Tiếp tục hay nới lỏng giãn cách xã hội thời COVID-19: Các nước “đau đầu” tính kế

16-04-2020 22:03 | Quốc tế
google news

SKĐS - “Khi nào giãn cách xã hội kết thúc?” là câu hỏi đang được cả tỉ người trên thế giới quan tâm, trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu suy giảm, hơn một nửa trong số 7,8 tỷ dân trên toàn cầu phải ở trong nhà, còn kinh tế liên tục bộc lộ những dấu hiệu đi xuống đáng báo động.

Tính toán từng bước nhỏ

Ngày 16/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thống đốc của 16 bang nước này nhất trí duy trì quy định giãn cách xã hội cho đến ngày 3/5. Các nhà bán lẻ có cửa hàng rộng từ 800m2 trở xuống sẽ được phép mở cửa trở lại vào tuần tới, cùng với các đại lý xe hơi, xe đạp và các nhà sách, với điều kiện họ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội và vệ sinh. Các trường học sẽ hoạt động trở lại từ ngày 4/5, với ưu tiên dành cho học sinh, sinh viên năm cuối. Các tiệm cắt tóc cũng có thể mở cửa trở lại sau đó. Các cuộc tụ họp tôn giáo sẽ vẫn bị cấm và các nhà hàng, quán bar, quán cà phê, rạp chiếu phim và các tụ điểm âm nhạc vẫn đóng cửa, trong khi các sự kiện lớn bị cấm cho đến ngày 31/8.

“Chúng tôi đang tiến những bước nhỏ. Đây là một tình huống mong manh mà chúng ta phải thận trọng, không được phép hồ hởi” - bà Merkel phát biểu. Tính đến ngày 16/4, Đức hiện là nước có số ca nhiễm virus được xác nhận cao thứ 5 thế giới, với 134.753 trường hợp, nhưng tỷ lệ tử vong nằm ở dưới 3% với 3.804 người chết.

Hiện Áo đã mở lại những cửa hàng buôn bán nhỏ sau lễ Phục sinh. Đan Mạch mở lại nhà trẻ, mẫu giáo và trường tiểu học vào ngày 15/4. Na Uy cho rằng tình hình dịch bệnh “đã được kiểm soát” và sẽ từng bước mở lại trường học từ ngày 27/4. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo sẽ gia hạn thêm lệnh phong tỏa sau ngày 15/4, kế tiếp có thể áp dụng những biện pháp nới lỏng từng bước, thay vì toàn bộ.

Trong cuộc họp nội các liên bang mở rộng diễn ra vào ngày 16/4, chính quyền Australia bắt đầu cân nhắc về thời điểm nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt khẳng định nước này vẫn “đang rất thận trọng vì không muốn xuất hiện làn sóng thứ hai của dịch”.

Tiếp tục hay nới lỏng giãn cách xã hội thời COVID-19Một số quốc gia nới lỏng lệnh hạn chế.

Việc đưa học sinh quay trở lại trường học đang có sự khác biệt trong quan điểm giữa các bang tại Australia. Thủ tướng Australia Scott Morrison, ngày 16/4, kêu gọi các thầy cô ủng hộ việc học sinh quay trở lại trường học. Tuy nhiên, bang Victoria cho rằng, cho đến lúc này, kế hoạch của bang vẫn là những em học sinh không đến trường vẫn học trực tuyến cho cả học kỳ hai. Còn bang New South Wales vẫn để ngỏ khả năng học sinh có thể quay trở lại trường học từ tuần thứ 3 của học kỳ hai.

Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 16/4, tuyên bố nước này đã qua thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch COVID và các hướng dẫn mở cửa lại nền kinh tế Mỹ sẽ được công bố trong ngày 17/4. “Chúng ta sẽ mở cửa lại các bang, một số bang sẽ mở cửa sớm hơn. Chúng tôi nghĩ một số bang có thể mở cửa trở lại trước hạn chót là ngày 1/5” - ông Trump cho hay.

Cứu mạng người, giúp cho  nền kinh tế về dài hạn

Tạp chí Forbes (Mỹ), mới đây, đã ví von việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm trong khi COVID-19 vẫn còn lây lan trong cộng đồng giống như việc tổ chức tiệc rượu và phô mai trong lúc đối phó với lũ chuột phá hoại, tạo điều kiện để “gọi mời” chúng.

Tiến sĩ người Mỹ Anthony Fauci, chuyên gia kỳ cựu về đại dịch, khuyến cáo rằng Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế vào tháng 5 tới, nhưng nếu việc mở cửa lại hoạt động như một “công tắc đèn”, dịch bệnh có thể sẽ nhanh chóng tấn công trở lại.

Nghiên cứu công bố gần đây của các nhà kinh tế học Sergio Correia, Stephan Luck và Emil Verner ở Mỹ cho rằng dù trực tiếp làm giảm hoạt động kinh tế khi mà nhiều người phải nghỉ việc và nhiều ngành kinh doanh đóng cửa, nhưng biện pháp giãn cách xã hội lại gián tiếp giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn sau dịch khi mà số người chết không quá nhiều.Nếu người chết quá nhiều, sẽ có tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Nói cách khác, giữ được nhiều mạng người sẽ giữ được nguồn nhân lực dồi dào giúp vực dậy nền kinh tế. Một nghiên cứu về đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 cho thấy tại Mỹ, các thành phố thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt sớm hơn đã gặt hái được các lợi ích kinh tế.


Hà Anh
Ý kiến của bạn