Ngày 22/5, TAND TP. Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án tai biến chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Chiều 22/5, đại diện Bộ Y tế đã có mặt tại phiên tòa theo yêu cầu của HĐXX để trả lời các câu hỏi liên quan.
Bộ Y tế đã ban hành các quy trình chặt chẽ
Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã có mặt tại phiên tòa để trả lời hàng loạt câu hỏi của HĐXX. Ông Quang cho biết đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến BVĐK Hòa Bình mà còn ảnh hưởng đến ngành y tế.
Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã rà soát các quy định liên quan đến quản lý thiết bị nói chung và quản lý máy lọc thận nhân tạo, hệ thống RO nói riêng. Đối chiếu với báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định 2482/QĐ-BYT ngày 13/4/2018 về quy trình quản lý hệ thống RO và các quy định chuyên môn kỹ thuật liên quan đến chạy thận cho bệnh nhân, bao gồm 52 quy trình, trong đó có 7 quy trình liên quan đến lọc nước RO.
Theo ông Quang, để đảm bảo an toàn nước dùng cho lọc máu, Bộ Y tế áp dụng 2 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Bộ KH&CN ban hành và 2 quy trình lọc máu nhân tạo theo Quyết định 4590 ngày 19/12/2000 do Bộ Y tế ban hành. Quy trình quản lý nước RO được áp dụng theo Nghị định 36/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý TTBYT, hiện nay áp dụng theo tiêu chuẩn của Việt Nam và sau đó là tiêu chuẩn của nhà sản xuất công bố theo máy móc của họ.
Nói về chủ trương xã hội hóa trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, ông Quang cho biết Bộ Y tế chủ trương xã hội hóa trong hệ thống y tế theo Nghị định 85 của Chính phủ; Nghị quyết 93 và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ trương của Chính phủ là cho phép xã hội hóa, liên danh liên kết trong các cơ sở công lập. Nhưng phải đáp ứng quy định tại Thông tư 15/TT-BYT của Bộ Y tế, ông Quang nói.
Nói về công tác thanh tra kiểm tra việc xã hội hóa đưa máy chạy thận vào bệnh viện thuộc trách nhiệm của Sở Y tế; còn Thanh tra của Bộ Y tế chỉ thanh tra các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Việc phân cấp này căn cứ vào Luật Thanh tra và Nghị định số 07 hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra. Hiện nay, quy trình lọc máu được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị đã được Bộ Y tế ban hành. Do đó, dù là bệnh viện tuyến trên hay tuyến dưới khi thực hiện kỹ thuật này phải thông qua các danh mục kỹ thuật được đăng ký, được Cục Quản lý khám, chữa bệnh cấp phép.
Thân nhân gia đình bị hại mong muốn HĐXX tuyên vô tội với BS. Hoàng Công Lương đồng thời đều xin xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc.
Công bố lời khai của ông Trương Quý Dương và ông Trần Văn Thắng
Cũng trong buổi sáng 22/5, HĐXX cũng đã công bố lời khai của ông Trương Quý Dương và ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế tại cơ quan điều tra. Tại CQĐT, ông Trương Quý Dương trình bày, Đơn nguyên thận nhân tạo (ĐNTNT) là bộ phận thuộc khoa Hồi sức tích cực (HSTC) của BV Hòa Bình. Bác sĩ Hoàng Công Lương công tác tại ĐNTNT với nhiệm vụ điều trị người bệnh, phối hợp khoa cấp cứu tham gia cấp cứu, điều trị lọc máu cấp cứu tại đơn nguyên, quản lý nhân lực, tài chính của khoa...
Về việc phân công nhiệm vụ của khoa HSTC với BS. Lương, ông Dương khai: “Qua các lần kiểm tra hay họp Ban Giám đốc, ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa HSTC có báo cáo Lương phụ trách chuyên môn ĐNTNT... tôi chỉ nắm bắt chung”.
Cũng theo lời khai của ông Dương, Phòng Vật tư trang thiết bị y tế có Trưởng phòng là ông Trần Văn Thắng. Phòng có nhiệm vụ dự trù kế hoạch mua sắm, thanh lý tài sản, cung ứng đầy đủ thiết bị, vật tư, xây dựng phương án lắp đặt máy, lập hồ sơ, xây dựng quy trình vận hành, bảo quản máy...
Về hợp đồng với Công ty Thiên Sơn, ông Trương Quý Dương khai, theo quy định chung, đối với sửa chữa nhỏ phải thuê ngoài thì phòng vật tư chịu trách nhiệm và chủ động tìm đối tác, lựa chọn nhà thầu, trình lãnh đạo phê duyệt, phòng vật tư có nhiệm vụ tổ chức đấu thầu, mua sắm theo quy định của Nhà nước.
Sau khi công bố lời khai của ông Dương, chủ tọa cho phép bị cáo Hoàng Công Lương được phát biểu quan điểm. Bị cáo Lương khẳng định không đồng ý với lời khai của ông Dương về nhiệm vụ của mình, cho rằng bản thân chỉ là bác sĩ điều trị, không được phụ trách đơn nguyên thận.
BVĐK Hòa Bình tự lắp đặt 5 máy chạy thận chưa báo cáo Sở Y tế?
Theo công văn trả lời của Sở Y tế Hòa Bình đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, BVĐK Hòa Bình tự lắp đặt 5 máy chạy thận chưa báo cáo Sở Y tế. Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng việc đặt 5 máy của BVĐK Hòa Bình có hợp pháp hay không? Bởi nếu các bệnh nhân tử vong trong khi điều trị ở 5 máy này thì những người ra quyết định cho đặt 5 máy này sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng nghĩa với việc miễn trách nhiệm của các bị cáo Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn.
Cũng trong lời khai của ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế đã có sự gian dối đối với việc bố trí công việc của bị cáo Trần Văn Sơn, trong lời khai của mình được công bố trước tòa, ông Thắng chỉ khai Sơn tốt nghiệp loại giỏi nên có khả năng giám sát việc sửa chữa trang thiết bị y tế, nhưng ông Thắng không nói rõ Sơn tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy với chuyên ngành này thì không thể quản lý và giám sát việc sửa chữa bảo dưỡng các máy móc của đơn nguyên thận nhân tạo. Hơn nữa, ông Thắng cũng không khai báo có ông Trần Thanh Kiếm là người có chuyên môn và được hãng đặt máy cho đi đào tạo nhưng lại không được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo mà được điều động về Phòng Hành chính.