1. Tại sao uống thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy?
Tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc kháng sinh. Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh là tình trạng đi ngoài phân lỏng, nhiều nước trên 3 lần mỗi ngày sau khi dùng kháng sinh. Thống kê cho thấy, cứ 5 người dùng thuốc kháng sinh thì có 1 người bị tiêu chảy.
Nguyên nhân kháng sinh gây tiêu chảy là do:
- Những loại thuốc này có thể phá vỡ sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa của người bệnh: Trong hệ tiêu hóa có chứa hàng tỷ vi khuẩn (cả lợi khuẩn và hại khuẩn). Lợi khuẩn giúp duy trì sức khỏe đường ruột, trong khi hại khuẩn có thể gây bệnh. Kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn trong đường ruột, bao gồm cả lợi khuẩn, làm mất cân bằng hệ vi sinh vật, gây tiêu chảy.
- Khi lợi khuẩn bị tiêu diệt, vi khuẩn có hại Clostridioides difficile (C.diff) sinh sôi nhanh chóng, không kiểm soát. Những vi khuẩn này giải phóng độc tố tấn công niêm mạc ruột, gây kích ứng niêm mạc ruột, dẫn đến tiêu chảy. Phân lỏng thường xuất hiện trong vòng một tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh và có thể kéo dài trong vài ngày. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi người bệnh ngừng dùng thuốc kháng sinh.
Nhiễm trùng C. diff có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như tiêu chảy ra máu, sụt cân, buồn nôn và nôn...

Tiêu chảy là một tác dụng phụ phổ biến khi dùng kháng sinh.
- Việc dùng kháng sinh kéo dài hoặc liều cao cũng làm tăng nguy cơ tiêu chảy ở người bệnh. Một số loại kháng sinh dễ gây tiêu chảy: Cephalosporin, cephalexin, fluoroquinolone, macrolide, amoxicillin…
2. Cách phòng ngừa tiêu chảy khi dùng thuốc kháng sinh
Để giảm nguy cơ tiêu chảy do thuốc kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ:
- Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Không dùng những loại thuốc này để điều trị bệnh do virus như cảm lạnh hoặc cúm. Kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn chứ không có tác dụng chống lại virus.
- Bổ sung đủ nước và điện giải: Tiêu chảy có thể gây mất nước, do đó việc bổ sung đủ nước là rất cần thiết. Có thể uống nước lọc, oresol, nước dừa hoặc nước trái cây loãng. Tránh đồ uống có nhiều đường hoặc có chứa cồn, caffeine... vì các loại nước này có thể khiến người bệnh mất nước nhiều hơn.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu kali, hạn chế chất xơ, tránh đồ ăn nhiều giàu mỡ, cay nóng. Có thể ăn thực phẩm có chứa lợi khuẩn, như sữa chua Hy Lạp, để thiết lập lại sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong ruột.
3. Cách kiểm soát bệnh tiêu chảy khi dùng thuốc kháng sinh
Để kiểm soát bệnh tiêu chảy khi dùng thuốc kháng sinh, người bệnh cần thực hiện:
- Với những trường hợp nhẹ, triệu chứng tiêu chảy sẽ khỏi trong vòng vài ngày sau khi người bệnh ngừng dùng thuốc kháng sinh.
- Với trường hợp bệnh nghiêm trọng, người bệnh cần ngừng dùng thuốc kháng sinh cho đến khi tình trạng tiêu chảy thuyên giảm. Tiêu chảy do C. diff có thể mất nhiều thời gian hơn để điều trị khỏi bệnh và dễ tái phát.
- Bổ sung đủ nước để ngăn ngừa mất nước: Có thể uống đồ uống thể thao hoặc dung dịch oresol để thay thế chất điện giải đã mất.
- Ăn chế độ ăn nhạt và tránh các thực phẩm như sữa và thực phẩm nhiều chất xơ, có thể làm tiêu chảy nặng hơn.
- Tuyệt đối không dùng thuốc chống tiêu chảy loperamide hoặc bismuth subsalicylate mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Đến cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng: Đi ngoài phân lỏng trên 5 lần/ngày, sốt, đau bụng, có máu/mủ trong phân, có dấu hiệu mất nước (khô miệng, đi tiểu ít, chóng mặt, cảm thấy yếu đi…).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những thực phẩm cần tránh khi bị tiêu chảy.