Vị Trưởng ban quản lý Nghĩa trang Trường Sơn đang trang trọng tuyên bố lý do cuộc lễ: “Chúng ta đang tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ để âm dương trên cõi đời hòa hợp, để người lính đang sống gặp lại đồng đội cũ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc…”.
Hồi chuông 9 tiếng do chính Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Hữu Đường gióng lên dõng dạc, dư âm cứ kéo dài mãi như không muốn dứt. Đó là tiếng của một trong 3 quả chuông lớn của Tổng Cty Hòa Bình đã cho đúc để tặng cho 3 nghĩa trang lớn của Trường Sơn, kỷ niệm 40 năm Giải phóng tỉnh Quảng Trị (1972-2012) và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tôi hỏi một đồng chí trong ban tổ chức xem mỗi chuông nặng bao nhiêu tấn thì được trả lời: “Chúng tôi quan tâm đến độ ngân vang của chuông hơn là trọng lượng, độ ngân đó kéo dài tới 4 phút!”. Bốn phút hồi âm 40 năm kỷ niệm cũng là sự hữu duyên kỳ lạ!
Xen giữa những hồi âm của 9 tiếng chuông là bài hợp ca Hồi chuông thiêng liêng (thơ Vũ Khiêu, nhạc Hoàng Bình) do tốp ca của cựu chiến binh trình diễn. Đan xen tiếng hát thiết tha là tốp múa với nến đang thắp trên tay, uyển chuyển từng bước dâng lên Đài tưởng niệm. Một lễ tưởng niệm có ca nhạc, vũ điệu trong ánh sáng mờ tỏ càng tăng thêm không khí linh thiêng của buổi lễ. Rồi vượt lên mọi âm thanh là tiếng đọc văn tế các anh hùng liệt sĩ của Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đường, người đạo diễn toàn bộ hoạt động của tập đoàn thương binh này từ 25 năm qua. Tiếng ông trang nghiêm vang động khi hợp ca vừa dứt tiếng, mọi người nghiêm cẩn mặc niệm, thấm từng lời ông đọc: “… Người mất đi, vẫn tin tưởng mỉm cười về sự xả thân hy sinh của mình, sẽ đem lại cho đất nước Tự do - Hạnh phúc - Công bằng. Còn những người có chút may mắn hơn các anh chị là những thương bệnh binh như chúng tôi thì vẫn phải gồng mình phấn đấu, lao động bằng tất cả trí lực, thương tật còn lại, mong góp phần xây dựng đóng góp với đất nước, với dân tộc cái lý tưởng mà trước đây đồng đội chúng ta vẫn mong muốn trong mơ mau thành hiện thực… Bản chất người lính là được sống và làm việc theo lý tưởng cách mạng, xây dựng đất nước đàng hoàng và to đẹp với tất cả sức lực còn lại. Nhưng thương trường còn khắc nghiệt hơn cả chiến trường. Nơi chiến trường dù bom rơi đạn nổ hay sống và chết, chúng ta xem nhẹ tựa lông hồng, vì đó là sự đối mặt trực diện của người lính với kẻ địch. Còn nơi thương trường là sự đối mặt với bóng tối kèn cựa mưu mô và tiêu cực, thậm chí là vu khống, đổi thay đen trắng. Quyền được sống, làm việc và cống hiến để có cơm no áo mặc thì vấp phải tham nhũng, chọc gậy khuấy nước cho đục để béo cò, coi thường pháp luật. Vận dụng trí tuệ của người thương tật, góp phần vun đắp xây dựng đất nước của một xã hội công bằng dân chủ văn minh thì vấp phải đòn càn nhiều mũi, bất chấp phải trái…”.
Một tiết mục văn nghệ của các cựu chiến binh trong dịp Lễ tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ. |
Người trong cuộc hẳn nghe và hiểu nhiều hơn chúng tôi những trở ngại gì mà vị Tổng giám đốc phải thốt lên như vậy. Vậy là những tiêu cực, tham nhũng trong xã hội hiện tại không buông tha ai, kể cả với những cá thể, tập thể có công lớn nhất đem lại hoà bình cho những kẻ ấy có điều kiện mà trục lợi!... Chúng tôi chỉ thấy được cái tâm rộng thoáng của cộng đồng này trước những công trình thực tiễn như nhà nghỉ cho thân nhân các liệt sĩ từ cả nước đổ về, có chỗ nghỉ ngơi ăn uống. Nhà nghỉ vừa được xây thêm 300m2 với 3 tầng sạch đẹp cùng tốc độ xây có 70 ngày do đội ngũ xây dựng của Tổng công ty từ Hà Nội kéo vào thực hiện. Nhân năm kỷ niệm, Tổng công ty đã tổ chức đến đoàn này là đoàn thứ tư vào viếng mộ đồng đội, chi phí đều do Tổng công ty lo liệu. Tôi mong những người có trách nhiệm trong xã hội và những bạn hàng, đối tác của cộng đồng này có cái nhìn cởi mở hơn, có phần tri ân hơn với những con người từng đổ xương máu cho ngày hoà bình hôm nay!…
Số bom đạn Hoa Kỳ trút xuống mặt trận Quảng Trị này thì thật khủng khiếp! Để giành giật lại mảnh đất… khi có điều kiện, làm bàn đạp thực hiện âm mưu “Bắc tiến”, vừa là lá chắn bảo vệ “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”, tham vọng trước mắt lại là: cần có cơ sở thắng điểm trên bàn Hội nghị ở Paris. Ta chỉ cần dẫn thông tin của báo chí phương Tây: Có tuần, Hoa Kỳ huy động máy bay chiến đấu cả 3 quân chủng, ném tới 7.000 tấn bom và bắn 10 vạn quả đại bác vào thị xã Quảng Trị; Số bom đạn chúng ném xuống nơi này khoảng 328 nghìn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném ở 2 thành phố Hirosima và Nagasaki (Nhật) năm 1945. Mà số lượng bom đạn ấy chỉ tập trung vào tòa thành cổ chu vi có hơn 2.000m, rộng chưa đầy 3km2. Có lẽ không đâu và không thời điểm nào có sự khốc liệt man dã đến vậy trong lịch sử chiến tranh!
Về gương chiến đấu và số phận những con người chống lại sức mạnh khủng khiếp ấy cũng là…không sao kể xiết! Tôi lần đầu được đi cùng một đoạn đường dài hơn 600 cây số với những con người sống sót của chiến trường năm ấy, mỗi người đều đeo trên ngực chiếc phù hiệu trên đó có 8 chữ: Về chiến trường xưa – Tri ân đồng đội. 8 chữ thật hàm súc và chính xác đến từng ly ngữ nghĩa, không thể thay hay thêm bớt đến 1 từ!
Tôi còn may mắn được nghỉ cùng phòng với nhà văn đại tá Chi Phan - Phó Tổng biên tập báo Cựu chiến binh Việt Nam. Anh như con thoi trên thực địa dồn nén bom đạn của địch và phẩm chất anh hùng của chiến sĩ ta trong bao năm. Anh vừa tái bản cuốn Mùa hè rực lửa mong bắc cân cho hai đối trọng ấy thăng bằng! Đối phó với ngần ấy bom đạn địch, mỗi tế bào thần kinh và cơ bắp của các chiến sĩ ta là phẩm chất gì đây? với những dòng văn chân thực nhất, bởi anh chỉ viết ký sự chân dung, có địa chỉ, quê quán từng người!
Chuyến đi còn khơi dậy trong tôi kỷ niệm xưa, được một lần vào thăm giới tuyến cùng các nghệ sĩ có tiếng Nguyễn Tài Tuệ, Tân Nhân, mấy cô văn công Tây Nguyên, mấy cô hát quan họ Bắc Ninh… đoàn đại biểu văn hoá các tầng lớp nhân dân miền Bắc do Vụ Văn hoá quần chúng cử đi, khi đang diễn ra những cuộc “đấu cờ”, “đấu loa” (xem cờ ai cao hơn, loa ai lớn tiếng hơn) và thi nhau sơn nhuộm chiếc cầu Hiền Lương theo quan điểm của mình. Ta thì nước một dải, cầu chỉ một màu sơn! Địch: hai thể chế, phải hai màu!
Là người gắn bó với tờ báo của Bộ Y tế bao năm, tôi còn rất cảm kích khi hôm nay thăm Bảo tàng Quảng Trị, thấy chiếc bàn mổ bằng mấy mảnh đuya-ra máy bay ghép lại của Quân y xá Vĩnh Linh. Vật đi gieo rắc chết chóc trở thành vật để cứu người trong tay ta! Giá như có gã phi công Mỹ nào từng được cứu sống ở trên bàn này? Nhưng nhân vật của tôi đây rồi: Một thương binh nom còn trẻ đang đánh đu trên đôi nạng đi tới. Tôi hỏi xem anh bị thương trên chiến trường nào? Anh nói chiến tranh biên giới (trong thập niên 80). Ồ! Vậy thì vẫn tốt cho một ý nghĩa khác, tôi mời anh đứng bên bàn mổ để chụp một kiểu ảnh. Ôi! Đất nước với bao vẻ đẹp thiên nhiên của ta! Sao lại chịu nhiều trò đùa tai ác của số phận đến vậy! Nhưng sức ép càng lớn, hãy coi chừng những đòn bật lại tương xứng!
(*) Văn chiêu hồn - Nguyễn Du
Vân Long