Hà Nội

Tiếp tục xét xử bầu Kiên và đồng phạm

26-05-2014 10:59 | Thời sự
google news

Sáng nay (26/5), Tòa án nhân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án bầu Kiên và đồng phạm. Kiên và đồng phạm.

Sáng nay (26/5), Tòa án nhân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

10h15: Tòa nghỉ giải lao

10h00: Tòa hỏi kiểm toán viên về việc kiểm toán đối với ACBS trong quá trình có phát hiện sai sót của đơn vị này hay không.

Kiểm toán viên cho biết: “Trong cuộc rà soát 6 tháng chúng tôi có biết về hợp đồng của của ACBS với ACI. Tuy nhiên không phát hiện vấn đề gì giữa 2 công ty”.

Quá trình thực hiện hợp đồng có vi phạm không, tòa hỏi?

Kiểm toán viên: “Thời điểm chúng tôi thấy hợp đồng này vào tháng 7, chúng tôi có hỏi như một hoạt động của quy trình kiểm toán. Và nhận được bản kê chi tiết về các khoản đầu tư của ACI.

Bảng kê này chúng tôi thấy nhiều danh mục đầu tư của ngân hàng và đầu tư mua cổ phiếu của ACB.

Với thông tin này chúng tôi đã trao đổi với ông Hải (Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) có nhận biết không. Ông Hải tỏ ra ngạc nhiên và tức giận nói sẽ tìm hiểu chi tiết vấn đề này. Sau đó ở một bảng kê chi tiết khác gửi cho chúng tôi không còn khoản đầu tư trái phiếu này nữa.

9h40: Bị cáo Kiên trả lời luật sư cho biết mình chịu trách nhiệm hoàn toàn trách nhiệm cá nhân với tư cách là Chủ tịch ACB.

9h30: Luật sư hỏi bị cáo Trần Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội về việc chuyển nhượng cổ phiếu, việc Nguyễn Đức Kiên có thường xuyên có mặt ở ACB.

9h12: Bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) xin phép trả lời xét hỏi của luật sư vào buổi chiều

Liên quan hành vi “trốn thuế”, ngày 22/5, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn bà Đặng Ngọc Lan (vợ của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Tổng Giám đốc Công ty B&B). Đặng Ngọc Lan cho rằng việc làm Tổng Giám đốc là do chồng bảo, mọi hoạt động kinh doanh không nắm được mà do Nguyễn Đức Kiên nắm và quyết định.

Bà Đặng Ngọc Lan cũng không biết ai soạn thảo hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25/12/2008 với ngân hàng ACB với nội dung ủy thác cho ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

9h05: Luật sư hỏi về hành vi trốn thuế, kiểm tra thuế… Đại diện ngành Thuế về thẩm quyền của cơ quan thuế trong việc xác nhận hợp đồng ủy thác của Công B&B có bất hợp pháp hay không?

Đại diện Bộ Tài Chính cho biết: 5 hồ sơ cơ quan điều cung cấp không thể chứng minh đầy đủ thuế nếu không được kê khai đầy đủ.

Đại diện ngành Thuế cho rằng có những vấn đề ngành thuế không thể trả lời thay cơ quan điều tra.

8h45: Tham gia phần xét hỏi, Luật sư Hoàng Minh Hùng tiếp tục đặt một loạt câu hỏi về việc góp vốn cổ phần của doanh nghiệp. Luật sư hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước: Các công ty có phải đăng ký góp vốn cổ phần hay không…

Đại diện Ngân hàng Nhà nước: "Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ góp vốn".

8h40: HĐXX bắt đầu phiên xét xử. Tòa yêu cầu luật sư hỏi thẳng vàò câu hỏi và tích cực tranh luận.

8h35: Lúc này các bị cáo đang tranh thủ trao đổi với luật sư

8h30: Theo quan sát, các bị cáo, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã xuất hiện tại phòng xét xử.

8h15: Hiện nay, chưa có tín hiệu trên màn hình hình ảnh nối từ phòng xét xử tới phòng phóng viên theo dõi phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên 

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên

Trong ngày xét xử trước (24/5), các luật sư đưa ra các câu hỏi với những người liên quan và các bị cáo để làm rõ các hành vi bị truy tố tại Tòa.

Theo đó, luật sư Vũ Xuân Nam – bảo vệ quyền lợi cho "bầu" Kiên đã đưa ra hàng loạt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước như: Người dân đi gửi tiền cho Ngân hàng có phải là lĩnh vực liên quan đến ngân hàng không?; Người dân đi gửi có phải được Ngân hàng cho phép không, cấp giấy phép cho người dân đi gửi tiền không? Khi người dân đem tiền đi gửi, ngân hàng có xác định là nguồn tiền của ai không? Người dân đi gửi tiền, nộp tiền vào tài khoản, đối với người dân có phải là hoạt động của ngân hàng không?...

Đại diện NHNN liên tiếp từ chối trả lời câu hỏi của luật sư với lý do, không thuộc lĩnh vực mình quản lý, không nhớ hết, đã được trả lời rồi.

Theo cáo trạng của VKSND, Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) sẽ bị truy tố về 4 tội danh là “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn (đều từng là lãnh đạo và cán bộ ACB) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”.

 

Các bị cáo tại phiên tòa:

1./. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB).

2./. Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

3./. Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

4./. Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

5./. Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB)

6./. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB)

7./. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)

8./. Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)

Đối với ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) được tòa quyết định tạm đình chỉ vụ án. Khi nào lý do đình chỉ không còn sẽ khôi phục vụ án.

 

Theo VOV


Ý kiến của bạn