Tiếng vọng biên cương

06-12-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Trại viết của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Cao Bằng là một niềm háo hức với 15 nhà văn khắp mọi miền đất nước.

Trại viết của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Cao Bằng là một niềm háo hức với 15 nhà văn khắp mọi miền đất nước. Hai tiếng biên cương bỗng trở nên gần gũi thiêng liêng. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ từ Huế ra được tín nhiệm làm trại trưởng nói với tôi: “Bao buổi cao đàm khoát luận, bao kiến nghị gan ruột giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nhưng không hề biết mảnh đất thiêng liêng ấy ngang dọc, nóng lạnh thế nào?”. Hai nhà thơ Trần Quang Quý và Đặng Huy Giang từng là lính biên phòng tận Kiên Giang, Phú Quốc thời chống Pôn-pốt Yêng-xa-ry nay rong ruổi lên biên cương phía Bắc chập chùng núi. Cao Bằng với bao địa danh lịch sử thiêng liêng quen thuộc như Pắc Bó, suối Lênin, núi Các Mác, quê hương Kim Đồng và những món ẩm thực đặc trưng nhớ đời.

Thác Bản Giốc.

Ngay từ đêm đầu tiên đến thị xã Cao Bằng, chúng tôi đã được nhà thơ Trần Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chiêu đãi món hạt dẻ Trùng Khánh, một đặc sản của quê nhà thơ Y Phương. Nhà văn Đoàn Lư - Chủ tịch hội Văn nghệ Cao Bằng - một nhà địa phương học đã viết và biên khảo nhiều cuốn sách về vùng đất biên cương phên dậu này đã nói rất hay và chính xác về xuất xứ hạt dẻ Cao Bằng Trùng Khánh. Anh mô tả cây dẻ Trùng Khánh khá cao, quả có nhiều gai. Muốn thu hoạch phải chờ quả dẻ chín và tự rụng xuống đất hoặc đu mình trên cành dẻ rung cho những quả chín rụng xuống khi đó nhặt từng quả mang về tách vỏ. Hạt dẻ Trùng Khánh vỏ cứng, dày, có nhiều lông tơ, nếu đem luộc, hấp hoặc đưa vào lò nướng chín sẽ có hương thơm tự nhiên, ngọt bùi tự nhiên. Chỉ cần ngậm một lúc nó đã tự mềm ra như bột bánh khảo từ từ chín lần nữa trong miệng. Hạt dẻ Trùng Khánh mang hình tròn đều màu nâu, phần thịt màu hoàng yến, khác với hạt dẻ Trung Quốc, to, mỏng vỏ, bóng và rốn không có lông tơ, rang lên không có mùi thơm.

Chương trình của Đoàn nhà văn điểm đầu tiên đến là Đồn biên phòng Thị Hoa, cách thị xã Cao Bằng gần 100km. Đồn Thị Hoa thuộc huyện Hạ Lang nên nhà văn Hoàng Minh Tường vốn là một thầy giáo dạy địa lý rất am tường lịch sử nhận xét: “Tên địa danh nghe cứ như kiếm hiệp trong Lương Sơn Bạc”. Từ Hạ Lang đến Đồn Biên phòng Thị Hoa chỉ 16km mà xe gầm cao lắc lư gần 3 tiếng đồng hồ. Đoạn đường ổ voi, ổ trâu chứ không phải ổ gà nữa. Nhà văn Lê Minh Khuê từng là nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ bảo: “Đoạn đường này còn kinh hoàng hơn cả đường Trường Sơn nơi trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ”.

Các chiến sĩ biên phòng Đồn Thị Hoa còn rất trẻ. Các nhà văn nữ được phong u (mẹ) cả lượt. Cứ “U ơi! U ơi!” Ríu ran cả hội trường nhỏ. Tôi bất ngờ thấy dọc hành lang của đồn treo những chùm chim khướu, chim chìa vôi lửa đuôi dài xập xòe, chim họa mi líu ríu như trẻ nhỏ thật ấm áp như lạc vào một vườn quê nào đó. Tôi gặp ở đây một cậu lính trẻ đồng hương Hà Tĩnh bởi cái giọng nói trọ trẹ của anh. Anh tặng tôi một dò phong lan rừng vừa thập thò nở mấy bông rất bắt mắt. Tôi hỏi:

- Cậu đi lính lâu chưa, có nhớ nhà không?

- Em vừa nhập ngũ năm ngoái, huấn luyện xong là ra đây luôn. Bây giờ thì quen rồi, em đang ôn thi vào Học viện Biên phòng, muốn gắn bó đời binh nghiệp với biên cương anh ạ.

Đầu giường cậu lính trẻ có một chồng sách học tiếng Anh và tiếng Trung:

- Em đang học tiếng Anh để giao tiếp với khách du lịch và tiếng Trung để làm công tác nghiệp vụ chuyên môn với bạn và cả tiếng đồng bào dân tộc. Em còn học tiếng Tày mà cả tiếng Nùng nữa anh ạ.

Từ Đồn biên phòng Thị Hoa đoàn nhà văn chúng tôi lên thăm Đồn biên phòng Đàm Thủy thuộc huyện Trùng Khánh, nơi có đặc sản hạt dẻ nổi tiếng. Đồn Đàm Thủy (tên đồn ở biên giới giống như tên một phụ nữ duyên dáng, mĩ miều) phụ trách 18km đường biên giới gồm 2 xã Đàm Thủy và Chi Viễn quản lý 50 cột mốc (24 chính và 26 phụ). Thiếu tá Nông Văn Hòa - Đồn phó Đàm Thủy tận tình đưa chúng tôi đến những cột mốc có thể tới tận trên cao nhất của thác Bản Giốc. Ở đây có 2 mốc chung số hiệu 836, bên ta là 836 (2), phía Trung Quốc là 836 (1). Khoảng cách nối giữa hai mốc đó chia đôi là đường biên giới. Như vậy biên giới là chỗ giữa sông sâu nhất doi đất giữa thuộc về ta. Trên đỉnh dốc thác vẫn còn một cái mốc thời Pháp và nhà Thanh cắm. Bây giờ mốc mới cũng dựng cạnh đó. Xung quanh chuyện cắm mốc biên giới thật thú vị. Mốc mới bề thế đàng hoàng bên chữ Việt Nam, bên chữ Trung Quốc. Nông Văn Hòa chỉ cột mốc cũ dưới chân núi.

- Các cụ già nhất trong làng kể cho cha chú bọn cháu, rồi cha chú kể lại lẽ ra cái cột mốc này Tây bắt Lý trưởng chỉ huy dân làng gánh lên tận đỉnh núi để đặt. Có nơi lên đỉnh rồi còn dịch qua một quãng nữa. Nhưng chắc vì mệt hết hơi, Lý trưởng chắc cũng không ăn giải gì mà cao hay thấp cũng vậy, đặt quách dưới dốc cho khỏe.

Các nhà văn bên cột mốc thời nhà Thanh trên thác Bản Giốc.

Khi đứng bên cột mốc 836 (2) sâu trong đất nhà mình mà phía dưới là 2 nhánh sông sâu do hệ thống thác Bản Giốc ào ào đổ xuống chảy bao quanh hòn đảo dài, lòng tôi dâng lên ngập tràn niềm xúc động. Thác Bản Giốc đấy ư? Một thắng cảnh nổi tiếng mà tôi đã từng được học trong các tập sách Địa lý cấp 1 ngày xưa. Các tầng của tháp nước đẹp mê hồn trong ký ức tôi với những cọn nước quay vòng như chiếc đồng hồ nước khổng lồ lấp lóa trong ánh nắng mặt trời. Và bây giờ đoàn nhà văn chúng tôi đến đây để kiểm chứng một thác Bản Giốc của ngày hôm nay mà trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều. Thiếu tá Nông Văn Hòa kéo cả đoàn vây quanh cột mốc, giọng tha thiết:

- Nhiều người đến đây thấy đề chữ Việt Nam 836 (2) cứ tưởng qua hết bên kia là của Trung Quốc. Đâu có! Từ nửa dòng sông sâu phía dải đất Trung Quốc mà các cô, các chú thấy đó, nửa dòng sông đó trở lui nghĩa là cả hòn đảo dài và dòng sông phía này cho tới cột mốc này là của mình. Họ giằng dai đòi mốc giới phải cắm giữa hòn đảo kia nhưng mình quyết không chịu. Nửa nhánh sông phía họ trở ngược lên đỉnh thác bốn phần năm là của phía mình quản lý rồi. Nhờ các cô các chú nói rõ điều này với bà con chứ cứ nghe ai đó nói Bản Giốc mình không còn gì, bọn cháu đau lòng lắm.

Nhà thơ, nhà mạng Trần Nhương.com hiểu tấm lòng của các chiến sĩ biên phòng Đàm Thủy đã bao ngày đêm gian nan, kiên trì mưu mẹo để giành lại từng tấc đất của Tổ quốc trong cuộc đôi co trường kỳ đã quay phim, chụp ảnh kỹ càng và tối đó thức trắng để đưa tin đưa video đặc biệt về thác Bản Giốc. Chỉ sau khi đưa bài và đoạn phim ngắn lên mạng, hơn 1 giờ sau đã có 2.000 người truy cập và đến sáng, con số đã lên hơn 10.000 người. Đến đây có một sự thật, chúng tôi được thấy mà ngay cả nhà văn trưởng đoàn Tô Nhuận Vỹ có một thời làm Giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên - Huế hơi chạnh lòng vì du lịch ở đây khác hẳn. Đường sá dẫn đến thác Bản Giốc bên ta còn khó khăn nhiều, chưa có những dịch vụ đáp ứng cho khách du lịch. Từ bên ta nhìn sang thấy phía họ xây nhiều khách sạn cao tầng lộng lẫy. Còn trên sông chảy từ thác có nhiều bè mảng với những người lái đò đội mũ rộng vành chống sào cho khách chiêm ngưỡng cảnh thác. Sát bờ sông bên mình chỉ có một chợ bình dân họp với đủ thứ hàng cũng bình dân mà lại rất nhiều hàng... Tàu.

Dòng sông Quây Sơn chạy từ thác Bản Giốc đã gợi cảm hứng cho tôi viết trường ca Vọng biển, có câu: “Tôi gặp đây muôn - chóp - núi - cánh - buồm - Biên giới Tổ quốc tôi mặn thấm từng thước đất - cột mốc nơi này giống cột mốc đảo xa - dòng Quây Sơn quấn quít bước chân ta - Thuyền độc mộc thon hình thân cá”. Tổ quốc ở biên cương nơi này thật là gần gụi. Nghe tiếng lá rừng lao xao tôi ngỡ như nghe âm vang sóng biển quê tôi. Ở đồn Đàm Thủy tôi thấy một câu khẩu hiệu ngắn gọn thế này: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Chỉ 9 chữ ngắn gọn thôi mà dân vận được bao nhiêu việc. Nghe các anh biên phòng nói dân ở đây họ thật thà, mộc mạc lắm. Cao Bằng là quê hương cách mạng mà. Lại nhớ cái buổi trưa xe chúng tôi dừng lại mươi phút ở chợ Trùng Khánh họp ngay bên đường. Nhà văn Đào Vĩnh vào chợ mua cái áo ấm. Mua xong anh vui vẻ ra xe mà quên béng lấy hàng. Lên Đàm Thủy rồi ra Bản Giốc... Tối về huyện lỵ Trùng Khánh anh cũng không nhớ cái sự quên của mình có lẽ tâm trí anh đang để nơi cột mốc biên giới.  

Nhưng gần nửa đêm có điện từ đồn Đàm Thủy về cho đoàn nhà văn là người bán hàng sáng nay nghe loáng thoáng chúng tôi trên đường lên Bản Giốc nên báo tin nhờ đồn nhắn cho người trong đoàn khách sáng mai trên đường về vào lấy hàng bỏ quên.

Xung quanh chuyện đường biên, hôm đến Đồn biên phòng Sóc Hà, nhà văn Tô Nhuận Vỹ hỏi ngay cái băn khoăn nặng trĩu bấy lâu canh cánh bên lòng ông:

- Các văn bản ký kết về cắm mốc biên giới, với các đồng chí là những người đang trực tiếp ngày đêm bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, nó là cơ sở pháp lý thuận lợi hơn hay khó khăn hơn?

- Thuận lợi hơn nhiều chứ! - Thượng tá đồn trưởng Trịnh Xuân Khỏe (mà trông dáng vóc của anh cũng khỏe khoắn thật, cứ y như ông Hổ pháp trấn giữ đất biên cương) - Anh nói giọng hài hước dí dỏm mà thông điệp đưa đến rất cụ thể và rành rẽ: - Anh bạn láng giềng xưa nay vốn ưa tù mù như trạng thái sương mù dày đặc ở biên cương này. Để dễ xâm canh, xâm táng, thoắt cái thêm hàng cây bạch đàn, thoắt cái lùm lùm dăm ba ngôi mộ gió bên đất ta. Có lúc biên phòng ta phải dùng mẹo để giục họ di dời mau chóng xóa màn sương mù để cắm mốc. Hàng tháng, hàng quý hai đồn đối diện gặp nhau, giao ban tình hình, bước đầu phối hợp chống các loại tội phạm. Việc di dời mộ phần của họ nhiều rắc rối vì còn “tìm ngày tốt”, bởi nhiều hủ tục nhiêu khê.

Tôi nhớ buổi tối liên hoan ở huyện lỵ Trùng Khánh, Chủ tịch huyện Đoàn Quảng Nguyên ăn to nói lớn, bộ dạng thoáng đạt phong thái “hảo hớn” của người miền rừng sau cú cụng ly trăm phần trăm với nhà văn Hoàng Minh Tường cũng to cao hảo hán không kém, người có tửu lượng khá nhất đoàn, ăn nói cũng hùng biện có sức thuyết phục nhất đoàn. Anh Nguyên nói:

- Ký hiệp định là mình được! Trước đây hiệp định Pháp - Thanh người Việt mình đâu có ký gì, toàn Tây - Tàu dàn xếp với nhau. Bây giờ mình đi cãi tay đôi, mình tự tay cắm mốc, chính bản thân tôi cũng mới đi cắm mốc cả tháng đây.

Đến Cao Bằng không hề có cảm giác là khách. Cả những đỉnh núi chót vót như Đèo Gió ngang tàng cũng thân thiết trong vòng tay. Và điệu hát Then, đàn Tính ngọt ngào thân thương. Cả món vịt quay nóng hổi bên bát phở chua bốc khói. Non thì xanh, nước thì biếc. Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Đoàn Lư bỏ nghề bác sĩ để đi viết văn, tự tay lái xe đưa chúng tôi thăm đền thờ Nùng Chí Cao. Ông say sưa ca ngợi người anh hùng lẫm liệt có lẽ đứng hàng đầu trong bản Phong Thần của vùng đất biên cương này. Anh dẫn chúng tôi tới cả nơi ngóc ngách, phải chui qua bụi bờ để đến những nơi có Cự - Thạch, những viên đá khổng lồ mà theo anh, đó là chứng tích vô giá về lịch sử hàng ngàn năm oai hùng ở đất này. Tôi chợt nghe âm vang trong lòng mình tiếng vọng của bao thăng trầm lịch sử. Và biên cương hôm nay với những sắc xanh áo lính biên phòng đang lặng lẽ bước tuần tra biên giới. Đó chính là tiếng vọng của những bàn chân đang đạp đá tai mèo, mắt sáng dõi theo “Ánh trăng treo đầu súng” như câu thơ của Chính Hữu.       

Bài, ảnh: Nguyễn Ngọc

 

 


Ý kiến của bạn