Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng
Trong tất cả các vụ án nói chung thì điều đầu tiên mà luật sư thường đề cập đến trước tiên luôn là vấn đề tố tụng. Theo đó, Luật sư Phạm Quang Hòa (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn) đã chỉ ra 4 vi phạm nghiêm trọng liên quan đến tố tụng trong vụ án này. Một là: Vi phạm việc luận tội tại phiên tòa - Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Hai là: Vi phạm xác định tư cách người tham gia tố tụng. Điều rất đặc biệt của vụ án này là trong quá trình tiến hành tố tụng của vụ án này đã không có bất kỳ một người nào tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng. Đa số những người đang được coi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã được các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Hòa Bình xác định hoàn toàn không phù hợp với quy định của Pháp luật được quy định rất cụ thể tại Điều 65 - Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Ba là: Vi phạm quy định về Đối chất - Theo quy định tại Điều 189 BLTTHS 2015. Việc Cơ quan điều tra đã không cho thực hiện việc đối chất trong vụ án này đã thể hiện rõ rằng trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và đây chính là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bốn là: Vi phạm về việc xác định sự thật khách quan của vụ án - Quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Đặc biệt, với tinh thần cải cách tư pháp, sau phần bào chữa của Luật sư Phạm Quang Hòa, đã có nhiều diễn biến mới tích cực hơn; HĐXX và VKS đều có sự thay đổi theo hướng tôn trọng ý kiến của luật sư. Ông Trần Văn Thắng - Trưởng phòng Vật tư - TBYT; bà Bùi Thị Phương Thuý - Phó trưởng Phòng Tài chính Kế toán) và bà Vũ Thị Thục - nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán lập tức bị triệu tập đến toà. Đây cũng là 3 người đầu tiên được xác định với tư cách là nhân chứng tại phiên xử là một thắng lợi bước đầu trong việc chứng minh không đủ căn cứ buộc tội các bị cáo, đặc biệt là Trần Văn Sơn.
Luật sư Phạm Quang Hòa bào chữa tại phiên tòa.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Tại tòa, ý kiến các luật sư đề nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự, khởi tố nguyên Giám đốc bệnh viện, nguyên Trưởng phòng Vật tư - TBYT và Giám đốc Công ty Thiên Sơn về các tội danh: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Vi phạm Luật Đấu thầu; Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước. Luật sư cũng cho rằng, cơ quan công tố đã vi phạm nghiêm trọng việc tố tụng, không thu thập chứng cứ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Nhiều luật sư đề nghị được mời chuyên gia về lĩnh vực chạy thận nhân tạo đến toà để làm rõ các vấn đề chuyên môn và trách nhiệm của những người liên quan theo Quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ những đề nghị này vì cảm thấy “không cần thiết”.
Nói về việc xuất cảnh của ông Dương - nguyên Giám đốc bệnh viện, công tố viên khẳng định không có cơ sở cấm xuất cảnh bởi ông Dương không phải là bị can, bị cáo hay người sắp bị khởi tố. Cơ quan điều tra và đại diện viện xác định tư cách ông Dương là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không phải nhân chứng.
Cũng trong tuần qua, Luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, việc đưa 3 bị cáo ra xét xử chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bởi vậy, luật sư kiến nghị cần mở rộng về vấn đề pháp lý của đơn nguyên thận nhân tạo xem đã thành lập đúng pháp luật hay chưa?