Tiếp cận viên cộng đồng cầu nối giữa nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV

25-11-2023 08:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Các nhân viên tiếp cận cộng đồng đã đóng góp phát hiện nhiều người nhiễm HIV mới, đồng thời là cầu nối cơ bản giữa nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao, đóng góp vào việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh

Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 với chủ "Cộng đồng sáng tạo - quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Đây là thông điệp nhằm kêu gọi các bộ ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các khu công nghiệp, các tổ chức cộng đồng… triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS. Chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp cận viên cộng đồng cầu nối giữa nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV
- Ảnh 1.

Tiếp cận viên cộng đồng là cầu nối giữa nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,1% năm 2021) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 2,5% năm 2022). Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1%. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022). Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng đầu năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16-29 tuổi chiếm 41,7%. Công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).

Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm cho thấy xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16-29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.

Điều đáng lo ngại tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15-24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.

Tiếp cận viên cộng đồng cầu nối giữa nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV
- Ảnh 2.

Bản Ná Sành, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An) có đến 51 trường hợp nhiễm HIV.

Tại Nghệ An tính đến nay đã phát hiện 10.897 người nhiễm HIV, trong đó tử vong hơn 4.400 người. Số người nhiễm trẻ hóa đang tăng cao, đến tháng 10/2023 theo thống kê ở lứa tuổi 20 – 29 tuổi là 5,281 trường hợp (Chiếm 48, 4%); Ở lứa tuổi 30 – 39 là 3671 trường hợp (Chiếm 33,6%); Số người nhiễm HIV của tỉnh hiện nay đa số là nam giới (chiếm 78,18%).

Đứng trước tình hình đó, Ngành y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS một cách thiết thực và có hiệu quả. Mặc dù dịch HIV/AIDS ở cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng có xu hướng giảm, nhưng chưa bền vững, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Các nhóm đồng đẳng góp phần ngăn chặn việc lây lan HIV

Nhận thức rõ điều đó, trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, Khoa phòng, chống HIV/AIDS đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị số 07-CT/TW và Kế hoạch số 562/KH - UBND ngày 06/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trên địa bàn Nghệ An trước năm 2030. Chủ động phối hợp với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích để cung cấp dịch vụ từ dự phòng đến điều trị và chăm sóc toàn diện.

Tiếp cận viên cộng đồng cầu nối giữa nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV
- Ảnh 3.

Tiếp cận viên cộng đồng tư vẫn cho người nhiễm HIV phòng tránh cho người thân trong gia đình, xã hội.

Đẩy mạnh truyền thông trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ… Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên nền tảng internet như Zalo, facebook… Số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được quản lý và điều trị ngày càng tăng. Việc điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV đã giúp họ ổn định sức khỏe, tâm lý để hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Nhiều người nhiễm HIV không lây cho vợ, chồng; nhiều cặp vợ chồng vẫn có thể sinh con không bị nhiễm HIV. Nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như duy trì điều trị thuốc ARV, Nghệ An đã cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí cho người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, đến nay đã cấp được 1030 thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến huyện và xã nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý số liệu và triển khai các hoạt dộng chuyên môn.

Tiếp cận viên cộng đồng cầu nối giữa nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV
- Ảnh 4.

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn

Có thể nói, trong những năm qua, các tổ chức cộng đồng (gồm các thành viên thuộc mạng lưới, cộng đồng người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã tự nguyện hợp lực với nhau thành các nhóm) đã tích cực và sáng tạo trong các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm không chuyên, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV.

Chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao đến cơ sở y tế nhận các dịch vụ HIV/AIDS như làm xét nghiệm khẳng định HIV, điều trị ARV, điều trị methadone, điều trị PrEP. Các nhân viên tiếp cận cộng đồng đã đóng góp phát hiện nhiều người nhiễm HIV mới. Đồng thời, là cầu nối cơ bản giữa nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao, đóng góp vào việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. 

Vai trò của đội ngũ này như cánh tay nối dài của các cơ sở y tế đặc biệt hiệu quả khi dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu ở các nhóm có hành vi nguy cơ như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy và mại dâm.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tiếp cận viên cộng đồng cầu nối giữa nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV
- Ảnh 5.

Những người nhiễm HIV ở các bản làng xa được tiếp cận với thuốc điều trị.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhóm đồng đẳng viên, ông Thái Văn Nhàn - Phó khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh hiện có 30 đồng đẳng viên, hoạt động trong 6 nhóm. Dù tiền phụ cấp ít ỏi (từ vài trăm ngàn đến 1,5 triệu đồng/người/tháng) không đủ để trang trải cuộc sống, nhưng họ đều hoạt động rất tích cực, nhiệt tình, góp phần ngăn chặn việc lây lan HIV.

Ông Nhàn nhấn mạnh, một lợi thế lớn của các nhóm đồng đẳng là rất nhanh nhạy và có thể tiếp cận, truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng đích thông qua mạng xã hội như facebook; zalo, ticktok… phù hợp với thị hiếu của đối tượng đích nên thu hút sự quan tâm của cộng đồng những người có hành vi nguy cơ cao.

"Với vai trò của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua có thể khẳng định nhóm cộng đồng đã có đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch HIV tại Nghệ An. Do vậy việc huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới cũng như cần có một cơ chế chính sách để duy trì sự tham gia của các tổ chức cộng đồng bằng nguồn ngân sách địa phương là hết sức quan trọng" – ông Nhàn nói.

Thầm lặng nhóm đồng đẳng viên giúp người "có H" ở huyện biên giớiThầm lặng nhóm đồng đẳng viên giúp người 'có H' ở huyện biên giới

SKĐS - Đó là nhóm đồng đẳng viên Sao Va ở huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An). Nhóm gồm 5 thành niên vẫn hàng ngày rong ruổi trên các bản làng vùng biên để giúp đỡ người nghiện, người nhiễm HIV.

“Xưởng” bơm tinh dầu ma túy vào thuốc lá quy mô lớn ở Hà Nội | SKĐS


N. Tiến - V. Đồng
Ý kiến của bạn