Hà Nội

Tiêu chảy cấp ở trẻ - Bác sĩ nhi khoa chỉ cách điều trị hiệu quả

28-10-2021 15:38 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Tiêu chảy cấp ở trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách…

Thuốc điều trị tiêu chảy cấp do virus cho trẻ tại nhàThuốc điều trị tiêu chảy cấp do virus cho trẻ tại nhà

SKĐS - Đại đa số tiêu chảy cấp ở trẻ em là do virus đường ruột. Bệnh thường tự giới hạn trong vòng một tuần. Điều trị tại nhà là chủ yếu, hiếm khi cần nhập viện. Tuy nhiên cần biết cách dùng thuốc sao cho đúng.

Tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng bất thường ít nhất ba lần trong khoảng 24 giờ, bệnh kéo dài không quá 14 ngày. Bệnh tiêu chảy là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em, trung bình tiêu chảy cấp gây ra 1,5-2 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu. Ở các quốc gia chưa phát triển, trung bình mỗi trẻ nhỏ có thể mắc 6 đợt tiêu chảy hàng năm và với trẻ lớn là 3 đợt mỗi năm.

1. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp là gì?

Đa phần các trường hợp tiêu chảy cấp ở trẻ em là do nhiễm trùng. Trong đó phổ biến nhất là do virus đường ruột như Rota virus. Nguyên nhân ít phổ biến hơn là do nhiễm vi trùng gây bệnh đường ruột như lỵ trực khuẩn, amip hoặc ngộ độc thực phẩm bởi độc tố của vi khuẩn nhiễm trong thực phẩm bị ôi thiu hoặc chế biến không đảm bảo vệ sinh.

photo-1635227954366

Trung bình mỗi trẻ nhỏ có thể mắc 6 đợt tiêu chảy hàng năm.

Hiện nay, nhiều tỉnh thành của Việt Nam phải hứng chịu rất nhiều cơn bão liên tục, gây mưa lụt khiến cho nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm... tăng nguy cơ gây tiêu chảy. Hơn nữa, các đợt giãn cách xã hội kéo dài do COVID-19 cũng làm trẻ em bị ảnh hưởng không nhỏ do không thể duy trì chủng ngừa đúng lịch, nhất là vaccine ngừa rotavirus (chỉ có hiệu quả cao với trẻ dưới 6 tuần tuổi).

Một nguyên nhân nghiêm trọng khác là viêm đại tràng do Shigella, C.Difficile… sau khi dùng kháng sinh hoặc một số nguyên nhân hay gây tiêu chảy tái phát như dị ứng đạm sữa bò, không dung nạp đường lactose, tiêu chảy ở trẻ mới biết đi…

2. Triệu chứng nhận biết của tiêu chảy cấp?

Triệu chứng chính của bệnh tiêu chảy cấp là việc gia tăng đột ngột độ lỏng của phân và số lần đi ngoài mỗi ngày. Ngoài ra trẻ có thể có sốt, nôn và đau bụng. Thông thường, tiêu chảy do virus thường có khởi đầu bằng nôn nhiều. Sau nó khoảng một nửa đến một ngày trẻ đi ngoài phân lỏng tóe nước.  Trẻ có thể chơi ngoan nếu được bù nước tốt. Nếu trẻ mệt, có sốt cao, đau quặn bụng hoặc mót rặn nhiều và phân có máu thường do vi khuẩn gây ra.

photo-1635227955815

Tiêu chảy cấp có thể khiến trẻ đau quặn bụng.

Một số trẻ bị tiêu chảy nặng có biến chứng mất nước có thể sụt cân, kích thích hoặc li bì, háo hức uống nước hoặc bỏ bú, bỏ uống, mặt trũng, môi lưỡi khô hoặc da mất đàn hồi… tùy theo mức độ mất nước. Một số trẻ tiêu chảy có thể có co giật sốt cao hoặc rối loạn điện giải. Tiêu chảy có thể chỉ là triệu chứng của một bệnh nhiễm trùng nặng như viêm phổi, nhiễm khuẩn máu hoặc nhiễm khuẩn thần kinh...

3. Điều trị tiêu chảy như thế nào?

Bù nước điện giải

Đây là phương pháp điều trị quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy ở trẻ. Việc bù nước điện giải theo nhu cầu trẻ suốt thời gian bị tiêu chảy. Ưu tiên sử dụng oresol áp lực thẩm thấu thấp có hiệu quả tốt hơn để giảm nôn, giảm mất nước qua phân. Cần lưu ý pha đúng tỉ lệ nước theo hướng dẫn, uống từng ngụm nhỏ hoặc bón từng thìa. Nếu trẻ không mất nước, trẻ có thể từ chối không muốn uống, không cần ép trẻ uống, nếu trẻ nôn cho trẻ nghỉ một lát rồi tiếp tục bón cho trẻ uống.

Nước oresol có vị khó uống, có thể bổ sung thêm cho trẻ bằng nước dừa, nước cháo muối loãng hoặc nước lọc. Không nên dùng nước ngọt công nghiệp, nước ép trái cây nhiều đường hoặc giàu vitamin C dễ làm trẻ tiêu chảy thời gian lâu hơn.

Men vi sinh

Men vi sinh có hiệu quả giúp giảm thời gian tiêu chảy còn rất khiêm tốn (rút ngắn thời gian bệnh tiêu chảy khoảng 01 ngày). Hơn nữa, không phải chủng men vi sinh nào cũng có hiệu quả điều trị tiêu chảy cấp. Men vi sinh cần đủ hàm lượng và có khả năng sống cho tới ruột non. Một số chủng được chứng minh có hiệu quả như: L. rhamnosus GG, Saccharomyces Boulardii, Bacillus clausii…

Trẻ lớn có thể bổ sung lợi khuẩn bằng việc ăn khoảng 60-180ml sữa chua.

Bổ sung kẽm

Việc bổ sung kẽm giúp bổ sung lượng mất kẽm do tiêu chảy, phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa. Dưới 6 tháng: 10 mg/ ngày, trên 6 tháng 20 mg/ ngày. Ưu tiên kẽm dạng viên rồi mới đến bột và nước. Thời gian uống kẽm cần đủ 10-14 ngày, ngay cả khi đã khỏi bệnh.

Nhược điểm là uống kẽm khi đói, dễ gây nôn. Một số nghiên cứu lớn cho thấy việc bổ sung kẽm với liều 10 mg mỗi ngày có hiệu quả tương tự với liều cao hơn nhưng giúp giảm tác dụng phụ gây nôn.

Thuốc kháng sinh có nên dùng khi tiêu chảy cấp?

Kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng cho hầu hết các trường hợp tiêu chảy phân nước trừ trường hợp do tả gây ra. Chỉ các trường hợp phân có máu mới cần cân nhắc sử dụng kháng sinh. Kháng sinh đường ruột chỉ được sử dụng khi được bác sĩ kê đơn, tránh lạm dụng vì không giúp ích gì cho trẻ mà còn làm kéo dài hơn thời gian bị bệnh của trẻ.

Một số thuốc khác

Uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn khi cần. Một số trường hợp có thể được bác sĩ kê đơn thuốc giảm tiết nước trong phân như racecadotril hoặc diosmectite giúp bao, bảo vệ niêm mạc ruột. Cần chú ý đây là thuốc kê đơn, chỉ sử dụng khi được bác sĩ chỉ định.

Nếu trẻ có hăm tã, cần vệ sinh sạch và thay tã, bỉm mỗi lần trẻ đi ngoài. Đồng thời cần thoa kẽm oxit hoặc vaseline để giúp da phục hồi tốt hơn.

Có nên cho trẻ sử dụng thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy?

Triệu chứng làm tăng tỷ lệ thất bại khi điều trị tại nhà là nôn. Nôn cũng khiến cha mẹ lo lắng, sợ hãi và tìm các thuốc để chống nôn cho trẻ. Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc, tuy nhiên chỉ có thuốc ondansetron được các hiệp hội tiêu hóa khuyến cáo sử dụng. Một thuốc rất quen thuộc được bán rộng rãi là domperidon hiện tại nhiều nước pháp triển trên thế giới như Anh, Pháp đã đình chỉ sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi vì tác dụng phụ lên tim mạch nghiêm trọng, thậm chí đột tử do tim.

Đi ngoài phân lỏng cũng chính là các cơ thể đào thải độc chất hoặc vi trùng gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ quá nôn nóng muốn con "cầm" ngay nên thường cho con uống thuốc cầm tiêu chảy loperamid. Đây là một sai lầm tai hại. Thuốc làm giảm mạnh nhu động ruột, ứ trệ phân chứa nhiều vi trùng không được tống xuất ra ngoài, tăng nguy cơ nhiễm trùng nhiễm độc. Trẻ uống thuốc này dễ bị nôn hoặc chướng bụng do đình trệ nhu động ruột.

Lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ?

Chăm sóc, dinh dưỡng tốt rất quan trọng giúp trẻ không bị suy dinh dưỡng hoặc tiến triển thành tiêu chảy kéo dài. Trẻ nhỏ được khuyến khích bú mẹ càng nhiều càng tốt. Với trẻ bú sữa công thức cần tiếp tục sử dụng, không cần pha loãng sữa, trong trường hợp mất nước cần ưu tiên bù đủ nước, điện giải trước khi cho trẻ ăn lại. Hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo ngọt, nước ngọt công nghiệp hoặc thực phẩm chứa quá nhiều đường.

Trẻ bị tiêu chảy cần được khuyến khích ăn thức ăn đặc ngay sau khi hết mất nước, việc trì hoãn cho trẻ có chế độ ăn giàu dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy có suy dinh dưỡng. Khi đang bị tiêu chảy, trẻ cần được ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng thường xuyên hơn mỗi ngày, khi trẻ khỏi bệnh cần cho trẻ ăn thêm một bữa phụ mỗi ngày trong tối thiểu 2 tuần hoặc cho đến khi phục hồi được cân nặng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tiêu chảy cấp là bệnh lý thường gặp, đa phần có thể tự ổn định chỉ bằng biện pháp bù nước điện giải. Tuy vậy với những trẻ nôn hoặc phân nước nhiều rất dễ mất nước hoặc rối loạn điện giải đe dọa sức khỏe của trẻ.

Do đó các phụ huynh cần nhận biết được một số dấu hiệu cấp cứu cần đi khám ngay:

  • Mệt lả, li bì khó đánh thức.
  • Co giật.
  • Bỏ bú hoặc bỏ uống, khát nước dữ dội.
  •  Nôn.
  • Quá yếu, khó thể ngồi hoặc đứng dậy.
  •  Tiểu rất ít, chưa đi tiểu sau 6-8h.
  • Phân có máu.
  • Sốt kéo dài trên 72 giờ….

Xem thêm video đang được quan tâm:

6 biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

BS. Trần Đồng
Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc
Ý kiến của bạn