế phẩm chứa lợi khuẩn có thể giúp phòng ngừa và điều trị tiêu chảy. Probiotic có nhiều loại bao gồm bột khô, viên nang hay dung dịch.
3.5 Kháng sinh
Đa số các trường hợp tiêu chảy là do virus như rotavirus, norovirus, vì vậy kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng vì không mang lại hiệu quả.
Kháng sinh chỉ được sử sụng khi có chỉ định của bác sĩ khi đã xác định được nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy là do vi khuẩn.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc trị tiêu chảy
Đối với tiêu chảy nhẹ hoặc cấp tính, trong thời gian ngắn, hầu hết người lớn có thể tự điều trị bằng: Bù nước, điều chỉnh chế độ ăn uống, sử dụng thuốc không kê đơn...
Tuy nhiên, nếu tiêu chảy nặng, kéo dài hoặc kèm theo máu, sốt cao hoặc sụt cân nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Chẩn đoán là cần thiết để điều trị đúng nguyên nhân cơ bản.
Thuốc trị tiêu chảy nên được sử dụng thận trọng và có sự giám sát của bác sĩ nếu tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng. Do thuốc làm chậm quá trình di chuyển của ruột kết, có thể kéo dài thời gian nhiễm trùng đường ruột (viêm đại tràng), và trong trường hợp viêm đại tràng nặng, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là tê liệt ruột kết.
Không có loại thuốc nào là không có rủi ro. Hãy hỏi dược sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu không chắc chắn lượng thuốc cần dùng, tần suất dùng thuốc hoặc tương tác có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc nào khác đang dùng hay không.
5. Những điều nên làm khi bị tiêu chảy
- Trong mọi trường hợp, phải đảm bảo đủ nước.
- Tiêu chảy nhiều nước, phân có máu, sốt và sụt cân là những dấu hiệu cảnh báo cần được bác sĩ đánh giá và có thể cần truyền dịch tĩnh mạch.
- Được sử dụng theo chỉ dẫn, loperamide là thuốc an toàn để kiểm soát tiêu chảy, nhưng tuyệt đối không dùng nhiều hơn liều khuyến cáo.
- Tiêu chảy nặng có thể đe dọa tính mạng, vì vậy cần hết sức thận trọng, đặc biệt là ở người rất trẻ và rất già.
- Cuối cùng, nếu tình trạng tiêu chảy không cải thiện hoặc nếu các triệu chứng xấu đi, nên đến các cơ sở y tế để được xử trí.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng