Tiếp diễn tình trạng trâu chết, Quảng Trị cấp bách phòng dịch bùng phát

16-02-2025 08:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau khi ghi nhận tình trạng trâu bị chết, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, đặc biệt tiêm vaccine điều trị dự phòng cho đàn trâu bò ở địa phương có dịch.

Người dân sẽ không được hỗ trợ

Ngày 16/2, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay, tình hình dịch bệnh trâu bò tại xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong) ổn định.

Tiếp diễn tình trạng trâu chết, Quảng Trị cấp bách phòng dịch bùng phát- Ảnh 1.

Tính đến ngày 14/2, tại Quảng Trị có 37 con trâu, bò chết.

Tuy nhiên, tại xã Ba Lòng (huyện Đakrông) từ ngày 11 - 14/2 vẫn xuất hiện 3 con trâu, bò chết với các triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng thể cấp tính. Tính đến ngày 14/2, tổng số trâu, bò chết tại 2 địa phương trên là 37 con (34 trâu, 2 bò và 1 bê), trong đó 26 con được phát hiện chết tại xã Triệu Ái.

Hiện ngành thú y đang tiếp tục tiêm kháng sinh điều trị dự phòng cho số trâu bò hiện có tại địa phương có trâu, bò bị chết.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng trâu bò và lở mồm long móng vụ xuân 2025 sớm hơn theo kế hoạch, đặc biệt địa phương giáp ranh với các ổ dịch.

Theo ông Nguyễn Phú Quốc, việc hàng chục con trâu, bò của người dân bị chết do bệnh tụ huyết trùng gây thiệt hại nặng, tuy nhiên các hộ dân sẽ không được hỗ trợ.

"Bệnh tụ huyết trùng là bệnh thường xuyên, không nằm trong diện được hỗ trợ theo quy định của Nghị định 09. Trường hợp trâu, bò bị lở mồm long móng, viêm da nổi cục, phát sinh thành dịch và phải tổ chức tiêu hủy để phòng dịch mới được hỗ trợ", ông Nguyễn Phú Quốc nói.

Phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu bò

Ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra, thể hiện đặc trưng là tụ huyết và xuất huyết ở các vùng da mỏng trên cơ thể. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa và thời điểm chuyển mùa.

Theo ông An, để phòng bệnh cho đàn trâu bò, các hộ chăn nuôi cải tạo, sửa chữa, gia cố chuồng trại đảm bảo cao ráo, chắc chắn, tránh nắng hắt, gió lùa, ấm về mùa Đông và thoáng mát về mùa Hè.

Khi nhập con giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly ít nhất 14 ngày nếu khỏe mạnh. Khai báo để thực hiện quản lý đàn, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Trị cho hay, quá trình chăm sóc, cho vật nuôi ăn, uống đầy đủ, đúng khẩu phần đảm bảo chất lượng. Thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò.

Hàng ngày phải quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác để ủ, đốt hoặc chôn. Định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột và các loại hóa chất sát trùng. Khi không có dịch thực hiện 1 lần/tuần, khi có dịch 2 lần/tuần.

"Để phòng bệnh tụ huyết trùng, thực hiện tiêm phòng triệt để vaccine cho đàn trâu, bò định kỳ từ 1-2 lần/năm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thường xuyên rà soát tổng đàn để tổ chức tiêm bổ sung kịp thời", ông An khuyến cáo.

Nguyên nhân trâu chết hàng loạt trong rừng ở Quảng TrịNguyên nhân trâu chết hàng loạt trong rừng ở Quảng Trị

SKĐS - Theo cơ quan chức năng, kết quả xét nghiệm mẫu trâu chết tại Quảng Trị phát hiện vi khuẩn Pasteurella multocida gây bệnh tụ huyết trùng...


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn