Tiếng vọng bên lòng hồ sông Đà

19-04-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhắc đến Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), chúng ta luôn nhớ tới hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng...

Nhắc đến Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), chúng ta luôn nhớ tới hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Mai Châu không chỉ có những cảnh đẹp nao lòng như vậy, miền đất này còn chất chứa trong nó những con người giàu nghị lực và có tấm lòng cao đẹp chia sẻ khó khăn vì đàn em nhỏ, đó là những người thầy tại Trường THCS xã Tân Dân. Nghĩa tình cao đẹp ấy đã như một tiếng vọng có sức lan tỏa rộng ở nhiều mái trường nơi gian khó.

Các em học sinh Trường THCS Tân Dân, Mai Châu, Hòa Bình.

Xuất phát từ khi đêm đen còn chưa loãng, chúng tôi đặt chân lên TP. Hòa Bình thì trời vừa bừng sáng. Từ QL6, xe rẽ vào tỉnh lộ 432 trong mưa xuân lắc rắc. Gọi là tỉnh lộ nhưng mặt đường chỉ rộng vừa lòng xe, trông xa xa con đường như sợi chỉ nhỏ. Mặt đường trơn trượt nên tài xế phải thật “cứng tay” để bánh xe không chệch ra ngoài vệ cỏ. Con đường xoáy trôn ốc gập ghềnh sỏi đá, có đoạn sát mặt nước, có đoạn dốc dựng đứng, nhìn từ trên cao, lòng hồ như một “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ. Xe chạy lòng vòng bám men theo bờ hồ sông Đà, đi cả chục cây số nhưng ngoảnh lại cung đường vừa đi vẫn ngay sát cạnh. Vượt qua khu rừng vầu rậm rạp, những cây vầu vàng ươm thẳng tắp vươn lên dưới những mảnh đồi cằn khô sỏi đá. Thi thoảng, những đám mây trùm lên khu rừng càng làm cho con đường trở nên huyền ảo và kỳ bí. Gió dưới lòng hồ thổi lên ào ào làm ngả nghiêng những đám cây thấp ven đường, mang hơi lạnh tỏa vào trong xe làm mọi người quên hết nhọc nhằn và cả nỗi khổ bị say xe.

Đầu giờ chiều chúng tôi đã có mặt tại trường trong niềm vui vỡ òa của cả thầy và trò. Những gương mặt sạm nắng gió của lũ trẻ nhưng ánh mắt trong veo và đầy vẻ hoang sơ của núi rừng. Nằm nép mình bên lòng hồ sông Đà, lại giáp với tỉnh Sơn La, Tân Dân là xã nghèo xa nhất huyện Mai Châu. Thầy Hà Mạnh Quyết, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để gieo vào lòng các em sự hiếu học, các thầy và trò nhà trường đã trải qua một quá trình dài kiên trì và gian khổ trong việc vận động học sinh tới lớp. Thời gian đầu, nhiều em đã tới trường để học nhưng do khó khăn quá nên sĩ số lớp cứ “vơi” dần. Nhiều thầy cô sáng lên bục giảng, chiều về lại cùng lên nương giúp và động viên các gia đình cho con đến lớp. Thế rồi, sự kiên trì và tình yêu của các thầy đã được đáp trả. Số trẻ đến trường ngày một nhiều hơn, nhiều em đã hiểu và còn tự động viên nhau cùng bám lớp. Lúc đầu chỉ là duy trì sĩ số, sau đó nhà trường dần đi vào việc nâng cao chất lượng dạy học, rồi cả đời sống tinh thần. Chỉ tay vào danh sách học sinh giỏi treo bên tường, thầy Quyết hồ hởi: Số học sinh này những năm gần đây cứ tăng dần, nhiều em ra tận huyện thi đều mang về những giải thưởng. Thành tích này so với các trường miền xuôi thì chẳng kể gì, song từ một mái trường nơi góc hồ sâu thẳm thì thầy trò phải gắng lắm! Sau 4 năm gắn bó với thầy cô, các em không những được học văn hóa mà còn được học, được trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống. “Chỉ có ngày cuối tuần các em về với gia đình, còn lại là thời gian sống ở trường, nên người thầy còn phải kiêm luôn trọng trách làm cha mẹ. Ngoài việc dạy chữ, các thầy còn phải dạy cho các em nhân cách làm người và bao điều trong cuộc sống” - thầy Bùi Duy Thắng chia sẻ. Bốn năm dưới mái trường này cho các em nhiều kỷ niệm đẹp nuôi dưỡng tâm hồn, là sức mạnh giúp các em vươn lên mang tri thức làm tỏa sáng mảnh đất rẻo cao bên lòng hồ.

Bữa cơm được dọn ra, có măng rừng luộc chấm muối, đĩa nộm cá thủy tinh trắng muốt cùng đĩa cá đa nhỏ như đầu đũa rim cà chua thơm phức, đây cũng chính là sản phẩm các thầy giáo kéo được hằng đêm dưới lòng hồ. Cô Vi Thị Hương Giang, Phó hiệu trưởng bùi ngùi: Trường có 108 học sinh người dân tộc Tày và Mường thuộc 9 bản trong xã, tuy nhiên chỉ có 55 em được ở diện nội trú. Theo quy định hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn, các em nhà xa trường từ 7km trở lên mới được ở nội trú và được Nhà nước cấp tiền ăn mỗi em 460 nghìn đồng một tháng, tức là mỗi ngày được 15 nghìn đồng. Đường xá xa xôi quá, để mua lương thực cho các em, thầy cô phải vượt qua cung đường trên 50km tới chợ huyện nên số tiền này trường đã chuyển hết cho phụ huynh, cuối tuần các em lại về nhà lấy gạo và chút đồ ăn khô mang lên trường, rồi tự nấu ăn theo nhóm. Rồi giọng cô Giang chùng xuống: “Quy định nào cũng có bất cập anh ạ. Nhiều em nhà rất nghèo nhưng cách trường chưa đến 7km thì không được hỗ trợ, ngày nào cũng hai lượt cuốc bộ vượt rừng lội suối cả chục cây số đến trường”. Thương trò, các thầy cô giáo đêm đêm mò mẫm làm “ngư phủ” để bữa ăn học sinh có thêm chất đạm. Thầy Đinh Phương Bắc, Chủ tịch Công đoàn buồn rầu: Tuy số trợ cấp ít ỏi, ấy nhưng nhiều em còn phải “cứu đói” cho cả gia đình lúc giáp hạt. Số tiền thật nhỏ bé, chỉ đủ mua gạo trong khi sức ăn của các em lại đang ở tuổi ăn, tuổi lớn!

Sau bữa cơn đạm bạc với các thầy cô giáo, thầy Quyết rủ chúng tôi xuống phía chiếc vó bè dưới lòng hồ để “mục sở thị”. Dốc từ sân trường xuống lòng hồ dựng và trơn trượt sỏi đá. “Anh xuống cẩn thận nhé, nếu bị trượt là rơi thẳng xuống lòng hồ đấy!” - giọng thầy Quyết ái ngại khi soi đèn pin cho tôi bò xuống con dốc dựng đứng trong đêm tối. Tôi chột dạ: “Trường lớp ngay sát lòng hồ thế này, có xảy ra điều gì với các em học sinh không?”. Chưa từng xảy ra “sự cố” bởi lũ trẻ bơi lội giỏi như nhái bén, thầy cô nào mới đến còn được lũ học trò dạy bơi đấy! - thầy Quyết hồ hởi. Thế mới thấy “sức đề kháng” mạnh mẽ của những con người trong gian khó. Leo phía sau, thầy giáo dạy sử tên Vì Văn Kiểu cười khẽ: “Anh khua rộn thế khéo làm cá sợ chạy hết đấy”. Anh Kiểu sinh năm 1965, người dân tộc Thái, do thạo tay dao tay thớt nên được các thầy trong trường “bầu” vào vai “trợ lý bếp núc” và “thư ký kéo vó” cho Hiệu trưởng Quyết.

Trường có 2 cái vó bè được đặt ở mỗi đầu trường. Cái cũ này các thầy mua lại của dân chài phía bên kia hồ thuộc xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc) với giá 6 triệu đồng, phải nhờ thuyền máy mất nửa ngày mới kéo về đến trường. Vó làm bằng những thân luồng ghép dọc theo khung sắt với tấm lưới rộng được kéo bằng tời tay, phía trên mắc bóng đèn để dụ cá. Do lượng học sinh ở nội trú khá đông, nhà trường vừa quyết định đầu tư thêm một chiếc vó bè nữa để cung cấp nguồn thực phẩm tươi vào bếp ăn cho các em.

Hiệu trưởng Quyết bên chiếc vó bè.

Thầy Bùi Văn Nguyên, giáo viên người Mường duy nhất còn đang “độc thân vui tính” trong số 16 thầy cô của trường đi trên những thân luồng ngập nước đầy rêu trơn trượt một cách “chuyên nghiệp”. Thầy bước thoăn thoắt ra phía đầu ngoài vó bè, kéo một cây luồng gạt ngang dưới đáy lưới để dồn cá vào góc, soi đèn kiểm tra rồi hớn hở reo: “Có cá thủy tinh các anh ạ!”. Thầy Quyết gạt tôi sang một bên cho an toàn rồi gồng người kéo tay tời nặng trĩu. Sợi chão căng bần bật kẽo kẹt lôi dần bốn góc lưới nhô khỏi mặt nước, dưới ánh đèn có thể nhìn rõ lũ cá nhỏ lúc rúc dồn lại thành một đám giữa lưới.

Bếp ăn của Trường THCS Tân Dân nổi lửa từ khi đêm chưa tàn, để kịp nấu mớ cá vừa bắt còn tươi rói xong trước giờ vào lớp. Thầy Quyết cho biết, điều kiện gia đình các em học sinh hết sức khó khăn. Xã Tân Dân toàn đồi núi cằn khô sỏi đá, chỉ trồng được vầu, sắn, ngô và hầu như không có lúa. Đa số người dân quanh năm lam lũ nghèo khó, chủ yếu làm nghề bắt tôm cá lòng hồ nên cuộc sống cũng bấp bênh lắm, do vậy việc cho con tới trường cũng trở thành thách thức.

Cời bớt than cho nồi cá kho trên bếp khỏi trào, cô Giang tâm sự: “Các em ở đây học đến cấp 2 đã khó, nếu không được chăm sóc cẩn thận, sao có sức theo học cấp 3! Từ lớp 10, các em sẽ phải qua đò sang bên kia lòng hồ và vượt tiếp gần 10 cây số đường rừng để học ở huyện Đà Bắc, nếu không thì phải về “đúng tuyến” ở thị trấn Mai Châu, cách đây 55km”. Nhà cô Giang cách trường gần 60km, có 2 con gái nhỏ, nhưng vẫn “để con ở nhà trông bố”, cùng đồng nghiệp bám trường, lo cả con chữ và cái ăn cho học sinh vùng sâu. Chỉ những dịp cuối tuần, nếu không phải trực, cô giáo người dân tộc Thái ấy mới bươn bả xách xe máy chạy về thăm chồng con. Cũng may, chồng Giang là đồng nghiệp, dạy học gần nhà, nên thấu hiểu và chấp nhận “gác gôn” cho vợ.

Đó cũng là hoàn cảnh chung của nhiều thầy cô giáo khác ở Tân Dân, kể cả Hiệu trưởng Quyết. Nói như thầy Kiểu, nếu không phải đồng nghiệp, từng ít nhiều nếm mùi cảnh giáo viên “cắm bản”, thì khó lòng chịu cho “nửa kia” quanh năm biền biệt. Anh Kiểu hào sảng: “Nhà tớ cũng thế, nhưng giờ tớ sướng hơn vì con lớn rồi. Như cậu Bắc kia, vợ chồng cùng dạy học xa nhà, cực lắm”...

Màn đêm tan dần cũng là lúc nồi cá trên bếp cạn lửa, tỏa ra không gian hương thơm ngào ngạt. Trường có 3 khu bếp mái tranh, đun bằng củi vớt dưới hồ. Những niêu cá nhỏ mang nặng nghĩa tình thơm nghi ngút bên nồi cơm mới ghế. Bọn trẻ vừa nấu nướng vừa khúc khích cười đùa, nhiều em nhẩm hát theo tiếng sáo dìu dặt của thầy Nguyên và tiếng ghi-ta bập bùng của thầy Kiểu. Chợt nhớ câu ngạn ngữ của Đông Âu: “May mắn không bao giờ rời bỏ nơi có tiếng hát”. Có phải thế không mà chiều nào các thầy cũng thả tiếng sáo, tiếng đàn vào những cơn gió miên man chạy đuổi hoàng hôn...

Bài và ảnh: Thanh Hội

 

 

 

 


Ý kiến của bạn