Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT

15-05-2019 15:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngành Y tế và BHXH Việt Nam cần tiếp tục phối hợp đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia BHYT, đảm bảo các cơ sở KCB có nguồn thu hợp lý, xứng đáng và đặc biệt phải đảm bảo minh bạch chính sách, cân đối, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ.

Hôm qua, 14/5 tại Hà Nội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban thực hiện chính sách BHYT quý I/2019. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì hội nghị.

Tham gia hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và BHXH Việt Nam; đại diện Bộ Tài Chính, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân, BHXH TP.Hà Nội và một số bệnh viện tuyến Trung ương.

Tại hội nghị, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cùng thảo luận đánh giá khái quát công tác quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Cả nước hiện có trên 83,4 triệu người tham gia BHYT

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, trong quý I, Bộ Tài chính cùng với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất trình Chính phủ ban hành Quyết định 22/QĐ-TTg về dự toán chi  khám chữa bệnh (KCB) BHYT năm 2019; đồng thời, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 01/TT-BYT quy định việc điều trị nội trú ban ngày tại cơ sở KCB BHYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Về Đề án sửa đổi Luật BHYT, Bộ Y tế đang hoàn thiện báo cáo và phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá thực hiện luật và khuyến nghị, định hướng sửa đổi Luật BHYT.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong thực hiện pháp luật về BHYT. Tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, kiểm tra, giám sát, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong việc áp dụng bộ mã danh mục dùng chung, trích chuyển dữ liệu khi có sự thay đổi quy định về giá dịch vụ KCB theo Thông tư 39/2018/TT-BYT.

Ngoài ra, nhiều văn bản, đề án khác cũng đang được xây dựng, hoàn thiện như: Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 146/2018/NĐ-CP; Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư 30 về danh mục thuốc BHYT; Thông tư hướng dẫn việc thanh toán chi phí KCB theo định suất; Đề án sửa đổi Luật BHYT; Thông tư hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng KCB ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán chi phí KCB…

Ông Nguyễn Tá Tỉnh- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng thông tin thêm, tính đến hết quý I/2019, cả nước có trên 83,4 triệu người tham gia BHYT, đạt 98% kế hoạch, trong đó có 15,7 triệu người tham gia theo diện hộ gia đình, với tổng số thu đạt 22,2% kế hoạch Chính phủ giao.

Trong khi đó, tổng chi KCB BHYT trong toàn quốc là 22.697 tỉ đồng, với hơn 41,7 triệu lượt người KCB BHYT. Cũng trong năm nay, cả nước có 2.429 cơ sở KCB được ký hợp đồng KCB BHYT, tăng 113 cơ sở so với năm ngoái; tỉ lệ liên thông dữ liệu KCB BHYT trên toàn quốc đạt 97,82%.

Đối với tình hình thực hiện dự toán chi năm 2019, BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động báo cáo UBND tỉnh thông báo số tạm giao kinh phí KCB BHYT cho từng cơ sở KCB ngay từ tháng 1/2019, để các cơ sở chủ động sử dụng hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế ban hành kế hoạch chỉ đạo cơ sở KCB nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí theo dự toán đã được Thủ tướng giao…

Người tham gia BHYT luôn được đảm bảo quyền lợi khi đi khám chữa bệnh

Tại cuộc họp, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng thảo luận, nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện chính sách BHYT hiện nay, rất cần sự thống nhất giải quyết, phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia BHYT, đảm bảo các cơ sở KCB có nguồn thu hợp lý, xứng đáng, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ

Phát biểu tại hội nghị giao ban, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, là cơ quan được giao tổ chức, thực hiện chính sách BHYT; qua thực tế, BHXH Việt Nam đã phát hiện một số tồn tại, vướng mắc và luôn kịp thời kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để tìm cách khắc phục, tháo gỡ.

Đặc biệt, theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, các đơn vị của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất triển khai mô hình giám định BHYT theo tỉ lệ, theo chuyên đề để vừa phù hợp thực tiễn, vừa nhằm hạn chế trục lợi quỹ. Bên cạnh đó, cùng đồng hành và phối hợp chặt chẽ trong việc thẩm định nguyên nhân vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT.

Đề cao vai trò của hội nghị giao ban giữa hai ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ phải tăng cường hơn nữa quy chế phối hợp. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ có văn bản trả lời thấu đáo, kịp thời đối với các đề xuất của BHXH Việt Nam; đồng thời đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các địa phương triển khai thực hiện theo quy định.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực BHYT thời gian qua, đặc biệt là tỷ lệ bao phủ BHYT không ngừng tăng lên, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; chất lượng KCB BHYT được cải thiện với danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật được mở rộng dù mệnh giá thẻ BHYT còn khiêm tốn.

Về những khó khăn, vướng mắc đang xảy ra trong thực hiện chính sách BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các Vụ, Cục của Bộ tiếp tục nghiên cứu, thống nhất giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc xoay quanh các vấn đề: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, danh mục thuốc, vật tư y tế, đấu thầu thuốc tập trung, điều trị nội trú, tổ chức hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực… Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, hai ngành cần tiếp tục phối hợp đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia BHYT, đảm bảo các cơ sở KCB có nguồn thu hợp lý, xứng đáng và đặc biệt phải đảm bảo minh bạch chính sách, cân đối, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhận định, hiện BHXH Việt Nam đang thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành với nguồn dữ liệu tập trung toàn quốc. Do đó, việc chia sẻ thông tin giữa 2 Ngành là rất có giá trị. Tuy nhiên, trong chia sẻ thông tin, các đơn vị của Bộ Y tế cần xác định rõ số liệu, thông tin cần chia sẻ đảm bảo nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của 2 Ngành


Thái Bình
Ý kiến của bạn