Luật sư đề nghị làm rõ trách nhiệm của PVPower
Sáng 16/1, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh phân tích các tình tiết trong vụ án và công bố một số bút lục lời khai để chứng minh thân chủ của mình không có hành vi cố ý làm trái. Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 (về việc: “Thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến công trường, thông quan hàng hóa, bảo hiểm, dỡ hàng tại công trường, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành Công trình NMNĐ Thái Bình 2). Từ đó, PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng; quyết định sử dụng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng quy kết, hành vi trên của Trịnh Xuân Thanh đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đại diện VKSND TP. Hà Nội tại phiên tòa ngày 15/1.
Theo luật sư Quynh, chủ trương thực hiện NMNĐ Thái Bình 2 là đúng và có từ năm 2007. Tuy nhiên, trong vụ án này có nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), đơn vị được giao chủ đầu tư khi ký Hợp đồng 33. Luật sư Quynh cũng công bố một bút lục mà theo ông rất quan trọng nhưng chưa được công bố hay đề cập trong phiên tòa. Cụ thể, thời điểm tháng 6/2017, biên bản lấy lời khai của ông Vũ Huy Quang, nguyên Tổng Giám đốc PVPower, thể hiện việc ông này biết rõ vấn đề thiếu các hồ sơ quan trọng khi ký kết Hợp đồng 33. Theo luật sư, mấu chốt quan trọng của vụ án là Hợp đồng 33.
Về căn cứ để ký Hợp đồng EPC 33, theo lời khai luật sư Quynh công bố, ông Quang dẫn hàng loạt các văn bản nhưng luật sư Quynh khẳng định, các văn bản này đều không có thật. Ông Quang sau đó cung cấp cho cơ quan điều tra một danh sách thể hiện việc Trưởng ban Kinh tế PVPower đã lập một báo cáo gửi Tổng Giám đốc PVPower, trong đó hàng loạt danh mục không có trong căn cứ làm Hợp đồng 33 và việc này được Ban Giám đốc của PVPower đồng ý. Luật sư Quynh khẳng định, nổi bật trong hồ sơ chứng cứ vụ án không thấy vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVC mà là vai trò của PVPower. Từ những phân tích của mình, luật sư Nguyễn Văn Quynh đề nghị HĐXX xem xét, tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh vô tội về hành vi cố ý làm trái.
Đại diện VKS cho rằng “lợi ích nhóm” thể hiện rõ trong các sai phạm
Trước đó, trong ngày 15/1, trong phần đối đáp, công tố viên đã nêu tại Công văn số 906/VPCP-KTN ngày 17/2/2011 của Chính phủ trả lời Văn bản số 817/DKVN-HĐQT ngày 28/1/2011 của PVN (do bị cáo Đinh La Thăng ký nội dung đề xuất cho PVC là tổng thầu dự án) đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu, có hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện dự án và hiệu quả kinh tế. Như vậy, có cơ sở khẳng định Chính phủ không có bất cứ văn bản nào nêu đồng ý cho PVN lựa chọn PVC làm tổng thầu như một số luật sư đề cập mà yêu cầu PVN phải lựa chọn nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm thực hiện Hợp đồng EPC.
Cũng theo đại diện VKS, mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn về tài chính, không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm thực hiện thi công Dự án NMNĐ Thái Bình 2, để tạo điều kiện cho PVC, Đinh La Thăng vẫn ưu ái bỏ qua các quy định của pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu, sau đó chỉ đạo các bị cáo tại PVN và các đối tượng liên quan tại PVPower ký Hợp đồng EPC và tạm ứng tiền cho PVC để bị cáo Thanh và các đồng phạm tại PVC sử dụng trái mục đích gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước. Qua đó cho thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm của các bị cáo.