Tiêu chảy cấp ở trẻ - Bệnh thường gặp trong mùa mưa

21-08-2022 13:59 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ. Đồng thời cũng là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.

Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảyNhững sai lầm thường gặp khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy

SKĐS - Khi trẻ đột nhiên đi tiêu phân lỏng, phân nhiều nước và nhiều hơn tức là trẻ đã bị tiêu chảy. Rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng và sai lầm trong chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy.

Ô nhiễm nguồn nước trong mùa mưa bão là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Vì vậy, việc phòng bệnh và phát hiện sớm tiêu chảy cấp ở trẻ trong mùa mưa là vô cùng quan trọng.

Xác định tiêu chảy cấp ở trẻ là rất quan trọng

Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu phân lỏng bất thường hay toàn nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ đang bú mẹ, việc đi tiêu phân lợn cợn nhiều lần trong ngày vẫn được xem là bình thường, để xác định có bị tiêu chảy hay không thì phải dựa vào sự thay đổi tính chất phân, điều này được xem là quan trọng hơn số lần đi tiêu trong ngày.

Tiêu chảy cấp là khi tiêu chảy không quá 14 ngày.

Tiêu chảy kéo dài là khi tiêu chảy từ 14 ngày trở lên.

Tiêu chảy mạn tính là tiêu chảy từ 30 ngày trở lên.

Hội chứng lỵ là khi bệnh nhân tiêu lỏng kèm có máu trong phân.

Tiêu chảy cấp ở trẻ - Bệnh thường gặp trong mùa mưa - Ảnh 2.

Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em. Ảnh minh hoạ

Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ

Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em. Đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Nó đã và đang trở thành một vấn đề toàn cầu, là gánh nặng kinh tế đối với các nước đang phát triển.

Tiêu chảy cấp hầu hết do virus. Một số nguyên nhân khác như vi trùng, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, nhiễm trùng ngoài ruột và một số nguyên nhân ít gặp khác.

Nhiễm trùng đường ruột do các tác nhân gây bệnh

- Virus: Rotavirus, Astroviruses, Adenovirruses, Parvoviruses, Noroviruses, Caliciviruses;

- Vi trùng: Bacillus, Campylobacter jejuni, Clostridium botulinum, E. coli, Listeria monocytogenes, Salmonella spp, Shigella spp, Staphylococcus aureus, Vibrio cholerae, Yersinia enterocolytica…

- Ký sinh trùng: Cryptosporidium, Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Toxoplassma gondii,

- Nhiễm trùng ngoài ruột

Nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết, viêm não màng não, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi…

Các nguyên nhân khác

Dị ứng thức ăn, tiêu chảy do thuốc, rối loạn quá trình tiêu hóa - hấp thụ, viêm ruột do hóa trị, xạ trị, các bệnh lý ngoại khoa (viêm ruột thừa, lồng ruột…).

Các yếu tố nguy cơ sau dễ mắc tiêu chảy:

- Tuổi: Hầu hết các đợt tiêu chảy xảy ra trong hai năm đầu của cuộc sống. Độ tuổi mắc bệnh cao nhất là nhóm từ 6 đến 11 tháng tuổi. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, sẽ có sự phối hợp giảm kháng thể thụ động từ người mẹ, trong khi trẻ chưa có miễn dịch tiếp xúc chủ động với sự ô nhiễm thức ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh khi trẻ tập bò.

- Tình trạng suy dinh dưỡng: Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ mắc tiêu chảy, các đợt tiêu chảy kéo dài hơn, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thường dễ bị tử vong.

- Tình trạng suy giảm miễn dịch: Trẻ bị suy giảm miễn dịch tạm thời như sau khi bị sởi hoặc kéo dài như bị HIV/AIDS làm tăng tính cảm thụ với tiêu chảy.

- Cho trẻ bú bình: Chai và bình sữa dễ bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn đường ruột, khó đánh rửa, cho sữa vào bình không sạch sẽ bị ô nhiễm, nếu trẻ không ăn hết bình sữa trong ngày, vi khuẩn phát triển gây bệnh tiêu chảy.

- Ăn dặm: Cho trẻ ăn thức ăn đặc nấu chín để lâu ở nhiệt độ phòng bị ô nhiễm, vi khuẩn phát triển nhanh hoặc lên men.

- Nước uống bị nhiễm bẩn: Do nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm hoặc các dụng cụ chứa nước bị ô nhiễm.

- Không rửa tay sau khi đi ngoài, dọn phân, giặt cho trẻ hoặc trước khi chuẩn bị thức ăn.

- Không xử lý phân (đặc biệt là phân của trẻ nhỏ) một cách hợp vệ sinh, phân trẻ nhỏ bị tiêu chảy, phân súc vật cũng chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh cho người.

Tiêu chảy cấp ở trẻ - Bệnh thường gặp trong mùa mưa - Ảnh 4.

Việc phòng bệnh và phát hiện sớm tiêu chảy cấp ở trẻ trong mùa mưa là vô cùng quan trọng. Ảnh minh hoạ

Cách chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp tại nhà

Cách chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp tại nhà quan trọng nhất là bù nước cho trẻ đúng cách.

Cách bù nước và điện giải (các bà mẹ hay gọi là nước biển khô), Cha mẹ nhớ đọc kỹ hướng dẫn để pha với nước uống đúng cách.

- Nếu trẻ < 2 tuổi: Uống 50 - 100ml/ lần sau mỗi lần tiêu chảy

- Nếu trẻ 2 – 10 tuổi: Uống 100 – 200 ml/lần sau mỗi lần tiêu chảy

- Nếu trẻ > 10 tuổi: Uống theo nhu cầu

Cha mẹ lưu ý hòa tan hết toàn bộ lượng thuốc trong một gói ORESOL, với nước sôi để nguội theo hướng dẫn ghi trên gói thuốc. Tuyệt đối không chia nhỏ lượng thuốc trong gói ORESOL để pha với thể tích nước ít hơn vì sợ trẻ uống không hết thuốc. Việc pha thuốc không theo chỉ dẫn sẽ làm cho trẻ bị bệnh nặng hơn.

Cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường: Nước chín, nước trái cây (nước dừa), nước cháo muối. Tránh không cho trẻ uống nước đường, nước ngọt công nghiệp.

Không cho trẻ uống bất cứ thuốc gì để cầm tiêu chảy (vì thuốc cầm tiêu chảy sẽ giữ lại độc tố làm cho trẻ bệnh nặng hơn). Thuốc sử dụng cho trẻ cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Kháng sinh chỉ sử dụng khi tiêu chảy do nhiễm vi trùng và theo chỉ định của bác sĩ.

Cách cho trẻ ăn: Tiếp tục cho trẻ ăn uống không kiêng cữ gì, nhưng có thể chia làm nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ tiêu hóa.

Khuyến khích trẻ ăn ít nhất 6 lần/ngày và tiếp tục như vậy đến 2 tuần sau khi đã ngừng tiêu chảy

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy nói chung là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở nhiều vùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do vậy, cần hết sức quan tâm đến việc tuyên truyền cho mọi người dân có ý thức trong việc giữ vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm; Bảo quản tốt thức ăn, nước uống trước, trong và sau khi chế biến; ăn chín, uống sôi; Tạo lập thói quen rửa tay trước khi ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh; Quản lý tốt chất thải sinh hoạt ra môi trường. Trong thời điểm nhiều nơi đang bị mưa bão như hiện nay, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường là việc làm hết sức cần thiết để phòng tránh dịch bệnh.

Các dấu hiệu cần đưa trẻ tiêu chảy cấp đến khám ngay:

- Trẻ bị sốt cao

- Trẻ ăn, bú kém

- Trẻ ói nhiều lần

- Trẻ khát nhiều

- Bứt rứt, vật vã hoặc yếu đi

- Tiêu phân có máu

- Tốc độ tiêu chảy nhanh, nhiều lần, không bù qua đường uống kịp ( > 8 lần/ 6 giờ)

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


BS Phạm Thị Ngọc Hà
Ý kiến của bạn