Tiếp thị cải lương với du khách ngoại

29-02-2012 08:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đó là mục đích nhắm tới của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Diễn cải lương bằng tiếng Anh? Xem ra có vẻ quá táo bạo với bộ môn nghệ thuật truyền thống này bởi chuyển nghĩa được lời ca với nhiều tầng ngữ nghĩa sang tiếng Anh không phải điều dễ làm.

Đó là mục đích nhắm tới của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Diễn cải lương bằng tiếng Anh? Xem ra có vẻ quá táo bạo với bộ môn nghệ thuật truyền thống này bởi chuyển nghĩa được lời ca với nhiều tầng ngữ nghĩa sang tiếng Anh không phải điều dễ làm. Nhưng Nhà hát Cải lương Hà Nội đã bắt tay vào cuộc thử nghiệm này một cách đầy quyết tâm theo cách làm của riêng mình.

Sở hữu rạp Chuông Vàng nằm ngay khu trung tâm phố cổ (72 Hàng Bạc) - nơi từng gắn với thời vàng son của đoàn cải lương Chuông Vàng và Kim Phụng trước đây, với một lớp khán giả ghiền cải lương đến độ thuộc làu nhiều tích tuồng, trích đoạn. Đau đáu với quá khứ oanh liệt đó, ông Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội - NSƯT Trần Quang Hùng luôn trăn trở: làm sao để rạp Chuông Vàng luôn đỏ đèn, làm sao để khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương và làm sao để cả du khách nước ngoài cũng phải bước chân vào nhà hát? Thế là bên cạnh các vở cải lương truyền thống, lịch sử, dã sử, dân gian vốn là thế mạnh của cải lương, ông Giám đốc trẻ mạnh dạn bắt tay với các tác giả, liên tục cho ra các vở cải lương đề tài hiện đại: Mẹ của chúng con, Khi hoa nở trái mùa… đã bắt đầu mời gọi được khán giả bởi ở đó có những câu chuyện, những chia sẻ gần gũi với họ.
 Điệu múa Chăm - tiết mục trong chương trình giới thiệu cải lương với khách quốc tế.

Không dừng lại ở đó, không nỡ để địa chỉ vàng với cái tên rất gợi: Chuông Vàng, nằm ở ngay con phố sầm uất, là nơi mật độ khách du lịch nước ngoài qua lại tấp nập, nhà hát lại nghĩ ra chiêu thức mới, diễn cải lương bằng tiếng Anh. Tháng 8/2011, nhà hát đã diễn vở Mệnh đế vương với hình thức dịch lời ra tiếng Anh rồi ghi vào đĩa CD. Khán giả nước ngoài vừa xem vở diễn vừa nghe lời dịch qua hệ thống tai nghe. Ban đầu, khán giả cũng cảm thấy thích thú với một hình thức hoạt động mới mẻ của sân khấu cải lương, nhưng sự hiếu kỳ cũng không gây được thành hiện tượng của sân khấu cải lương bởi tính hiệu quả của nó. Một vở diễn dài tới 2 tiếng đồng hồ, nguyên chỉ việc kịp nghe và hiểu nội dung vở diễn đã là điều quá khó với khán giả ngoại quốc khi mà nghệ thuật sân khấu ở mỗi nước mang bản sắc riêng.

Trong đầu ông Giám đốc Trần Quang Hùng luôn luôn là câu hỏi trở đi trở lại: phải biến rạp Chuông Vàng thành một địa chỉ vàng trong tuor du lịch phố cổ. Gần đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa công diễn một chương trình nghệ thuật thử nghiệm mới gồm 7 tiết mục trong hơn 1 giờ đồng hồ gồm màn trống hội, bài ca cải lương Dạ cổ hoài lang, bài hát Lý ngựa ô, vở kịch ngắn Kẻ trộm đêm giao thừa, múa Chăm, bài hát tân cổ Tình yêu trên dòng sông quan họ và múa sáo. Khán giả nước ngoài vừa xem vừa nghe lời dịch qua tai nghe, nhưng là dịch trực tiếp trong từng tiết mục với ngữ âm diễn xuất phù hợp sắc thái tình cảm và giới thiệu về những nét đẹp của lời ca, tiếng hát cùng giá trị của các tiết mục đang được diễn trên sân khấu tạo sự cuốn hút.

Với một chương trình nghệ thuật tổng hợp mang đậm màu sắc dân tộc, có thể chương trình thử nghiệm lần thứ hai của Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ hấp dẫn khán giả bởi đưa được làn điệu dân ca các vùng miền, bởi những màn múa sáo, múa Chăm đẹp mắt, màn trống hội lôi cuốn và ở sự ca diễn duyên dáng của nghệ sĩ. Nhưng nếu xét ở góc độ giới thiệu nghệ thuật cải lương cho du khách thì mục đích nghệ thuật của chương trình chưa rõ ràng. Nên chăng cần tăng chất cải lương cho chương trình bằng cách xây dựng kết cấu chương trình bài bản hơn để du khách có được sự hình dung về sự phát triển hay đặc trưng của nghệ thuật cải lương thì mới đúng với chức năng của nhà hát.
 
Độc đáo biết bao nếu chương trình có tiết mục hòa tấu của dàn nhạc dân tộc với sự xuất hiện của cây ghi-ta phím lõm - một đặc sản của âm nhạc cải lương, hay có thể sắp xếp khéo léo các tiết mục bằng việc qua các điệu dân ca Nam Bộ sẽ thấy các điệu lý vào cải lương ra sao, rồi hát thính phòng, ca ra bộ, hát chập và diễn trích đoạn để ra một đêm diễn của nghệ thuật cải lương. Làm được như thế mới đúng với mong muốn của nhà hát là phối hợp với các công ty lữ hành, các tổ chức nước ngoài tại Hà Nội để quảng bá nghệ thuật cải lương.

Lan Hương


Ý kiến của bạn