Tiếp tục tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực bảo hiểm

02-10-2019 09:01 | Xã hội
google news

SKĐS - Tiếp tục giảm từ 28 thủ tục hành chính (TTHC) xuống còn 27; trên 90% đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; 100% văn bản đi, đến BHXH Việt Nam (ngoài văn bản mật và văn bản đặc thù) đều được tiếp nhận và phát hành điện tử; Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối gần 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương...

Đó là các kết quả nổi bật trong công tác tổ chức, thực hiện cải cách hành chính quý III năm 2019 của BHXH Việt Nam.

Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối gần 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, quý III/2019, BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung mọi nguồn lực rà soát, đơn giản hóa TTHC gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); thường xuyên đánh giá hiệu quả của quy định TTHC hiện hành, chủ động kiến nghị cắt giảm hoặc sửa đổi để đơn giản hoá thủ tục. Theo đó, 18 TTHC được thay thế trong lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; bãi bỏ 01 TTHC trong lĩnh vực chi trả các chế độ này (từ 28 xuống còn 27 thủ tục). Ngành cũng đã hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án “Đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 04, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan”.

Đồng thời, ngành cũng thường xuyên cập nhật, rà soát chuẩn hoá các TTHC về chính sách BHXH, BHYT còn hiệu lực, TTHC mới ban hành và xoá bỏ các TTHC đã hết hiệu lực trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận, thuận tiện trong quá trình giải quyết công việc.

Hệ thống Một cửa điện tử tập trung được ngành BHXH đưa vào vận hành để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn...

Cùng với cải cách TTHC, BHXH Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy.

Cũng trong quý III, toàn ngành tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước, qua ATM nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân; quản lý chặt chẽ người hưởng, báo tăng, báo giảm kịp thời và đảm bảo an toàn tiền mặt; tiếp tục thực hiện thí điểm phương án ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua bưu điện. Kết quả, đến tháng 8/2019, toàn ngành đang quản lý chi trả cho khoảng 3,1 triệu người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng; chi trả cho hàng triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần, mai tang phí, trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức.

Về ứng dụng CNTT, ngành BHXH tiếp tục triển khai quyết liệt trong hoạt động nghiệp vụ cũng như trong giao dịch, giải quyết TTHC được người dân, tổ chức đánh giá cao. Giao dịch điện tử được triển khai trên tất cả các lĩnh vực: Thu, cấp sổ BHXH; thẻ BHYT; giải quyết các chế độ; giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối gần 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương, góp phần quản lý, giám sát việc thực hiện các dịch vụ y tế, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Tiếp tục cải cách để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và DN

Theo BHXH Việt Nam, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục tham mưu với Chính phủ, đồng thời triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản, kế hoạch của ngành nhằm quyết liệt đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, giao dịch điện tử, sắp xếp tinh gọn và hiệu quả bộ máy tổ chức của BHXH Việt Nam... Ngoài ra, tiếp tục rà soát và chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ theo tiêu chí tích hợp và quản lý bằng CNTT; đưa tiêu chí ứng dụng CNTT vào một trong những nội dung đánh giá kết quả hoàn thành công việc của các đơn vị trong ngành.

Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc với tổ chức, DN...

Đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp, kịp thời thông tin về những thay đổi của chính sách, biểu mẫu, hồ sơ cho DN và người lao động được biết trước khi áp dụng chính sách mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống chăm sóc khách hàng theo định hướng cải cách hành chính, ứng dụng CNTT về trí tuệ nhân tạo và chăm sóc khách hàng thông qua hệ thống trả lời tự động nhằm hỗ trợ, tư vấn, giải đáp về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người dân và DN kịp thời.


Lan Anh
Ý kiến của bạn