Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV và khoảng hơn 200.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá như là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới.
Ðến nay, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đương đầu và đáp ứng với HIV/AIDS. Với sự cam kết và chỉ đạo quyết liệt của Ðảng và Nhà nước, trong thời gian qua Bộ Y tế cùng các bộ ngành và địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.
Độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục được mở rộng và cải thiện về chất lượng. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi ở Việt Nam.
Việt Nam cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là việc Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS. Các địa phương cũng đã tăng cường bố trí ngân sách cho chương trình này.
Tuy nhiên, sau một thời gian từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS thì những năm gần đây dịch đã có dấu hiệu gia tăng. Mỗi năm đều phát hiện hơn 10.000 trường hợp nhiễm mới. Cụ thể: Năm 2020 là 13.955, năm 2021 13.223, năm 2022 là 11.037 và 9 tháng đầu năm 2023 là 10.219 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện.
Trong số nhiễm mới được phát hiện năm 2023, hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh. Người nhiễm HIV là nam giới giữ xu hướng tăng, từ năm 2020 trở lại đây chiếm hơn 80% tổng số nhiễm HIV mới được phát hiện hàng năm.
Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam cũng đang đứng trước rất nhiều các thách thức. HIV có xu hướng trẻ hóa, độ tuổi từ 16 -29 chiếm gần 50% số người nhiễm HIV được phát hiện. Đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, tập trung cao ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Ðộ bao phủ của các dịch vụ cũng chưa đáp ứng được các mục tiêu kỳ vọng. Những thách thức này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm, cùng hành động để vượt qua.
Dựa trên phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, MSM…). Do đó, để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS, cần tăng cường triển khai, duy trì hiệu quả các hoạt động dự phòng, chăm sóc và điều trị…
Các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến để Bộ Y tế và Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu cho Ðảng và Nhà nước có những chỉ đạo kịp thời, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam chậm nhất vào năm 2030. Các chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế cũng như có các khuyến nghị cụ thể cho Việt Nam.
Mời độc giả xem thêm video:
Phát Huy Vai Trò Của Các Nhóm CBO Trong Phòng Chống HIV/AIDS Cho Nhóm MSM |SKĐS