Hà Nội

Tiếp tục xét xử vụ tai biến chạy thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình: Viện Kiểm sát đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung

30-05-2018 11:27 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 29/5, sau nhiều ngày tranh luận, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh bất ngờ tuyên bố quay lại xét hỏi để làm rõ các chứng cứ và những tình tiết mới xuất hiện trong luận cứ bào chữa của các luật sư liên quan đến vụ án, trong đó có băng ghi âm của ông Hoàng Công Tình với Điều dưỡng Đinh Tiến Công.

Luật sư cũng làm rõ dấu hiệu làm giả con dấu của BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong chiều 29/5, đại diện Bộ Y tế cũng đã trả lời nhiều câu hỏi có liên quan. Đặc biệt, cuối giờ chiều, với những chứng cứ và lập luận sắc bén của các luật sư bào chữa cho các bị cáo, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ điều tra bổ sung.

Trưởng phòng tổ chức làm rõ việc phân công nhiệm vụ của bác sĩ Lương

Trước đó, khi kết phúc phiên xét xử chiều ngày 28/5, luật sư Ngô Thu Hằng (bào chữa cho Hoàng Công Lương) trình HĐXX vi bằng do BS. Hoàng Công Tình (Khoa Hồi sức) cung cấp. Chứng cứ mới này chứa nội dung cuộc gọi điện thoại đã được ghi âm được cho giữa ông Tình và ông Đinh Tiến Công - Điều dưỡng trưởng của Khoa Hồi sức tích cực.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo tại tòa.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo tại tòa.

Ông Tình cho biết, sau khi Hoàng Công Lương được tại ngoại có nhắc đến cuốn sổ họp giao ban cuối 2015, trong đó có phần ghi thêm nội dung Lương được giao nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Ngay sau đó, BS. Tình đã gọi điện cho ông Công và ghi âm lại cuộc gọi. Qua trao đổi, điều dưỡng trưởng thừa nhận bản thân ông ta đã ghi thêm nội dung trên vào sổ.

Liên quan đến việc này, trước đó, ông Đinh Tiến Công cũng đã khai trước HĐXX và khẳng định, việc ghi thêm vào sổ giao ban là sự thật khách quan. Tuy nhiên, mục đích ghi thêm chỉ để hoàn thiện thủ tục hành chính, không có ý “đổ tội” cho Hoàng Công Lương sau khi sự cố 9 người chết xảy ra.

Ông Công tái khẳng định việc ghi thêm vào sổ giao ban đã được lãnh đạo Khoa HSTC thông qua, ký xác nhận. Đồng thời cũng thừa nhận không nhận được quyết định nào bằng văn bản phân công nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên cho Hoàng Công Lương.

Làm rõ việc này, tòa cho mời bà Đinh Thị Tới - Trưởng Phòng tổ chức cán bộ - BVĐK Hòa Bình). Bà Tới khẳng định, từ năm 2015, khi BS. Tiến chuyển lên Khoa HSTC đến thời điểm này không có Quyết định nào giao BS. Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo.Thực tế tôi chưa từng nghe nói đến việc phân công nhiệm vụ BS. Lương, chúng tôi chỉ hàm ý rằng BS. Lương có trình độ cao nhất nên phụ trách đơn nguyên thôi, bà Tới nói.

Trả lời HĐXX, ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, sau khi sự cố xảy ra, ông có nói trong cuộc họp giao ban là phải hoàn thiện thủ tục hành chính về sổ sách cũng như các vấn đề khác. Việc anh Công ghi lúc nào tôi hoàn toàn không biết. Tôi cũng không chỉ đạo ghi nội dung cụ thể gì. Việc bổ sung này không hàm ý quy kết hay đổ tội cho ai?

Có dấu hiệu làm giả con dấu của cơ quan tổ chức

Cũng trong buổi sáng ngày 29/5, trong phần xét hỏi của mình, Luật sư Nguyễn Tiến Thủy đã làm rõ hợp đồng lao động với bị cáo Trần Văn Sơn là hợp đồng có dấu hiệu làm giả.

Khai với HĐXX, ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc xác nhận là BVĐK tỉnh Hòa Bình có ký tiếp hợp đồng lao động với Trần Văn Sơn. Tuy nhiên, khi Luật sư Thủy đưa ra các tài liệu của BVĐK tỉnh Hòa Bình và hợp đồng ký kết với Trần Văn Sơn có 3 mẫu dấu khác nhau để ông Vận phân biệt.

Tuy vậy, ông Vận nói rằng, việc ký kết hợp đồng do Phòng Tổ chức tham mưu, ông không phụ trách Phòng Tổ chức, đồng thời khẳng định không xác định được dấu thật hay dấu giả và ủy quyền cho luật sư bảo vệ quyền lợi cho BVĐK tỉnh Hòa Bình là ông Nguyễn Danh Huế trả lời.

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Huế cho biết, khi Luật sư Thủy có cung cấp cho tôi các tài liệu của BVĐK tỉnh Hòa Bình và cho rằng có dấu hiệu làm giả. Về việc này, tôi đã đề nghị Phòng Tổ chức và các bộ phận có liên quan kiểm tra lại hồ sơ để tìm văn bản gốc của hợp đồng lao động nhưng không tìm thấy. Một lần nữa tôi khẳng định hợp đồng lao động gốc là không có, còn sử dụng dấu giả hay không thì tôi không khẳng định, Luật sư Huế nói.

Luật sư Thủy đề nghị HĐXX cho bà Đinh Thị Tới - Trưởng phòng Tổ chức, BVĐK tỉnh Hòa Bình 3 văn bản tài liệu làm rõ 3 con dấu đâu là dấu thật. Bà Tới thừa nhận các con dấu có kích thước to nhỏ khác nhau. Từ những dấu hiệu này, luật sư cho rằng văn bản tài liệu đã có dấu hiệu làm giả.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, nếu đúng thì đây là dấu hiệu của tội phạm và cũng là chứng cứ quan trọng để chứng minh bị cáo Trần Văn Sơn không có tội.

Như vậy, không có hợp đồng nào ký tiếp theo với Trần Văn Sơn. Về mặt pháp lý, Trần Văn Sơn không phải là người của BVĐK tỉnh Hòa Bình, không phải là người của bệnh viện quản lý. Và như vậy, Trần Văn Sơn có phải là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng? Luật sư Thủy cho rằng, trên những căn cứ đưa ra quan điểm bào chữa cho Trần Văn Sơn là chưa đủ căn cứ để buộc tội Trần Văn Sơn.

Cũng trong chiều 29/5, đại diện Bộ Y tế - ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã trả lời một số câu hỏi của HĐXX liên quan.

Qua hơn 2 tuần xét hỏi và tranh tụng, với những chứng cứ và lập luận sắc bén của các luật sư bào chữa, cuối giờ chiều, phát biểu trước HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát - bà Bùi Thị Thu Hằng cho rằng chưa đủ căn cứ để buộc tội các bị cáo, đề nghị trả lại hồ sơ điều tra bổ sung.VKS thừa nhận đã có những dấu hiệu về việc hợp thức hoá hồ sơ tại BVĐK tỉnh Hoà Bình sau khi vụ tai biến xảy ra. Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung cần làm rõ mục đích của việc hợp thức hoá hồ sơ tại BVĐK tỉnh Hoà Bình...


Trần Lâm
Ý kiến của bạn