Điều trị methadone - giải pháp vàng về can thiệp giảm hại cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện
Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, tại Việt Nam điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone vẫn là một giải pháp vàng về can thiệp giảm tác hại cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Tính đến nay, sau hơn 15 năm triển khai, tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 50.581 tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố.
Bệnh nhân hàng ngày phải đến cơ sở điều trị để uống thuốc methadone.
Hiệu quả của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cũng đã được chứng minh như:
- Giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị và từ nhóm bệnh nhân ra cộng đồng;
- Giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp cả về tần suất và số lượng, từ đó giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy bất hợp pháp;
- Giảm hành vi vi phạm pháp luật trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị;
- Đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho cá nhân, gia đình bệnh nhân và xã hội.
Tuy nhiên, do đây là biện pháp điều trị lâu dài, hàng ngày người bệnh phải đến uống thuốc tại cơ sở y tế nên việc triển khai điều trị methadone cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất là với bệnh nhân, dẫn đến việc tuân thủ điều trị còn hạn chế và tỷ lệ bỏ cuộc còn cao.
Nguyên nhân bỏ trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, trong một thời gian liên tục nhiều năm. Ngoài ra, do đặc thù công việc của bệnh nhân (lái xe, ngư dân...) phải đi làm việc xa nhà thường xuyên, nên không thể đến uống thuốc hàng ngày.
Trong gần 3 năm vừa qua, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội trên toàn thế giới. Đối với các bệnh lý thông thường khác đã gặp nhiều khó khăn thì đối với nhóm bệnh nhân điều trị methadone càng gặp khó khăn gấp bội. Trong bối cảnh đó, tháng 5/2021 Đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện chính thức được triển khai tại Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng.
Duy trì và mở rộng phát thuốc methadone nhiều ngày
Cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho bệnh nhân.
ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, việc cấp phát thuốc nhiều ngày bên cạnh những hiệu quả về sức khỏe còn tạo thuận lợi hơn cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân ở khu vực miền núi, địa bàn đi lại khó khăn. Thay vì hàng ngày người bệnh phải đi đến cơ sở điều trị để uống thuốc, người bệnh có thể mang thuốc về và sử dụng tại nhà. Mỗi lần đến uống thuốc sẽ được mang từ 1 đến 10 ngày thuốc về nhà uống.
Theo đó, người bệnh có thể chủ động bố trí thời gian để tìm kiếm việc làm, lao động, sản xuất, giúp đỡ gia đình và ổn định cuộc sống. Người bệnh không phải đi lại hàng ngày do đó giảm tụ tập tại cơ sở điều trị, góp phần ổn định an toàn, trật tự xã hội. Nhiều người bệnh chưa đủ điều kiện mang thuốc nhiều ngày về nhà sẽ có động lực phấn đấu để được mang thuốc về nhà.
Đối với cơ sở điều trị, việc triển khai cấp thuốc nhiều ngày giúp giảm thời gian bệnh nhân trực tiếp đến cơ sở, giảm tụ tập đông tại cơ sở điều trị, tránh lây nhiễm chéo và đặc biệt phù hợp trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam trong 2 năm vừa qua.
Sau 1 năm triển khai thí điểm với những kết quả đáng ghi nhận, Đề án đã được tiếp tục mở rộng thêm tại Nghệ An, Bắc Giang và Lào Cai. Trong giai đoạn năm 2023-2024, Đề án tiếp tục duy trì và mở rộng cấp thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại 6 tỉnh, thành phố. Đến ngày 31/10/2023, hiện đang có khoảng gần 2.500 bệnh nhân được cấp thuốc methadone nhiều ngày.
Hiện, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn cho việc triển khai mở rộng cấp thuốc methadone nhiều ngày.
Cấp thuốc methadone nhiều ngày đã khẳng định được tính ưu việt như: Góp phần cải thiện sức khỏe người bệnh; giảm lây nhiễm HIV, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh; đồng thời giúp cho người bệnh phát triển kinh tế của gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện…
Bên cạnh đó, cán bộ y tế cũng chủ động đặt lịch hẹn bệnh nhân đến nhận thuốc và khám theo đúng thời gian quy định. Từ đó việc khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân không bị dồn dập vào thời gian đầu giờ buổi sáng, có thể giảm áp lực cho cơ sở điều trị và bệnh nhân.
Mời độc giả xem thêm video:
Phát Huy Vai Trò Của Các Nhóm CBO Trong Phòng Chống HIV/AIDS Cho Nhóm MSM |SKĐS