Tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có tất cả 49.445 người mắc bệnh sốt xuất huyết dengue và cao hơn cùng kỳ năm 2018 139% (20.707 người). TPHCM là nơi phát hiện nhiều bệnh nhất (715 người), tiếp theo là tỉnh Đồng Nai (294 người) và tỉnh Bình Phước (225 người).
Trong tuần cũng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết dengue. Tính từ đầu năm đã có tất cả 6 trường hợp tử vong.
Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh các bác sĩ cho biết, năm nay, số ca sốt xuất huyết nhập viện cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, từ ngày 1 đến 28/6, bệnh viện này tiếp nhận 798 ca nhập viện do sốt xuất huyết, trong khi cùng thời gian này năm ngoái, số bệnh nhân nhập viện chỉ ghi nhận 403 ca. Chỉ tính riêng trong ngày 28/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới quản lý 151 bệnh nhân bị sốt xuất huyết, trong đó có 25 trẻ em. Trong số các trường hợp nhập viện, 10 ca nặng cả người lớn lẫn trẻ em phải nằm phòng hồi sức tích cực và thở máy.
Khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại khoa nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố HCM.
Đáng chú ý, tuần vừa qua đã có 2 ca tử vong từ địa phương khác được chuyển đến trong tình trạng nặng, trong đó 1 người lớn và 1 trẻ em. Hai trường hợp này đều có cơ địa đặc biệt và mang các bệnh khác.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết phần lớn người bị sốt xuất huyết không biết mình bị muỗi đốt vào lúc nào nên nhiều trường hợp chủ quan. Thông thường, với các bệnh truyền nhiễm khác, lúc hạ sốt thì người bệnh đã khỏe hơn, bệnh có dấu hiệu nhẹ đi nhưng đối với sốt xuất huyết khi hạ sốt lại là thời điểm người bệnh dễ bị nặng nhất. Đối với những người có cơ địa đặc biệt hay mang các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tình hình bệnh dễ diễn tiến nặng. Riêng phụ nữ có thai, khi mắc sốt xuất huyết dễ dẫn đến sinh non. Những ca sốt xuất huyết ở người béo phì thì tỉ lệ tử vong cao hơn.
Thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới năm 2018 cho thấy, có gần 10 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nhưng có đến hơn một nửa trong số này có cơ địa béo phì. Vì vậy phải chú trọng nhiều hơn đến các bệnh nhân bị sốt xuất huyết béo phì. Vì vậy, để phòng ngừa sốt xuất huyết người dân cần tăng cường diệt muỗi, diệt lăng quăng và ngừa muỗi đốt cho bản thân và gia đình. Những ngày đầu khởi phát bệnh, các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết rất khó phân biệt với các bệnh lý khác cũng gây sốt ở trẻ như tay chân miệng, sốt phát ban, cảm... Khi thấy trẻ sốt cao từ hai ngày trở đi, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm phát hiện sớm. Dù mùa dịch sốt xuất huyết mới chỉ còn chưa bắt đầu nhưng thời tiết mưa liên tục khiến muỗi sinh sôi nhanh hơn. Đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng người dân nhập viện do sốt xuất huyết. Do đó, người dân cần chú ý các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt, BS Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ khớp, nhức đầu, đau phía sau mắt… người dân cần nghĩ đến sốt xuất huyết và đến bệnh viện điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng, nguy hiểm đến tính mạng… Ngoài ra, đối với trẻ em béo phì hoặc người lớn thừa cân khi mắc sốt xuất huyết bệnh thường diễn tiến nặng hơn.