Đây là những thông tin được Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đưa ra tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025 của Cục diễn ra chiều nay, 23/12, tại Hà Nội. GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo.
Triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao trong ghép tạng; khám, điều trị cho hơn 187 triệu lượt người bệnh
Báo cáo của Cục Quản lý Khám bệnh do TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, đặc thù khối lượng công việc của hệ thống quản lý khám, chữa bệnh rất lớn, phạm vi tác động rộng, liên quan trực tiếp đến bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2024 là năm đầu tiên Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 32/2023/TT-BYT của Bộ Y tế cùng các văn bản hướng dẫn có hiệu lực nên phát sinh nhiều công việc hành chính, các nhiệm vụ triển khai thực hiện Luật, vì vậy khối lượng công việc tăng lên đáng kể.
"Tuy nhiên, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận"- TS Nguyễn Trọng Khoa nói và dẫn chứng:
Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Cả nước hiện có 1.645 bệnh viện, trong đó có 384 bệnh viện ngoài công lập; khám cho hơn 170 triệu lượt ngoại trú và điều trị nội trú cho hơn 17 triệu lượt người; mạng lưới bệnh viện vệ tinh, khám chữa bệnh từ xa được mở rộng và phát triển.
Hệ thống khám chữa bệnh triển khai áp dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là ghép tạng, ghép đa tạng trên một người bệnh, can thiệp tim bào thai. Bên cạnh đó, công tác vận động hiến máu, mô tạng, nhất là người cho chết não có nhiều điểm tích cực, số người hiến mô tạng tăng vượt trội so với năm 2023.
TS Trọng Khoa cũng thông tin thêm, trong năm 2024, hệ thống khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện quan điểm"lấy người bệnh làm trung tâm" tiếp tục được hệ thống khám, chữa bệnh quán triệt, triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, sự hài lòng của người bệnh.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã ban hành Danh mục kỹ thuật và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh làm cơ sở xây dựng Giá dịch vụ khám chữa bệnh. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế kịp thời giúp các cơ sở y tế có nguồn tài chính trả lương theo mức lương cơ bản mới và tạo nguồn lực tái đầu tư, mua sắm bổ sung trang thiết bị, phát triển kỹ thuật của các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Công tác thẩm định, cấp phép hoạt động bệnh viện được đẩy mạnh chuyển biến tích cực. Trong đó, xây dựng các tiêu chí cụ thể sắp xếp hồ sơ thẩm định, các quy trình chuẩn ISO thực hiện thẩm định và ban hành kế hoạch thẩm định theo tháng.
"Đến ngày 20/12/2024, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã thẩm định được 101/126 hồ sơ tiếp nhận (đạt 80% kế hoạch năm 2024). Việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định, cấp phép đã được các bệnh viện hết sức ủng hộ, đánh giá cao, rút ngắn thời gian chờ đợi, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực"- TS Nguyễn Trọng Khoa nói.
Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về khám chữa bệnh
Đồng thời, cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong năm 2024, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình, Đề án. Theo đó, Cục đã tập trung, ưu tiên nguồn lực hoàn thiện hành lang pháp lý lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh với 6 nhóm chính sách cụ thể về: Danh mục kỹ thuật và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh làm cơ sở xây dựng Giá dịch vụ khám chữa bệnh; Bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp tại Quy chế bệnh viện; Quy định tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện; Xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; Tiếp tục xây dựng các chính sách về phát triển chuyên môn, kỹ thuật.
Tính đến ngày 20/12/2024, Cục đã trình Bộ Y tế ban hành 6/9 Thông tư, 1 Đề án; được Ban cán sự đảng cho phép điều chuyển 2 Thông tư sang Chương trình công tác năm 2025 của Bộ Y tế. Tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành 3 Thông tư còn lại trong tháng 12/2024, đảm bảo hoàn thành, trình Bộ Y tế ban hành 100% số thông tư đã đăng ký.
Ngoài ra, Cục cũng thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao thuộc lĩnh vực Cục quản lý. Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa cho biết, trong năm qua, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã thực hiện việc tiếp nhận và xử lý 100% các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép/chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh qua dịch vụ công trực tuyến.
3 Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh: TS.BS Nguyễn Trọng Khoa; TS.BS Vương Ánh Dương và TS.BS Dương Huy Lương phát biểu tại hội nghị.
Qua đó người hành nghề khi nộp hồ sơ chứng chỉ/giấy phép hành nghề sẽ không cần phải nộp trực tiếp tại bộ phận 1 cửa mà nộp hồ sơ qua hệ thống quản lý quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Việc thu phí cũng thực hiện hoàn toàn qua chuyển khoản trực tuyến, không cần sử dụng tiền mặt.
Năm 2024, Cục đã xây dựng 30 quy trình thủ tục hành chính, hiện đang hoàn thiện, trình Bộ Y tế xem xét, ký ban hành; hoàn thành xử lý 17/17 phản ánh kiến nghị trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tiếp nhận 5.071 hồ sơ (tăng 75% số hồ sơ so với cùng kỳ năm 2023), giải quyết được 4.248 hồ sơ (đạt 84%); đang giải quyết 823 hồ sơ còn lại theo quy định...
Cùng đó, trong năm qua, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06....
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục cấp phép; chuyển đổi số y tế
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao và ghi nhận những kết quả Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã đạt được trong năm 2024.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, trong năm 2024 Cục Quản lý Khám chữa bệnh có khối lượng công việc nhiều, nặng nề, tuy nhiên Cục trưởng Hà Anh Đức và tập thể Cục đã nỗ lực để cùng thực hiện được nhiều kết quả rất tích cực trong nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng công việc cấp mới, cấp lại, cấp bổ sung, cấp điều chỉnh bổ sung giấy phép hoạt động của bệnh viện tư nhân dù đã được đẩy nhanh, đã giải quyết được cơ bản, nhưng hiện vẫn còn một số hồ sơ tồn đọng. Do đó, Cục cần giải quyết nhanh chóng số hồ sơ còn lại.
Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Y tế chia sẻ tại hội nghị.
Bên cạnh đó, dù thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều nhưng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phải hoàn thiện việc xếp cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh để từ 1/1/2025 thực hiện theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới; Với 3 dự thảo Thông tư đang hoàn thiện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh phải nhanh chóng hoàn thiện ngay;
Đối với việc tham mưu, sửa Nghị định 96 và Thông tư 32 thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu Cục trong quý 2 phải hoàn thành, trình xin ý kiến Lãnh đạo Bộ.
Cùng đó, một số đề án của năm 2024 chưa hoàn thiện như đề án xạ trị proton, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các bệnh viện liên quan tham khảo, học tập, nghiên cứu để tham mưu lựa chọn mô hình phù hợp, tham mưu cho lãnh đạo Bộ lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn phù hợp. Cục cũng phải nhanh chóng hoàn thiện đề án hệ thống pháp y tâm thần; tái khởi động lại đề án bệnh viện vệ tinh. "Tôi đi công tác ở cơ sở, nhiều anh chị em ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện rất mong muốn đề án này tái khởi động lại và mở rộng đến tuyến xã phường"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh như sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeiD...
Cục Quản lý khám chữa bệnh và hệ thống khám chữa bệnh tiếp tục lấy chất lượng khám chữa bệnh, sự hài lòng của người bệnh làm trung tâm. Để làm được việc này tốt nhất, Thứ trưởng lưu ý cần phải có những tiêu chí chất lượng cao hơn, tiến tới công khai chất lượng bệnh viện để người dân biết, lựa chọn cơ sở y tế khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn về chất lượng.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh tiếp tục nâng cao số lượng giường bệnh trong đó có hệ thống giường bệnh tư nhân; cùng đó phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong thanh quyết toán BHYT.