1. Tại sao thuốc kháng sinh gây tiêu chảy?
Dùng kháng sinh trong thời gian dài hoặc dùng nhiều hơn một loại thuốc kháng sinh cũng có thể gây tiêu chảy. Tiêu chảy có thể gây mất nước và đe dọa tính mạng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ…
Theo Mayo Clinic, cứ 5 người dùng kháng sinh thì có khoảng 1 người bị tiêu chảy liên quan đến kháng sinh, nghĩa là đi ngoài phân lỏng, nhiều nước từ ba lần trở lên mỗi ngày.
Tiêu chảy xảy ra khi thuốc kháng sinh làm mất cân bằng vi khuẩn tốt và xấu trong hệ thống tiêu hóa. Khi điều này xảy ra, vi khuẩn C. difficile (xấu có trong đường tiêu hóa), có thể nhanh chóng phát triển ngoài tầm kiểm soát và tạo ra độc tố tấn công niêm mạc ruột, gây tiêu chảy.
Gần như tất cả các loại kháng sinh đều có thể gây tiêu chảy, nhưng những loại kháng sinh gây tiêu chảy phổ biến nhất là: Macrolides (clarithromycin), cephalosporin (cefdinir, cefpodoxime), fluoroquinolones (ciprofloxacin, levofloxacin), penicillins (amoxicillin và ampicillin)…
Thuốc kháng sinh làm mất cần bằng vi khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy.
Thông thường tiêu chảy liên quan đến kháng sinh thường nhẹ và hết trong vòng vài ngày sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, trong trường hợp tiêu chảy liên quan đến kháng sinh nghiêm trọng hơn, có thể yêu cầu ngừng hoặc chuyển đổi dùng kháng sinh.
Vì vậy, chỉ dùng kháng sinh khi cần thiết để ngăn ngừa tiêu chảy liên quan đến kháng sinh.
2. Cách khắc phục tiêu chảy do thuốc kháng sinh
Điều trị tiêu chảy liên quan đến kháng sinh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng.
- Nếu tiêu chảy nhẹ, các triệu chứng có thể sẽ hết trong vòng vài ngày sau khi kết thúc điều trị bằng kháng sinh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn ngừng điều trị bằng kháng sinh cho đến khi hết tiêu chảy.
- Đối với trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn C. difficile (nặng), bác sĩ có thể sẽ ngừng bất kỳ loại kháng sinh nào bạn đang dùng và có thể kê đơn thuốc kháng sinh được nhắm mục tiêu cụ thể, để tiêu diệt vi khuẩn C. difficile gây tiêu chảy. Người bệnh cũng có thể được yêu cầu ngừng dùng thuốc ức chế axit dạ dày (nếu có). Đối với những người bị loại nhiễm trùng này, các triệu chứng tiêu chảy có thể quay trở lại và cần điều trị nhiều lần.
Ngoài ra, người bị tiêu chảy do thuốc kháng sinh có thể áp dụng lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà như:
- Uống đủ chất lỏng: Để chống lại tình trạng mất nước nhẹ và vừa do tiêu chảy, hãy uống thêm nước hoặc đồ uống có chứa chất điện giải như oresol, nước ép trái cây không có nhiều đường…
Tránh đồ uống có nhiều đường hoặc chứa cồn hoặc caffein, chẳng hạn như cà phê, trà và cola, những thứ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tiêu chảy.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em bị tiêu chảy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng dung dịch bù nước đường uống, để bổ sung chất lỏng và chất điện giải cho phù hợp.
Cần bổ sung đủ chất lỏng khi bị tiêu chảy do thuốc kháng sinh.
- Tránh một số loại thực phẩm: Người bệnh nên tránh các loại thực phẩm từ sữa cũng như chất béo (thức ăn nhiều dầu mỡ) và gia vị cay, khi đang bị tiêu chảy… và có thể quay lại chế độ ăn uống bình thường ngay sau khi hết tiêu chảy.
- Có thể sử dụng thuốc chống tiêu chảy: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc chống tiêu chảy, chẳng hạn như loperamide. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu dùng không đúng thuốc chống tiêu chảy, có thể làm cho bệnh thêm trầm trọng, vì thuốc có thể cản trở khả năng đào thải độc tố của cơ thể và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Những loại thuốc này không nên được sử dụng nếu bị tiêu chảy do vi khuẩn C. difficile.
- Có thể bổ sung vi khuẩn tốt (men vi sinh) được tìm thấy trong các loại thực phẩm như sữa chua - giúp cân bằng lại các vi khuẩn lành mạnh trong đường tiêu hóa.
Tiêu chảy ngắn hạn chỉ kéo dài vài ngày thường không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng tiêu chảy kéo dài hoặc thường xuyên, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có thể rất nghiêm trọng. Cơ thể sẽ mất nước và các khoáng chất quan trọng (chất điện giải), giúp giữ cho cơ thể hoạt động bình thường.
Tiêu chảy cũng có thể ngăn cơ thể bạn tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn đúng cách, gây suy dinh dưỡng.
Tiêu chảy do kháng sinh là mối quan tâm lớn nhất đối với trẻ nhỏ, người già, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc có nguy cơ mất nước cao hơn...
Hãy cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng như khô miệng, khát nước dữ dội, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, chóng mặt và suy nhược... Nếu người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng này, hãy đi khám ngay.
Mời độc giả xem thêm video:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng