Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng nhờ đàm phán giá các thuốc biệt dược gốc

20-05-2019 09:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ Y tế bày tỏ lo ngại về tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online không bảo đảm an toàn. Đồng thời Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả giảm giá thuốc thông qua đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá

Theo chương trình kỳ họp, hôm nay- thứ hai, ngày 20/5, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 tại Thủ đô Hà Nội.

Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm gần 60% tổng thời gian của kỳ họp). Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Lo ngại tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online không bảo đảm an toàn

Trước đó, trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Bộ Y tế bày tỏ lo ngại về tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online không bảo đảm an toàn.

Theo Bộ Y tế, các hình thức quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại; lên đơn hàng và giao hàng qua đặt hàng online, chuyển hàng qua bưu điện, thuê người vận chuyển... hiện đang khá phổ biến.

Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế đã thường xuyên khuyến cáo cộng đồng cẩn trọng với các thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên một số website

Với các hình thức này, cá nhân bán hàng không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa. Họ thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại, gây rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về sản phẩm cần có cơ chế để kiểm soát.

Ngoài ra, tình trạng kinh doanh thực phẩm chức năng “xách tay” cũng chưa được kiểm soát, tạo cơ hội cho kinh doanh thực phẩm chức năng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái lưu hành.

Trong khi đó, một số cơ quan phát hành quảng cáo thực hiện chưa đúng quy định về quảng cáo dẫn đến tình trạng đăng tải một số nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, hoặc đăng tải những nội dung quảng cáo chưa được thẩm định của cơ quan y tế.

Nêu giải pháp xử lý tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP.

Đối với Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Y tế đề nghị thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn theo quy định tại Điều 65 của Luật ATTP; tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố để thay đổi căn bản về điều kiện vệ sinh đối với cơ sở.

Tại báo cáo này, Bộ Y tế cũng kiến nghị các nội dung liên quan đến bố trí kinh phí của địa phương cho công tác ATTP; tập trung tăng cường năng lực cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đặc biệt là chỉ định công chức xã theo dõi công tác ATTP theo Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 10-10-2017 của Chính phủ.

Giảm gần 19% so với giá trúng thầu nhờ đàm phán giá thuốc

Cũng trong báo cáo này, Bộ Y tế cho biết qua triển khai công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia trong năm 2017 và năm 2018 giúp giảm giá thuốc và tiếp tục sẽ tạo dư địa bù đắp cho việc tăng giá viện phí trong năm 2019 và năm 2020.

Theo đó trong năm 2018-năm đầu tiên bộ triển khai đàm phán giá đối với các thuốc biệt dược gốc đã tiết kiệm, giảm được 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại) và các thuốc trên sẽ được cung ứng theo giá đã đàm phán tại các cơ sở y tế trong năm 2019, 2020.

Đề cập đến việc giảm giá thuốc trong thời gian tới Bộ Y tế cho biết, đang mở rộng tiến hành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia thông qua việc ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện và Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện.

Đấu thầu thuốc quốc gia, đàm phán giá thuốc giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng

Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất, thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Dược năm 2016.

Đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân ngoại trú, theo Bộ Y tế, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 đã sửa đổi quy định thống nhất mức thặng số bán lẻ của nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện công lập (2%-15%) tùy theo giá trị thuốc mua vào tính theo đơn vị đóng gói nhỏ nhất và quản lý danh mục thuốc, giá mua vào tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập theo danh mục, giá trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và của các cơ sở y tế tuyến tỉnh trở lên.

Về cơ sở cung ứng thuốc, Bộ Y tế cho biết, hiện trên cả nước có khoảng trên 63 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc trên thị trường.


Thái Bình
Ý kiến của bạn