Hà Nội

Tiếp tục mở rộng thử nghiệm xe cấp cứu 2 bánh trên 5 quận ở Tp.HCM

28-11-2018 09:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Người dân hài lòng là động lực để ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai thử nghiệm mô hình xe cấp cứu 2 bánh giai đoạn 2 mở rộng trên 5 quận: quận 1, 2, 4, 10 và Thủ Đức.

Đó là kết luận của Sở Y tế trong buổi sơ kết rút kinh nghiệm sau hơn 2 tuần thí điểm triển khai mô hình xe cấp cứu 2 bánh tại Trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại Bệnh viện đa khoa Sài gòn.

Theo báo cáo, sau hơn 2 tuần triển khai thí điểm thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh, trong tổng số 67 cuộc gọi cấp cứu 115 của người dân trên địa bàn quận 1 được tổng đài chuyển đến Trạm cấp cứu vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa Sài gòn, đã có 26 lần trạm cấp cứu của BV điều xe cấp cứu 2 bánh đi cấp cứu.

Điều đáng mừng là ý kiến của người dân đều rất hài lòng với loại hình xe cấp cứu 2 bánh vì bác sĩ đến rất nhanh so với trước đây, theo BV Sài gòn báo cáo, chỉ mất thời gian trung bình là 3-5 phút là bác sĩ đã tiếp cận người bệnh. Ngoài ra, không có sự cố nào xảy ra khi ê-kíp cấp cứu vận hành xe cấp cứu 2 bánh. Số lượt đi cấp cứu ngoại viện đã tăng 30% so với giai đoạn trước đây khi chỉ dùng xe cứu thương đi cấp cứu.

Từ đó, Bệnh viện đa khoa Sài gòn xin được tiếp tục thử nghiệm loại hình xe cấp cứu 2 bánh trong thời gian tới vì tính hiệu quả, nhất là cả nhân viên và người bệnh đều hài lòng. Bên cạnh đó, các Bệnh viện quận 2, quận 1, quận Thủ Đức, quận 4 và cả Trung tâm Cấp cứu 115 đều mong muốn được tham gia thử nghiệm bổ sung loại hình xe cấp cứu 2 bánh cho các trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các bệnh viện này.

Bác sĩ, điều dưỡng dễ dàng vận hành xe cấp cứu cơ động 2 bánh.

Sở Y tế giao phòng Nghiệp vụ Y, phòng Kế hoạch tài chính và Trung tâm Cấp cứu 115 hướng dẫn và hỗ trợ cho các đơn vị bao gồm BV quận 1, quận 2, quận 4, quận Thủ đức chuẩn bị về nguồn nhân lực, xe cấp cứu 2 bánh với đầy đủ các trang thiết bị và thuốc cấp cứu cần thiết, và nhất là thống nhất quy trình vận hành các loại xe khi có cuộc gọi cấp cứu, đảm bảo mục tiêu tiếp cận người bệnh nhanh nhất để kịp thời sơ cấp cứu, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa xe cấp cứu 2 bánh và xe cứu thương khi có bệnh nhân nặng cần chuyển về bệnh viện để điều trị.

Dự kiến thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ kéo dài trong 3 tháng, sau đó sẽ sơ kết đánh giá hiệu quả và Sở Y tế sẽ trình UBND TP và Bộ Y tế được chính thức triển khai.

Trước đó, ngày 7/11, Trạm cấp cứu 115 của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn chính thức đưa vào hoạt động thí điểm mô hình xe cấp cứu 2 bánh. Giải pháp này sẽ giúp các y, bác sĩ tiếp cận người bệnh hoặc người bị tai nạn trong thời gian nhanh nhất để kịp thời sơ, cấp cứu tại chỗ trong điều kiện xe cứu thương 4 bánh khó tiếp cận được hiện trường.

Bệnh viện Sài Gòn sử dụng loại xe tay ga có động cơ 100-125 phân khối, vừa có chi phí thấp vừa giúp cho y, bác sĩ dễ dàng vận hành, nhất là nhân viên nữ. Đây là bước đổi mới so với kế hoạch ban đầu, sử dụng xe ga phân khối lớn.

Nhóm đi cấp cứu bằng xe 2 bánh và nhóm thường trực xe cứu thương sẽ có liên hệ chặt chẽ để khi có yêu cầu cần chuyển bệnh nhân về bệnh viện thì xe cứu thương sẽ kịp thời đến để vận chuyển bệnh nhân sau khi đã được sơ, cấp cứu trước đó. Trên mỗi xe cấp cứu 2 bánh sẽ được trang bị túi đựng thuốc cấp cứu, máy sốc điện, nẹp cổ, các dụng cụ cấp cứu hô hấp, máy đo điện tim…



Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn