Hà Nội

Tiết lộ giật mình của Đan Lê về scandal clip sex

06-11-2012 10:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

Những điều Đan Lê kể trong hội thảo “Trách nhiệm báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư công dân” với vai trò một diễn giả đã làm nhiều người giật mình.

Những điều Đan Lê kể trong hội thảo “Trách nhiệm báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư công dân” với vai trò một diễn giả đã làm nhiều người giật mình.

Gán ghép thông tin giật gân

Trong những ngày đeo đuổi vụ kiện, cô đã phải trải qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua... tòa soạn xin giới thiệu bài viết của Đan Lê như một bài học với người làm báo.

"Hôm nay, tôi xin được trình bày “Tham luận: Hậu quả của việc bị báo chí xâm hại đời tư” không phải với ý nghĩa như một chiến tích vì đòi lại được công bằng cho bản thân khi bị báo chí xâm hại đời tư.

Tôi tham dự Hội thảo này với một phần mục đích cá nhân, như một liệu pháp tâm lý cho mình và mong muốn lớn hơn là được chia sẻ phần nào những kinh nghiệm của mình khi bị báo chí xâm hại đời tư.

Thông thường, người ta sẽ hiểu xâm hại đời tư có nghĩa là một sự việc mang tính chất riêng tư bị phanh phui, bị bới móc, bị công khai trên báo chí.
Đan Lê bị tổn thương nghiêm trọng khi hình ảnh của mình bị gán ghép vào một clip đồi trụy.

Nhưng với vụ việc cụ thể của tôi, việc xâm hại thể hiện ở chỗ: bỗng dưng tên mình bị kéo vào chuyện không hay ho, hình ảnh của mình bị ghép vào hình ảnh trong một bộ phim đồi trụy, câu trả lời của mình bị xuyên tạc để phục vụ mục đích của phóng viên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc, danh dự, nhân phẩm của mình.

Nói đến đây không biết trong các anh các chị ở đây có ai suy nghĩ scandal như một đòn bẩy của sự nổi tiếng? Với người khác thì tôi không biết, nhưng với tôi, một phóng viên, biên tập viên, dẫn chương trình truyền hình thì scandal liên quan tới sex được coi như một tờ giấy khai tử trong nghề nghiệp.

Từ ngày 21-3-2008, trên các trang web, blog đen xuất hiện một vài đoạn phim đồi truỵ, được lén lút phát tán, chuyền tay nhau. Tuy nhiên, Báo điện tử N. (tòa soạn viết tắt tên cơ quan báo chí mà tác giả nêu trong nguyên bản) đã cố tình khai thác nguồn tin thất thiệt để đưa tin một cách chính thức trên trang thông tin điện tử của họ.

Mặc dù họ đã nhận được những thông tin phủ nhận của tôi nhưng vẫn cố tình đưa các tin thất thiệt đó lên trang báo để giật gân, câu khách và xuyên tạc câu trả lời của tôi nhằm “đánh lận con đen”, gây hiểu lầm cho độc giả. Việc làm đó đã vi phạm các quy định của Luật Báo chí.

Đặc biệt, Báo điện tử N. đã đăng tải hình ảnh của tôi và đặt bên cạnh là hình ảnh của cô gái trong đoạn phim đồi trụỵ tạo sự liên tưởng trực tiếp tới các hình ảnh xấu, là việc làm vi phạm nghiêm trọng quyền nhân thân của tôi, đã được quy định tại Bộ luật Dân sự.

Hơn nữa, việc làm này của Báo điện tử N. thực chất là tiếp tay, phát tán cho nguồn tin thất thiệt và văn hóa phẩm đồi trụy.

Cũng kể từ khi Báo điện tử N. đưa tin, và một số báo khác cũng tham gia vào việc đăng tải các thông tin này làm sự bùng phát của thông tin này trên mạng gia tăng khủng khiếp, phát tán rộng rãi và phổ biến với tốc độ chóng mặt, gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến danh dự, nhân phẩm, cuộc sống và công việc của tôi.

Kể từ bài viết đầu tiên được đăng lên cho đến khi vụ kiện chính thức kết thúc, tôi mất trọn 3 tháng không làm bất cứ việc gì khác ngoài việc tập trung cho vụ kiện. Đó có thể coi là thời gian cứng. Còn thời gian mềm, tức là thời gian kể từ khi tôi bị báo chí lôi vào vụ việc bê bối cho đến khi người đọc, dư luận không còn xầm xì, dè bỉu, thậm chí công khai coi thường tôi thì cho đến nay vẫn không thống kê được.

Vì bản chất của truyền thông là thông tin trôi, người đọc chỉ quan tâm đến thông tin đầu tiên và nổi bật, không phải ai cũng theo dõi được một thông tin từ khi nó bắt đầu đến khi kết thúc nên đến tận ngày hôm nay, thi thoảng tôi vẫn bị lôi vào một vài bài báo có tựa để kiểu như “Những sao Việt vướng phải nghi vấn lộ clip phòng the”. Người làm trong giới truyền thông còn như vậy, nói gì đến công chúng.

Cũng như những ảnh hưởng về thời gian, phần thống kê được thiệt hại về vật chất là 3 tháng nghỉ không lương, kéo theo một loạt những chế độ của cán bộ công nhân viên nhà nước khi nghỉ không lương. Chi phí đi lại, in ấn, thuê luật sư... rất nhiều thứ mà tôi không còn nhớ đích xác nữa.

Và phần không thống kê được là những người làm công việc liên quan nhiều đến hình ảnh như tôi mà hình ảnh bị bôi nhọ thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế rất nhiều cho công việc cũng như thu nhập của mình. Dù khá nhiều lần phải né tránh do hoàn cảnh chưa thể công bố, nhưng tôi chính thức phải rời VTV với công việc đang ở thời điểm nhiều cơ hội, vì sự việc này.

Thiệt hại vật chất có thể tính được, còn những thiệt hại tinh thần mới thực sự là khủng khiếp. Đây là yếu tố bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tôi đã trải qua 3 tháng dài như 3 năm với vô vàn những bức xúc, tủi hổ và những cảm xúc bị dìm xuống đáy.

Đến nay, sau 4 năm, cho dù không còn thường xuyên như trước, nhưng tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ không biết người ta có hiểu đúng về mình không? Không biết người ta có biết câu chuyện cho đến khi nó được sáng tỏ không? Hay người ta chỉ lờ mờ biết tôi có liên quan đến một clip sex nào đó. Sự tự kỷ ám thị còn đáng sợ hơn nhiều so với việc người ta nói thẳng, công kích thẳng nhau.

Đâu đó trên những trang mạng vẫn còn những thông tin sai lệch về tôi, khi tìm kiếm tên Đan Lê trên google tên tôi vẫn bị gắn liền với các từ khóa scandal, clip sex, hình ảnh của tôi vẫn còn xuất hiện cùng những hình ảnh trong clip đồi trụy kia và trong suy nghĩ, tiềm thức của nhiều người vẫn còn những định kiến, suy diễn xấu xa về tôi. Và đó gần như là một vết nhơ, không phải do tôi tạo ra nhưng cũng khó lòng gột hết sạch được.

Cuộc sống riêng của tôi cũng gặp phải nhiều trắc trở không phải vì những người bên cạnh tôi không hiểu và không tin tôi mà vì họ không chịu đựng nổi áp lực của dư luận, không chịu nổi những tiếng xì xầm, những lời miệt thị về tôi, không chịu đựng nổi sức ép khi gắn liền với một người bị bêu xấu như tôi.

Hai tháng thức trắng để tìm chứng cứ

Có lẽ với một số người, họ chỉ biết đến vụ việc của tôi qua vài con chữ trên những trang báo, đầu tiên là bị đăng báo, rồi tuyên bố kiện và kết thúc là được kiện. Tất cả thật đơn giản, tuần tự và bài bản, bài bản đến mức họ nghĩ cô ấy thật mạnh mẽ, khoa học và bản lĩnh đến mức bình thản. Nhưng để đưa được vụ việc ra pháp luật phải nói là một kỳ tích đối với tôi.
Không những vậy, với vai trò một BTV, người dẫn truyền hình, scandal này còn là giấy khai tử trong nghề.

Sau 1 tháng bài báo đầu tiên được đăng trên báo điện tử N., tôi chính thức đưa đơn khởi kiện lên TAND Quận Hoàn Kiếm - nơi tờ báo đó đặt trụ sở.

Và trong suốt 1 tháng đó gần như là những đêm thức trắng, mò mẫm trên khắp các trang mạng tìm, chụp, quay, lưu lại chứng cứ. Đọc, tìm hiểu về luật, viết đi, viết lại, soi xét từng từ, từng chữ trong các loại đơn từ gửi đi khắp nơi.

Một cuộc tra tấn thực sự về tinh thần khi đọc hàng nghìn, hàng nghìn những bình luận, đàm tiếu, phán xét, chụp mũ độc ác, thậm chí bẩn thỉu và vô văn hóa về mình để tìm thêm bằng chứng và sức thuyết phục khiến Tòa án tiếp nhận đơn kiện của tôi.

May sao đó lại trở thành động lực, nghị lực để tôi quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng, không một phút lơ là, ngơi nghỉ trong suốt hơn 2 tháng ròng.

Ngay sau khi đọc được thông tin sai lệch về mình trên mạng do báo N. đưa, việc làm đầu tiên của tôi là liên lạc với một luật sư mà tôi quen biết. Tuy đây là một luật sư kinh tế cho một tập đoàn nhưng với các vụ việc dân sự như thế này họ cũng có những hiểu biết cơ bản.

Tiếp ngay sau đó tôi gọi điện thoại đến tòa báo, phản ánh về thông tin sai lệch và yêu cầu gỡ bài. Dĩ nhiên với sự cố chấp, họ ngang nhiên không hạ bài xuống.

Trong đêm hôm đó, tôi lập tức thảo đơn khiếu nại gửi đến Tổng biên tập Báo N., đơn trình bày và đề nghị được giúp đỡ gửi đến Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng - Vụ Báo chí -Xuất bản, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Cục báo chí và Bộ trưởng bộ chủ quản của báo N.).

Tất cả đều được gửi bảo đảm chuyển phát nhanh vào sáng ngày hôm sau và có biên nhận. Sau đó cứ 2 ngày tôi gửi lại các đơn từ này một lần và sau lần thứ 3 thì tôi chính thức gửi đơn khởi kiện.

Điều bất ngờ và may mắn là sau khi phải giải trình với lãnh đạo VTC – nơi tôi đang công tác, tôi được Lãnh đạo VTC dẫn đến xin gặp trực tiếp lãnh đạo Vụ Báo chí Xuất bản và Bộ Thông tin Truyền thông mang theo điều tra lý lịch của Bộ Công an để trình bày và xin giúp đỡ.

Vị lãnh đạo này tôi chưa từng gặp trước đó nhưng có lẽ vì cùng là phụ nữ nên chị hiểu những khó khăn, đả kích mà tôi đang gặp phải.

Sau đó trong cuộc họp giao ban báo chí gần nhất, các báo cũng được yêu cầu không tiếp tục đưa thông tin về vụ việc của tôi và tôi cũng xin sao lưu tài liệu này để Tòa án làm tài liệu tham khảo.

Một việc mà cũng ít ai biết là tôi đã từng gõ cửa 2 văn phòng luật sư khá nổi tiếng tại HN nhưng đều bị từ chối, không phải vì tôi không đủ chứng cứ và lập luận mà vì họ cho rằng, cá nhân kiện cơ quan báo chí như “trứng chọi đá”, nhất là trong một vụ việc về quyền nhân thân, với khung pháp lý và các ranh giới rất mong manh và khó xác định. Họ sợ vụ kiện kéo dài và phức tạp, sợ báo chí.

Và một lần nữa, một người phụ nữ lại đứng ra bảo vệ tôi, tôi tìm đến văn phòng luật sư Hoàng Long do chị Thủy là trưởng văn phòng, chị đã sát cánh cùng tôi trong suốt quá trình kiện tụng.

Do có tư vấn của luật sư nên các bước trong tiến trình đưa vụ việc ra pháp luật của tôi rất có trình tự. Tôi cũng không chủ trương lên báo trình bày các vấn đề của mình để tránh đôi co giữa các bên gây nhiễu loạn thông tin. Tôi chỉ lên báo trả lời phỏng vấn một lần trước khi nộp đơn kiện nhằm đảm bảo đơn kiện của tôi được tiếp nhận.

Tôi cũng cẩn thận lưu lại toàn bộ chứng cứ bằng bản in hoặc chụp ảnh rồi in ra (mỗi thứ 4 bản: cho tòa án, luật sư và tôi 2 bản, phòng mất mát, thất lạc).

Ngoài ra để tránh bên bị lật lọng bản in bị chỉnh sửa bằng phần mềm sửa ảnh, tôi lưu lại bài báo gốc, đường link và dùng máy quay cá nhân quay cú máy liền, động để lưu lại hình ảnh trên màn hình máy tính.

Phía bị cũng tìm gặp riêng tôi vài lần để xin lỗi miệng với lý do “lỡ đăng bài rồi” và muốn tôi bỏ qua, chứ không có ý định đăng cải chính, xin lỗi tôi trên báo vì làm thế mất mặt và bị khiển trách.

Gặp đến lần thứ hai họ vẫn giữ nguyên thái độ nên tôi đã dùng máy quay cá nhân quay lại toàn bộ các cuộc nói chuyện sau vì việc sử dụng máy ghi âm khi ra tòa án không có tính pháp lý.

Việc họ xin lỗi tôi chứng tỏ việc làm của họ sai và họ phải sửa, đây là bằng chứng rất quan trọng, lỗi công khai trên báo phải được xin lỗi công khai trên báo, vì nó ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của tôi, chứ không thể “áo gấm đi đêm” giữa hai người được.

Hơn 2 tháng kể từ ngày đơn kiện của tôi được thụ lý, cũng là hơn 2 tháng tôi phải xin nghỉ dài hạn ở cơ quan để chạy đi chạy lại liên tục giữa tòa án và văn phòng luật sư để tập trung giải quyết vụ kiện.

Cuối cùng vụ việc kết thúc khi báo N. phải chính thức, công khai đăng bài cải chính, xin lỗi tôi trên báo và bồi thường thiệt hại về vật chất cho tôi theo quy định của pháp luật.

Tôi kể ra tiến trình này để thấy rằng việc một cá nhân đứng ra kiện báo chí là một việc làm đòi hỏi sự quyết liệt và tập trung 200% tâm trí, sức lực cho nó, ngoài ra không thể không kể đến sự kỳ công, hiểu biết, thận trọng và một chút may mắn.

Thật đáng buồn là khi có sự vụ, nhằm giật gân, câu khách, các báo xâu xé đưa tin về tôi nhưng đến khi có kết quả về vụ kiện thì chỉ lác đác vài báo đưa tin và lý do của họ là sợ báo chí đánh lẫn nhau.

Nhưng dẫu sao, kiện là để đòi lại công bằng cho tôi và gia đình, để tôi, dẫu đôi lúc còn ám ảnh, vẫn đủ tự tin để tiếp tục bước ra đường, để tiếp tục làm việc và sống.
Bởi vậy, cô đã thức trắng 2 tháng để thu thập tư liệu, minh chứng cho mình

Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi, nếu người bị lâm vào hoàn cảnh này, không phải là tôi, một người sống trong môi trường truyền thông, hiểu về truyền thông, về quyền công dân và nếu không gặp may mắn như tôi, nghĩa là bị oan mà giải được oan thì liệu họ sẽ như thế nào? Có vượt qua được không? Hay buộc phải tìm đến một lối thoát khác hoặc sống trong tủi nhục đến cuối đời?

Vậy đó, báo chí với quyền lực tối thượng của mình, quyền lực đưa đến sự thật mà lại làm sai sự thật thì có thể thay đổi cuộc đời, thậm chí hủy diệt một con người.

Từ một suy nghĩ giản đơn đến vô đạo đức như đưa thông tin, đưa hình ảnh, mà những hình ảnh ấy cũng có sẵn trên mạng vào một bài viết tiêu cực đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của một cá nhân như thế và hãy thử đặt trường hợp nếu những thông tin đó, hình ảnh đó được gắn vào mẹ, vào chị, vào em gái, con gái của mình, mình sẽ cảm thấy thế nào. Câu trả lời chắc ai cũng phải giật mình khi có được.

Kết thúc cho tham luận này tôi xin mượn lời nói của một nhà báo lão thành, chúc cho các anh chị em đồng nghiệp giữ được mắt sáng, bút sắc, lòng trong".
Theo Đất Việt

Ý kiến của bạn