Hà Nội

Tiết lộ thỏa thuận siêu bí mật giữa 50 quốc gia

27-06-2014 11:34 | Quốc tế
google news

SKĐS - Những bí mật giữa các cuộc đàm phán quốc tế, bí mật của các quốc gia chưa bao giờ bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay.

Những bí mật giữa các cuộc đàm phán quốc tế, bí mật của các quốc gia chưa bao giờ bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay. Các phần mềm nghe lén, tin tặc hoành hành đe dọa an ninh thông tin thế giới.

Thỏa thuận về bí mật tài chính bị phanh phui

Wikileak vừa tiết lộ một hồ sơ những cuộc đàm phán thỏa thuận siêu bí mật đe dọa các dịch vụ công trên thế giới. Thỏa thuận viết tắt tiếng Anh là TISA (Trade In Services Agreement), là mục tiêu các đàm phán giữa khoảng 50 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Eu. 50 quốc gia tham gia đàm phán chiếm 70% tổng lượng giá trị thương mại dịch vụ toàn cầu. Mặc dù sự tồn tại của các đàm phán này không phải là điều bí mật. Trang web của Bộ Ngoại thương Hoa Kỳ có nhiều thông điệp nói về tiến triển của các đàm phán diễn ra từ hai năm nay tại Đại sứ quán Australia ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ngày 19/6 vừa qua, Wikileak, trang mạng của Julian Assange vừa công bố một “tài liệu mật”, tức phần phụ lục của hiệp ước liên quan đến các dịch vụ tài chính. Tài liệu này được các nước tham gia cam kết giữ bí mật trong vòng 5 năm, sau khi thỏa thuận đạt được hoặc sau khi đàm phán về thỏa thuận thất bại.

Wikileak vừa tiết lộ một hồ sơ thỏa thuận siêu bí mật giữa 50 quốc gia.

Mục tiêu của tài liệu này là giải phóng các dịch vụ tài chính khỏi các quy định pháp lý, gây khó khăn cho chính quyền các quốc gia tham gia hiệp định muốn thông qua các điều luật cản trở lĩnh vực này. Tài liệu này cũng chủ trương phá hủy sự độc quyền của các quốc gia về phương diện quỹ hưu trí..., tư nhân hóa một loạt các dịch vụ khác như nước, năng lượng, y tế, giao thông... Tóm lại, đối tượng của thỏa thuận này là tấn công vào các hệ thống dịch vụ công như “hệ thống bảo hiểm xã hội”. Cho đến nay, rất ít báo đưa lại thông tin này.

Tin tặc tấn công kho tư liệu Bộ TN&MT trong bối cảnh căng thẳng biển Đông

Trong khi đó tại Việt Nam, ngày 24/6, ông Nguyễn Hữu Chính - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, tin tặc đã đính kèm mã độc vào tài liệu có đuôi .word và gửi đến các nhân viên của Bộ. Các tài liệu này sau khi được mở ra sẽ phát tán mã độc vào máy tính của nạn nhân. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định cho đến nay, tin tặc vẫn chưa tiếp cận được nguồn dữ liệu bảo mật của đơn vị này.

Trước đó, ngày 20/6, Công ty bảo mật ESET đã đăng tải một báo cáo trong đó cho biết các chuyên gia của họ đã phát hiện một cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của Bộ TN&MT Việt Nam. Hiện nay, biển Đông đang thu hút nhiều sự chú ý hơn bao giờ hết và những dữ liệu như bản đồ, kết quả khảo sát, nghiên cứu và một số báo cáo khác nhiều khả năng sẽ được các cường quốc trong khu vực cũng như các tập đoàn đang hoạt động trong vùng quan tâm. ESET cho rằng, việc hệ thống máy tính của Bộ TN&MT bị tấn công vào thời điểm này là đặc biệt đáng chú ý. “Bất cứ cơ quan về môi trường nào trực thuộc Chính phủ cũng trữ một lượng lớn dữ liệu mật về các vấn đề kinh tế và chiến lược quốc gia”, báo cáo viết. Hiện nay, biển Đông đang thu hút nhiều sự chú ý hơn bao giờ hết và những dữ liệu như bản đồ, kết quả khảo sát, nghiên cứu và một số báo cáo khác nhiều khả năng sẽ được các cường quốc trong khu vực cũng như các tập đoàn đang hoạt động trong vùng quan tâm. Tháng 5 vừa qua, hơn 200 trang web trong nước, trong đó có 6 trang web của Chính phủ đã bị một nhóm tin tặc tự xưng là “đến từ Trung Quốc” tấn công.

Trung Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực gián điệp công nghệ

Bà Jen Weedon - chuyên gia phân tích thuộc hãng an ninh mạng Mandiant của Mỹ cho biết, Trung Quốc có hàng chục đơn vị chuyên đánh cắp bí mật thông tin mạng. Không chỉ được trang bị đường dây cáp quang đặc biệt, các thành viên trong những đơn vị này còn được huấn luyện trong nhiều lĩnh vực, từ tiếng Anh đến các cách thức liên lạc bí mật, an ninh mạng và các chiến thuật tấn công điện tử.

Theo hãng Akamai Technologies, các vụ tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với con số 40% trong tổng số các vụ tấn công toàn cầu trong quý IV năm 2012. Trong lĩnh vực gián điệp, Trung Quốc chiếm ưu thế hơn nhiều, ước tính có tới 96% các vụ đột nhập mạng lưới để do thám trong năm 2012 là do tin tặc Trung Quốc tiến hành.

(Theo L’humanite, AP)

Quỳnh Diệp


Ý kiến của bạn