Tiếp sức cho văn học thiếu nhi

31-05-2011 11:13 | Văn hóa – Giải trí

Được triển khai từ năm 2006, Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch do Hiệp hội nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp thực hiện vừa kết thúc giai đoạn 1. Không quá ồn ào nhưng rất thiết thực và hiệu quả,

Được triển khai từ năm 2006, Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch do Hiệp hội nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp thực hiện vừa kết thúc giai đoạn 1. Không quá ồn ào nhưng rất thiết thực và hiệu quả, các chuỗi hoạt động đa dạng, trải rộng trên khắp các vùng miền trong khuôn khổ dự án thực sự đã thổi một luồng gió mới vào không khí vốn trầm lắng của văn học thiếu nhi Việt Nam bấy lâu nay.

Những món quà đặc biệt

Đem 900 đầu sách với gần 13.000 bản sách mới đến tận tay trẻ em ở khắp các vùng miền; Thành lập và duy trì hoạt động 15 CLB đọc sách tại nhiều tỉnh thành; Tổ chức 4 cuộc vận động sáng tác, 16 trại sáng tác và hội thảo tọa đàm, thu gần 1.700 tác phẩm với 51 giải thưởng được trao; Xuất bản 15 tập truyện tranh, 9 tập truyện ngắn… Đó chưa phải là tất cả những gì mà Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch mang đến cho thiếu nhi Việt Nam trong suốt 5 năm qua.

Món quà đầu tiên dành tặng bạn đọc nhỏ tuổi cả nước là chương trình “Chuyến tàu kể chuyện”. Bằng các cuộc hành trình đi đến các địa phương trong cả nước, các nhà văn, họa sĩ Việt Nam, Đan Mạch đã có nhiều buổi giao lưu với thiếu nhi, kể chuyện cho thiếu nhi và trao tặng sách, hỗ trợ thành lập các CLB bạn đọc nhỏ tuổi... Trong 5 năm thực hiện, chương trình đã thành lập được 15 CLB đọc sách tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tặng hàng nghìn bản sách cho các CLB bạn đọc và hướng dẫn cách đọc sách cho các em.

Thông qua 16 cuộc hội thảo, tọa đàm, trại sáng tác, trao đổi kinh nghiệm, Dự án đã giúp hàng trăm tác giả văn học thiếu nhi ở VN có được phong cách sáng tác chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó sáng tạo ra nhiều hơn nữa những tác phẩm hay cho thiếu nhi. Bà Lê Thị Dắt - Giám đốc dự án cho biết: Trong khi cả thế giới đang chạy theo phong cách sáng tác giả tưởng huyền ảo – dạng sáng tác được các bạn đọc nhỏ tuổi hết sức ưa chuộng thì ở VN còn rất ít tác giả sáng tác được theo phong cách này. Thậm chí nhiều tác giả còn không biết thế nào là giả tưởng, huyền ảo. Nhưng sau khi tham gia dự án, khá nhiều tác phẩm giả tưởng huyền ảo “made in Việt Nam” xuất hiện và được đón nhận. Ngoài chuyện được học hỏi, giao lưu, cập nhật thông tin…, các nhà văn VN còn học được cách phối hợp với các họa sĩ trong quá trình hoàn thiện tác phẩm, giúp cho tác phẩm thêm hoàn hảo, hấp dẫn các em.

Các cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi là món quà thứ ba giàu ý nghĩa nhất mà dự án mang lại cho thiếu nhi VN. Trải qua 4 cuộc vận động sáng tác với các chủ đề: Tình bạn tuổi thơ (2006-2007), Một ngày kỳ lạ (2007 - 2008), Bước qua hai thế giới (2008 - 2009); Đối thoại với thiên nhiên (2009-2010), Dự án đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn quốc. Kết quả: hơn 50 tác phẩm xuất sắc có nội dung và cách thể hiện lôi cuốn, sinh động, giàu tính văn học, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi đã được lựa chọn để trao giải thưởng và xuất bản. Số lượng tác phẩm này đã làm đầy thêm tủ sách thiếu nhi VN vốn luôn trong tình trạng khan hiếm bấy lâu nay.

 Cần rèn luyện cho các em có thói quen đọc sách.

Và rất nhiều hy vọng

Không thể phủ nhận, “cái bắt tay” hợp tác với “xứ sở truyện cổ Andersen” đã góp phần tạo nên sức sống cho mảng văn học thiếu nhi ở VN trong 5 năm qua. Nhìn vào con số mỗi năm có từ 200 - 800 tác phẩm được gửi đến tham dự các cuộc vận động sáng tác trong khuôn khổ dự án mới thấy, hóa ra những người viết cho thiếu nhi không hiếm như ta vẫn tưởng. Có cả trăm người viết tha thiết với mảng văn học này. Chỉ có điều, xung quanh họ là vô vàn dấu hỏi về cơm áo gạo tiền, về xuất bản phát hành… nên họ chưa có cơ hội và điều kiện tốt để sáng tác. Dự án hợp tác lần này đã bước đầu khơi nguồn tiềm năng người viết có sẵn trong văn học Việt mà bấy lâu nay chưa được đánh thức. Hy vọng từ đó sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay cho thiếu nhi, giúp văn học thiếu nhi VN dần trở nên có ảnh hưởng và sức hút đối với trẻ em.

Ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: “Bằng cách nâng cao năng lực sáng tác cho các tác giả VN, đồng thời đưa các tác phẩm tiếp cận trực diện với thiếu nhi ở khắp các vùng miền, chúng tôi muốn khơi gợi để các em tự tìm đến với văn học của đất nước mình. Tôi mong rằng dự án này sẽ góp phần nâng cao chất lượng của văn học nội địa, lấp kín lỗ hổng về sự thiếu vắng các tác phẩm giá trị dành cho thiếu nhi VN, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng cao của các em, đồng thời mở ra cho các em một thế giới sinh động nhiều màu sắc và kết nối vòng tay bè bạn cùng trẻ em Đan Mạch cũng như trẻ em toàn thế giới”.

Được biết, sau thành công của giai đoạn 1, Đan Mạch đã tiếp tục ký kết Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi VN giai đoạn 2 (2011 - 2015)với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 8 tỷ đồng. Dự án sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tổ chức sáng tác, in sách cho thiếu nhi, nâng cao chất lượng sáng tác cho các cây bút trẻ, mang các cuốn sách hay đến cho thiếu nhi ở khắp mọi miền Tổ quốc...  Với con đường mà Dự án đang mở ra, có thể thấy rất nhiều hy vọng về một tương lai tươi sáng cho văn học thiếu nhi – mảng văn học còn nhiều bất cập hiện nay – đang được thắp lên!  

Liên Nhâm


Ý kiến của bạn