Hà Nội

Tiết lộ thời điểm quyết định giải nguy cho thủy điện Hòa Bình xả lũ

12-10-2017 15:17 | Thời sự
google news

Sau hơn 30 năm vận hành, lần đầu tiên Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã phải mở 8/12 cửa xả đáy vào ngày 11.10, điều mà nói như ông Phạm Hồng Giang- Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam là: Chưa từng có. Và ít ai biết được, thời điểm quyết định để giải nguy cho thủy điện Hòa Bình.

Những quyết định liên tiếp

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có Công điện hồi 16h30 ngày 10.10 lệnh hồ Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy vào hồi 7 giờ ngày 11.10.2017. Tuy nhiên, do lưu lượng về hồ tiếp tục ở mức cao so với dự báo, để đảm bảo an toàn công trình, công trình thủy điện Hòa Bình đã phải chủ động mở 4 cửa xả đáy vào 19h00, 19h30 ngày 10.10; 0h00, 3h00 ngày 11.10.

Cũng trong sáng 11.10, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã thông báo gửi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc tiếp tục mở cửa xả đáy thứ 5 vào lúc 5 giờ sáng 11.10 vì mực nước hồ đang lên cao khi lượng nước xả về hồ lớn. Việc mở cửa xả đáy thứ 5 theo Công ty Thủy điện Hòa Bình nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và giữ mực nước hồ không vượt quá giới hạn cho phép.

Song song với các lệnh xả lũ cho thủy điện Hòa Bình, vào 6 giờ sáng 11.10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có công điện hỏa tốc số 76 lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du vì nguy cơ xảy ra ngập úng. Đây là lần đầu tiên, thủy điện Sơn La phải dừng phát điện với lý do ngăn lũ.

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Quang Hoài- Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho biết, lưu lượng nước về hồ thủy điện trong sáng 11.10 là rất lớn, luôn ở ngưỡng từ 14.000-15.000m3/s, thậm chí có thời điểm lên tới hơn 16.200m3/s, mực nước trong hồ cũng vượt cao trình thiết kế, khi đạt tới hơn 117m. Chính vì thế, nhiệm vụ trước mắt là phải đảm bảo an toàn cho hồ đập.

"Chúng tôi đã trao đổi với Tập đoàn Điện lực Việt Nam- EVN cho dừng phát điện ngay thủy điện Sơn La để ngăn không trong nước lũ đổ thêm về hồ thủy điện Hòa Bình. Bởi ưu tiên số 1 của chúng ta lúc này là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ thủy điện Hòa Bình".

Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ra lệnh mở tiếp 3 cửa xả đáy cho hồ thủy điện Hòa Bình và đây là lần đầu tiên nhà máy này phải mở cùng lúc 8 cửa xả đáy kể từ khi vận hành đến nay.

Chưa từng xảy ra


tiet lo thoi diem quyet dinh giai nguy cho thuy dien hoa binh xa lu hinh anh 3

GS.TSKH Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam. Ảnh IT

Bình luận về sự kiện này GS Phạm Hồng Giang- Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cho rằng: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Hồ Hòa Bình chưa bao giờ phải mở đến 8 cửa xả đáy. Việc điều hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn hồ và hạ du là vô cùng quan trọng, đặc biệt quan trọng trong thời điểm này, khi mưa lũ lớn, nước lũ lên cao đột ngột. Để vận hành an toàn cho công trình và giữ mực nước hồ không vượt quá hạn cho phép, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên, Ban quản lý các hồ chứa, các Công ty thủy điện cần có sự phối hợp chặt chẽ trong vận hành hồ".


tiet lo thoi diem quyet dinh giai nguy cho thuy dien hoa binh xa lu hinh anh 4

GS Giang cho biết việc xả đáy như thế này là xả lớn, khả năng gây khó khăn cho hạ du, nhất là vùng bãi sông hai bên, các vùng này thế nào cũng bị ảnh hưởng về sinh hoạt, sản xuất, tài sản thậm chí không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng.

"Để quyết định mở cửa xả đáy, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên cùng các đợn vị liên quan phải căn cứ dự báo lũ, mưa, nước lũ đến nước lũ đi ở hồ Hòa Bình. Hiện nay theo tôi được biết nước hồ Hòa Bình đã cao hơn mực nước dâng bình thường trong hồ (117 mét), hiện tại mực nước đã dâng cao 117,40 mét. Lượng nước về hiện đã gấp đôi lượng nước xả, nguy cơ lượng nước hồ dâng lên quá mức, điều này sẽ không an toàn cho công trình hồ thủy điện và hạ du." - GS Giang cho biết.

Bình luận về nguy cơ từ việc xả nhiều cửa xả đáy, GS Giang cho biết: “Việc xả đáy như thế này là xả lớn, khả năng gây khó khăn cho hạ du, nhất là vùng bãi sông hai bên, các vùng này thế nào cũng bị ảnh hưởng về sinh hoạt, sản xuất, tài sản thậm chí không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng.

Đây là việc bắt buộc phải làm. Điều quan trọng là trước khi xả, các đơn vị chịu trách nhiệm phải báo trước cho địa phương để họ chủ động đối phó”.

Ứng trực liên tục tại thủy điện Hòa Bình từ sáng qua 11.10, ông Trần Quang Hoài cũng cho biết: "Hôm qua, chúng tôi rất căng thẳng, vì việc xả lũ ở thủy điện Hòa Bình phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa từ thượng nguồn, nếu mưa lớn tiếp tục thì không loại trừ khả năng sẽ phải mở thêm nhiều cửa xả đáy nữa. Lúc đó, áp lực nước lũ lên hạ du là rất lớn".

Tuy nhiên, rất may từ chiều hôm qua 11.10, lượng mưa ở thượng nguồn đã giảm nên đến tối ngày hôm qua, thủy điện Hòa Bình đã được lệnh đóng 2 cửa xả đáy, chỉ còn duy trì 6 cửa xả liên tục. Tuy nhiên, đây cũng là đợt xả lũ lịch sử của thủy điện Hòa Bình.

Theo đánh giá, việc xả lũ thủy điện Hòa Bình lần này bị động một phần là do công tác dự báo lượng mưa của chúng ta còn hạn chế. Chính vì thế, khi lưu lượng nước về hồ tăng quá đột biến, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã phải đưa ra những chỉ đạo quyết liệt.

"Nếu không cho đóng ngay thủy điện Sơn La lại, thì không biết điều gì sẽ xảy ra với thủy điện Hòa Bình, bởi lưu lượng nước về hồ lúc đó là quá lớn"- một thành viên Ban Chỉ đạo cho biết.


tiet lo thoi diem quyet dinh giai nguy cho thuy dien hoa binh xa lu hinh anh 5

Thủy điện Hòa Bình đã phải mở đến 8 cửa xả đáy vào ngày 11.10

Tình thế nguy hiểm chưa từng có

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Có thể nói đợt mưa lũ lần này rất nguy hiểm. Chúng ta biết do tác động của áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu cộng với khí áp lạnh gây ra mưa trên một diện rất rộng từ các tỉnh Bắc Trung bộ cho đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Rất hiếm khi nào chỉ trong vòng 1,5 ngày mà lượng mưa trên toàn vùng bình quân đạt 100mm, nhiều nơi lên tới 300-400mm.

Đây là một đợt mưa rất bất bình thường. Đặc biệt nguy hiểm ở chỗ tất cả 2.896 hồ chứa từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc đều ở mức đầy nước và trong đó có 10-15% hồ đã bị tràn nước. Hai hồ lớn là hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La đều ở mức cột nước cao nhất. Ngày 10.10, mực nước tại hồ Hòa Bình đã lên tới 117m, mức nước cao nhất trong khi lũ về ở lưu vực hồ Hòa Bình tới 16.000 m3/s. Như vậy, có thể nói đây là một trạng thái mưa rất lớn chưa từng thấy trong nhiều năm nay.

Tình hình này đã nguy cơ đe dọa an toàn tới toàn bộ hệ thống hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa thủy điện, liên quan đến các hệ thống đê, những vùng dân cư trũng và sản xuất nông nghiệp. Mưa lũ đợt này xảy ra trong một bối cảnh cộng hưởng nhiều yếu tố như thế có thể nói là một đợt mưa lũ nguy hiểm chưa từng thấy trong nhiều năm qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đợt này dự báo còn mưa đêm nay đến hết ngày mai với lượng mưa lớn, từ 50-100mm, đặc biệt là ở hai lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La. Đây là một tình thế rất khó khăn vì dù chúng ta đã xả tới 8 cửa xả đáy của hồ Hòa Bình, nhưng mức nước về hồ hiện nay vẫn còn cao; Thứ hai cột nước để dành cho cắt lũ không còn dung tích nữa. Do vậy, vùng này vẫn được đánh giá là rất nguy hiểm.

Mưa lũ năm nay xảy ra trong tình trạng suốt 10 tháng qua, mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc liên tục xảy ra, có nơi lượng mưa gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi năm ngoái. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ sạt trượt, nguy cơ lũ ống, lũ quét vẫn cực kỳ cao. Mặc dù chúng ta đã cố gắng nhưng riêng đợt này đã có 20 người bị thiệt mạng.

Nếu như nay mai chúng ta làm không tốt thì tiếp tục còn những rủi ro xảy ra, đặc biệt thiệt hại cho người và tài sản. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo cho tất cả vùng này Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, nêu cao tinh thần chủ động khẩn trương theo phương châm 4 tại chỗ. Vừa rồi, các cơ quan truyền thông vào cuộc rất tốt. Tôi mong các cơ quan truyền thông tiếp tục truyền tải thông điệp công điện của Thủ tướng Chính phủ để làm sao cảnh báo cho người dân ở toàn vùng không thể chủ quan.


Ý kiến của bạn