Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, thuốc là một trong những mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong thời gian qua, những đổi mới trong các quy định về đấu thầu thuốc đã từng bước nâng cao cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, tạo điều kiện cho quản lý chất lượng, giảm chi phí điều trị.
Mặc dù vậy, thuốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng chi cho thuốc từ Quỹ BHYT năm 2015 là 26.132 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3%; năm 2016 là 31.5419 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41%. Tỷ lệ này cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội.
"Một trong những hạn chế bất cập là đấu thầu thuốc vẫn thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến giá trúng thầu còn khác nhau, một số mặt hàng có giá trúng thầu cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu thực hiện đấu thầu thuốc tập trung hợp lý sẽ giúp quản lý tốt hơn chuối cung ứng, giá và chất lượng thuốc"- Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trong lần đầu tiên triển khai, Trung tâm đã tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia với 5 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 - 2019.
Danh mục được xác định trên cơ sở Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016 với các tiêu chí: thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước và phù hợp với năng lực, khả năng tổ chức đấu thầu của Đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia. Theo đánh giá ban đầu, quá trình tổ chức đấu thầu được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Kết quả đã lựa chọn được các Nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
"Về hiệu quả kinh tế, tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (giảm được khoảng 17% so với giá kế hoạch)"- Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định.
Báo cáo làm rõ thêm về nội dung này, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo- Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia cho biết, trong số 477 tỷ đồng tiết kiệm được nhờ đấu thầu thuốc tập trung có 114,3 tỷ đồng tiết kiệm được ở thuốc biệt dược (giảm 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu); thuốc Generic tiết kiệm được 362, 7 tỷ đồng ( giảm khoảng 33% so với giá kế hoạch).
Để tiếp tục quản lý tốt giá thuốc, góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ BHYT, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai tích cực các chỉ đạo của Chính phủ về đấu thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị lưu ý một số nội dung: Trên cơ sở kết quả đạt được từ lần đầu tổ chức đấu thầu tập trung cấp Quốc gia, Trung tâm tiếp tục tổ chức đấu thầu đối với các mặt hàng thuốc được Bộ thống nhất mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia, mở rộng danh mục thuốc đàm phán giá, góp phần vào các giải pháp chung của Bộ Y tế để tiếp tục giá thuốc theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ trưởng cũng yêu cầu việc mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia theo nguyên tắc và tiêu chí đã được Bộ Y tế quy định tại Phụ lục 5 Thông tư 10/2016/TT-BYT của Bộ Y tế như: thuốc thuộc các chương trình, dự án quốc gia; thuốc điều trị các bệnh không truyền nhiễm (NCD); Thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước; thuốc có nhiều số đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất...
Cũng theo TS Phạm Lương Sơn, kết quả đấu thầu này đã đi được 1/3 mục tiêu, thực hiện việc cung ứng thuốc cho người bệnh phải phụ thuộc vào nhà thầu đã trúng thầu và việc sử dụng thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh.
Đánh giá cao kết quả đấu thầu tập trung quốc gia lần đầu tiên, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: “Công tác đấu thầu thuốc còn khá nhiều vướng mắc, lo lắng phía trước. Kết quả đấu thầu đã tốt, vấn đề là đưa vào thực tiễn khám, điều trị cho người bệnh. Đấu thầu tập trung quốc gia được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh, hướng tới giá hợp lý, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài chính trên cơ sở vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh”.