Hà Nội

Tiếp nhận kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

09-11-2018 09:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vừa qua, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa và chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình khám sàng lọc và chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần (RFA).

ThS. BSCKII Nguyễn Tuấn Hải, Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai đã thăm khám và tư vấn điều trị cho hơn 40 bệnh nhân đến từ Kon Tum, Gia Lai, Bình Định có các triệu chứng tê, nhức, chuột rút 2 chân và các dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Dịp này, TS. Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đã chủ trì tổ chức hội thảo khoa học và dự chuyển giao kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần (RFA). Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm 15 - 25% đối với người trưởng thành (từ độ tuổi trên 65 tuổi tỉ lệ người mắc bệnh có thể lên tới > 50%). Phụ nữ là những người dễ mắc phải bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, chiếm 70% do sự thay đổi về hormon (chu kỳ kinh nguyệt, mang thai) và trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (đứng nhiều, mang giày cao gót, yếu tố nghề nghiệp…).

Tiếp nhận kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dướiCác bác sĩ học tập phương pháp siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch gây cảm giác tê cứng, kiến bò, bị chuột rút về đêm. Dấu hiệu nhận biết: sưng chân, sạm da, nổi gân xanh gây mất thẩm mỹ, có thể dẫn tới biến chứng loét làm ảnh hưởng tới khả năng lao động và sinh hoạt.

BS. Nguyễn Tuấn Hải cũng chia sẻ kiến thức về bệnh lý và nêu ra một số phương pháp điều trị cho bệnh nhân suy, giãn tĩnh mạch chi dưới và tập trung trình bày chi tiết quy trình điều trị bệnh suy, giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần (RFA) cũng như đánh giá những ưu điểm vượt trội của phương pháp mới này so với các phương pháp điều trị cũ.

Do tính chất ít xâm lấn, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh hơn so với điều trị bằng phẫu thuật kinh điển. Bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng, trở lại với các hoạt động sinh hoạt hằng ngày trong 12 giờ ngay sau thủ thuật. Việc tập luyện và chơi thể thao sẽ trở lại bình thường sau 1 tuần.


PV
Ý kiến của bạn