Theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh, trận động đất này tiếp tục là dư chấn của trận động đất có độ lớn 5.3 diễn ra vào 12 giờ 14 phút ngày 27/7. Liên tiếp từ đó đến nay, tại Mộc Châu (Sơn La) đã xảy ra hàng chục dư chấn của trận động đất trên với độ lớn đo được từ 2.6 đến 4.0. Thông thường, một trận động đất có độ lớn 5.3 như trên có thể gây ảnh hưởng trên phạm vi cả trăm km và kéo theo nhiều dư chấn trong nhiều ngày.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu đã cử hai đoàn công tác lên Mộc Châu, Sơn La để kiểm tra, đánh giá dư chấn và mức độ ảnh hưởng do động đất; đồng thời tiến hành lắp đặt 2 máy đo dư chấn trên địa bàn các xã Nà Mường và Tân Lập (huyện Mộc Châu).
Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm, Sơn La là tỉnh thuộc khu vực có nguy cơ tiềm ẩn cao về động đất, nằm trên đới đứt gãy sông Đà đang hoạt động địa chất diễn ra tương đối mạnh. Do đó, chính quyền địa phương cần chủ động rà soát lại các công trình xây dựng có kết cấu yếu; tăng cường tuyên truyền phòng, chống động đất đến người dân địa phương; chủ động di dời, bố trí nơi ở an toàn cho người dân ở nơi có nguy cơ cao xảy ra động đất; rà soát lại các khu vực triền sông, triền núi dễ xảy ra nguy cơ sạt lở đất, đá lăn để cắm biển cảnh báo, chủ động ngăn ngừa người dân qua lại.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, đến ngày 30/7, các đợt động đất và dư chấn trên địa bàn huyện Mộc Châu đã làm 4 trụ sở làm việc UBND các xã Nà Mường, Tà Lại, Lóng Sập, Tân Hợp bị lún, nứt tường, rơi vỡ nhiều mảng trát tường nhà, trần nhà và nứt gãy nhiều đoạn cổ trần; 11 nhà văn hóa của các xã trên địa bàn huyện Mộc Châu bị sập trần nhựa, lún nứt tường; 4 trạm y tế và 8 điểm trường bị ảnh hưởng… Các đợt động đất và dư chấn trên địa bàn huyện Mộc Châu cũng khiến 302 nhà ở của người dân bị lún, nứt tường, vỡ ngói lợp, sập trần nhựa.
Bản đồ chấn tâm động đất
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các Công điện yêu cầu khẩn trương kiểm tra, khắc phục hậu quả động đất. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục thông tin kịp thời về động đất, dư chấn động đất cho người dân, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại do động đất; chủ động bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ (quân đội, công an, thanh niên, xung kích) hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại, đặc biệt là trường học, trạm y tế.
Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn công trình.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập lớn (Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng), chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến công trình giao thông trong khu vực, nhất là trên các tuyến giao thông chính, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn.
Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.