Hà Nội

Tiêu chảy do vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng, cách nào phòng ngừa?

01-03-2023 08:07 | Dược

SKĐS - Tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn Shigella gây tiêu chảy ngày càng tăng, từ 0% năm 2015 lên 5% vào năm 2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cảnh báo.

Tiêu chảy do vi khuẩn Shigella còn được gọi là Shigellosis. Đây là một bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính, thường gây tiêu chảy có thể ra máu và cũng có thể dẫn đến sốt, đau quặn bụng và mót rặn…; là nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh tiêu chảy do vi khuẩn mắc phải trong nước và do du lịch (bệnh tiêu chảy du lịch).

Vi khuẩn Shigella lây truyền qua đường phân - miệng, trực tiếp qua tiếp xúc giữa người với người bao gồm: Quan hệ tình dục và gián tiếp qua thực phẩm, nước bị ô nhiễm và các đường khác.

Vi khuẩn Shigella dễ dàng lây truyền do liều lây nhiễm thấp (chỉ khoảng 10–100 sinh vật) và các đợt bùng phát có xu hướng xảy ra giữa những người có tiếp xúc gần.

photo-1677561859014

Vi khuẩn Shigella gây tiêu chảy.

1. Cảnh báo Shigella kháng thuốc

Trước đây, bệnh do Shigella chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ (1–4 tuổi), nhưng gần đây, CDC đã quan sát thấy sự gia tăng các ca nhiễm Shigella kháng kháng sinh ở người trưởng thành đặc biệt là:

  • Đồng tính nam, song tính và những người đàn ông khác có quan hệ tình dục với nam giới (MSM)
  • Những người vô gia cư
  • Khách du lịch
  • Những người sống chung với HIV

Hầu hết những người mắc bệnh tiêu chảy chỉ cần được chăm sóc hỗ trợ và bù dịch. Các thuốc kháng sinh không phải lúc nào cũng cần thiết đối với bệnh do Shigella nhẹ, nhưng chúng có thể được chỉ định để:

  • Rút ngắn thời gian bị bệnh (khoảng 2 ngày), ngăn ngừa các biến chứng
  • Hoặc giảm khả năng lây truyền trong các đợt bùng phát, cho những người bị suy giảm miễn dịch hoặc những người đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, những người sống chung với HIV…

Tuy nhiên, một vấn đề lo ngại là ngày càng tăng các chủng vi khuẩn Shigella kháng thuốc, khiến cho các thuốc kháng sinh hiện có không còn tác dụng. Theo CDC, vi khuẩn Shigella kháng thuốc là các chủng kháng tất cả các loại kháng sinh thay thế và kháng sinh theo kinh nghiệm thường được khuyến cáo như: Azithromycin, ciprofloxacin, ceftriaxone, trimethoprim-sulfamethoxazole (TMP-SMX) và ampicillin.

Vi khuẩn Shigella rất dễ lây truyền và có thể lan truyền các gen kháng kháng sinh sang các vi khuẩn đường ruột khác và hiện có rất ít lựa chọn điều trị cho những người bị nhiễm các chủng kháng thuốc này.

2. Cách phòng ngừa tiêu chảy do Shigella

Hiện tại, không có dữ liệu từ các nghiên cứu lâm sàng về điều trị Shigella kháng thuốc, để thông báo các khuyến nghị về điều trị kháng sinh tối ưu cho các bệnh nhiễm trùng này. Để phòng bệnh CDC khuyến nghị:

Đối với người bệnh

- Khi mắc tiêu chảy do Shigella, cần nghỉ học hoặc nghỉ làm; không làm các công việc chăm sóc sức khỏe, dịch vụ ăn uống hoặc chăm sóc trẻ em khi bị ốm hoặc cho đến khi có thể trở lại an toàn.

- Trong khi bị tiêu chảy và trong 2 tuần sau khi hết cần: Kiêng quan hệ tình dục (hậu môn, miệng, dương vật hoặc âm đạo); rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; không chuẩn bị thức ăn cho người khác (nếu có thể); tránh xa nước ở những nơi giải trí (gồm bể bơi, bồn tắm nước nóng, sân chơi dưới nước, biển, hồ, sông); tuân thủ chặt chẽ các thực hành tình dục an toàn…

Đối với nhân viên y tế

Cần nhận thức được rằng:

- Sự lây truyền Shigella rất khó kiểm soát vì vi khuẩn này lây lan dễ dàng và nhanh chóng giữa người với người, kể cả qua hoạt động tình dục.

- Nhiễm trùng Shigella kháng thuốc đã được báo cáo với tần suất ngày càng tăng, đặc biệt là ở những người vô gia cư, du khách quốc tế, người bị suy giảm miễn dịch và MSM…

Đối với cộng đồng

Cần hiểu rằng vi khuẩn Shigella có thể lây lan dễ dàng từ người này sang người khác – và chỉ cần một lượng nhỏ Shigella cũng có thể khiến người khác bị bệnh. Do đó, cần biết cách phòng ngừa bệnh bằng cách thực hiện:

- Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trong những thời điểm quan trọng như: Sau khi đi vệ sinh, thay tã; trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn - uống; trước bất kỳ hoạt động tình dục nào…

- Tránh nuốt nước từ bể bơi, ao, hồ…

- Cẩn thận khi thay tã: Ngay sau khi bạn thay tã cho trẻ, hãy vứt ngay tã vào thùng rác có lót và đậy kín; dọn sạch mọi chỗ rò rỉ hoặc tràn ra khỏi tã ngay lập tức và rửa tay của bạn và tay của trẻ bằng xà phòng và nước.

- Khi đi du lịch: Hãy tuân theo thói quen ăn uống an toàn và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.

- Nếu bạn hoặc đối tác của bạn bị tiêu chảy, không quan hệ tình dục. Để giảm nguy cơ lây lan Shigella, hãy đợi ít nhất hai tuần sau khi hết tiêu chảy mới quan hệ tình dục.

Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn