Đều đặn 4g30 sáng, bà Hai thức dậy, tự vệ sinh cá nhân rồi thong thả tản bộ đi lễ nhà thờ. Thời tiết Sài Gòn những ngày cuối năm se lạnh, nữ điều dưỡng khoác thêm chiếc áo để giữ ấm.Xong xuôi, bà chậm rãi trở về ăn cơm sáng, đọc sách báo.May mắn đôi mắt vẫn còn tinh tường, đầu óc minh mẫn nên việc đọc được bà duy trì mỗi ngày.Thỉnh thoảng bà tham gia sinh hoạt, tập luyện với ca đoàn của nhà thờ.
Những cuốn sách quý về ngành điều dưỡng bằng tiếng Pháp, tiếng Anh được “bà Hai” gìn giữ cẩn thận ở một góc trang trọng của căn phòng nhỏ.
Trọn vẹn một đời với nghiệp chăm sóc bệnh nhân
Ký ức của nữ điều dưỡng luôn đầy ắp những câu chuyện về tình nghề, tình người.
Giọng từ tốn, hiền hậu, bà Hai hồi tưởng về tuổi thơ của cô gái sinh năm 1916 quê Bến Tre. Thay vì để con gái lấy chồng sớm như nhiều thiếu nữ xung quanh, dù gia cảnh khó khăn, bố bà Hai vẫn cho con học đến cùng. Sau khi xong lớp đệ tứ, ở tuổi 15, bà Hai được bố đưa lên Sài Gòn trọ nhà người quen tiếp tục đi học.
Điều dưỡng Ngô Thị Hai và những thanh âm da diết của tiếng vĩ cầm
Lúc bấy giờ Việt Nam chưa đào tạo điều dưỡng, chỉ có người Pháp mở lớp dạy.Với tâm niệm ngành y có thể cứu người, giúp đời, bố bà xin cho con gái học trường điều dưỡng cùng với người Pháp.“Trong lớp toàn nam giới, chủ yếu người Pháp, chỉ có đúng 4 học viên nữ”, bà Hai nhớ lại.Năm 1940, bà ra trường và được nhận về làm việc tại BV. Lalung Bonnaire, nay là BV. Chợ Rẫy. Giữa môi trường toàn nam giới, bộ tứ nữ điều dưỡng đầu tiên Việt Nam trở thành “bốn bông hoa của bệnh viện”.
Sau đó bà đảm trách giảng dạy tại Trường Cán sự Y tế và Điều dưỡng Sài Gòn.Nhiều thế hệ học trò lần lượt ra trường, tiếp nối công việc chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Năm 1960, bà được cử sang Canada tu nghiệp.
Hành trang rời quê hương là những bộ áo dài giản dị mà bà luôn tự hào mặc nơi đất khách, trước ánh nhìn tò mò thích thú của dân bản xứ. Người gầy gò chỉ khoảng 37kg, không ít lần bà bị các cơ quan ở Canada đòi khám sức khỏe vì sợ mắc ho lao - căn bệnh cướp đi sinh mạng của nhiều người Đông Dương khi ấy.
Nhờ quyết tâm học cách cải thiện chế độ dinh dưỡng của người bản xứ, bà tăng được 10kg sau khoảng một năm.Lúc về nước, bà hướng dẫn lại học trò những tiêu chuẩn ăn uống đủ các nhóm chất, tiết chế dinh dưỡng cho người bệnh - những kiến thức vốn xa lạ thời bấy giờ.
Bà luôn nhắc các đàn em, học trò và thế hệ thầy thuốc trẻ luôn tâm niệm tính trung thực, tự giác, đạo đức và lương tâm.“Là người làm việc gần gũi bệnh nhân nên sự sống chết của họ phụ thuộc phần lớn vào sự cẩn trọng, tỉ mỉ của các điều dưỡng”, bà Hai phân tích.
Cô giáo hiền lành, giản dị nhưng nghiêm khắc, luôn đòi hỏi cao công tác vô khuẩn được học trò yêu thương gọi bằng biệt danh.
“Cô Hai vô khuẩn”
Cần mẫn học và hành không ngừng nghỉ, bà mang được kỹ thuật vô khuẩn về vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Vấn đề vô khuẩn ở các bệnh viện Việt Nam khi ấy hầu như được đề cập đến.
Bà tận tay chỉ dẫn cách vệ sinh giường bệnh, tắm rửa, xoay trở, chăm sóc vết thương bệnh nhân, vô trùng dụng cụ… Không ít học trò ban đầu e dè việc tắm rửa bệnh nhân, khi chứng kiến cô giáo ngày ngày không ngại ngần tắm rửa kỹ lưỡng cho cả những người ăn xin, người bệnh nặng lở loét, đã tự giác làm theo. Tính bác ái, cái tâm yêu thương bệnh nhân được bà đề cao hàng đầu.
Đến tuổi về hưu, sau ngày đất nước thống nhất, Y viện Quảng Đông, nay là BV. Nguyễn Tri Phương chuyển sang Tây y nên bà về huấn luyện các điều dưỡng. Trước đó nơi này chỉ điều trị bằng thuốc Đông y nên những người thuộc thế hệ đầu như bà tốn khá nhiều thời gian, kiên trì để thay đổi. Khi có những đoàn y bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam, bà chủ động đưa học trò đi biểu diễn đàn vĩ cầm để làm quen, qua đó giao lưu học hỏi nâng cao tay nghề, tiếp cận thực tế các kiến thức Tây y. Bà làm việc hợp đồng với bệnh viện cho đến khi gần 80 tuổi.
Điều dưỡng Trịnh Thị Bạch Huệ cho biết may mắn được là học trò lứa cuối của “Cô Hai vô khuẩn” khi bước chân vào nghề những năm 2000, được cô làm lễ đốt đèn khi tốt nghiệp. Hiện nay mỗi tuần chị đều tranh thủ đến thăm nom, trò chuyện cùng người thầy đã để lại nhiều dấu ấn với cuộc đời mình.Cô giáo cũ như “người mẹ thứ hai”, đưa ra những lời khuyên hữu ích lúc chị gặp rắc rối hay mệt mỏi, áp lực với công việc, cuộc sống.
Cô Hai “vô khuẩn” với những cuốn sách quý về ngành điều dưỡng
“Mỗi lần gặp cô đều hỏi han về bệnh viện, về những công việc của nghề điều dưỡng, dặn dò mình giữ thái độ đúng mực, lịch sự với đồng nghiệp, bệnh nhân. Cô luôn nhắc, bệnh nhân vào viện đã đau đớn, khó chịu nên nếu họ mắng chửi mình phải nhịn, đánh phải chạy chứ không nên đôi coi, chuyện đúng sai sau đó sẽ có cấp trên xử lý”, chị Huệ tâm sự.
Không lập gia đình, bố mẹ, anh chị em ruột đều đã qua đời nên bà Hai bầu bạn cùng chú chó nhỏ trong căn nhà trên mảnh đất nhà thờ xây tạm.Về hưu ở giai đoạn thay đổi chế độ, bà không được hưởng lương hưu.Mỗi tháng bà sống chủ yếu bằng nguồn trợ cấp được BV.Nguyễn Tri Phương đặc biệt hỗ trợ riêng. Ban giám đốc từ thời bác sĩ Phan Quý Nam, sau đó là bác sĩ Nguyễn Thi Hùng và hiện là bác sĩ Võ Đức Chiến vẫn duy trì quan tâm hỗ trợ với số tiền 3 triệu đồng mỗi tháng. “Cô đã cống hiến cả đời cho ngành y, truyền dạy nhiều kiến thức cho các điều dưỡng nên được chăm sóc, giúp cô trang trải một phần cuộc sống là trách nhiệm và vinh hạnh của bệnh viện”, bác sĩ Chiến chia sẻ.
Ở tuổi xưa nay hiếm, hàng ngày điều dưỡng Ngô Thị Hai vẫn duy trì lối sống lành mạnh, siêng năng vận động, thường xuyên ăn cháo gạo đỏ, trái cây, uống nước khoáng chanh đường…Và tiếng vĩ cầm vẫn réo rắt, du dương những thanh âm tuyệt dịu, sâu lắng nhất, từ đôi tay, trái tim người phụ nữ đã sống trọn đời mình với công việc xoa dịu nỗi đau bệnh nhân.