Hà Nội

Tiếng súng cảnh báo việc điều trị chăm sóc người trầm cảm

07-01-2020 07:03 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Được người nhà đưa đi cấp cứu sau khi phát hiện uống một lượng lớn thuốc an thần, tại bệnh viện, bệnh nhân P.Đ.T.D (sinh năm 1978, ngụ tại quận 8, TP.HCM) tìm cách nhảy lầu nhưng được can ngăn. Mọi người Tưởng đã khống chế được người bệnh qua cơn kích động nhưng vài phút sau đó, bệnh nhân rút khẩu súng giấu sẵn trong người ra, chỉa vào đầu, bóp cò.

Tiếng súng giữa phòng cấp cứu

Chuyện rùng rợn ly kỳ như trong phim vừa xảy ra đêm 22/12 tại bệnh viện (BV) Trưng Vương (TP.HCM).Bệnh nhân được xác định là người mắc chứng trầm cảm lâu năm nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị.

Thuật lại câu chuyện xảy ra tại Khoa Cấp cứu, BS. Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV. Trưng Vương kể, bệnh nhân được đưa đến BV lúc 19g45 ngày 22/12 trong tình trạng kích động.

Trước đó, bệnh nhân được điều trị tại một BV khác do uống thuốc an thần quá liều. Theo đúng quy trình, người bệnh được đưa đến khoa Nhiễm ở lầu cao. Bệnh nhân bất ngờ toan nhảy ra cửa sổ thì bị người nhà và nhân viên y tế phát hiện can ngăn.

Trong tình trạng bệnh nhân mất bình tĩnh, nhằm đảm bảo tính an toàn, các BS đã đưa người bệnh đến khoa Cấp cứu ở tầng trệt theo dõi và chăm sóc. Mọi việc tưởng đã yên thì bệnh nhân bất ngờ móc ra khẩu súng, chỉa vào đầu mình và siết cò.Tiếng nổ vang lên trước sự hốt hoảng của nhân viên y tế.Không ai nghĩ đến tình huống này nên không ai phòng thủ. Rất may không nhân viên y tế nào bị đe dọa.

Sau khi xảy ra sự việc, BVđã khởi động hệ thống báo động đỏ để hồi sức tích cực cho nạn nhân nhưng viên đạn từ thái dương trái qua phải làm tổn thương não nghiêm trọng nên anh này đã không thể qua khỏi.

Cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ vụ việc, tuy nhiên, theo BS. Chiến, nguyên nhân dẫn đến hành vi tìm cách tự sát của người bệnh xuất phát từ căn bệnh trầm cảm mà anh này mắc phải. “Bệnh nhân là người bị trầm cảm kéo dài nhưng người bệnh không tuân thủ điều trị. Trường hợp này cho thấy người bệnh tâm thần cần được theo dõi sát và điều trị bằng biện pháp hữu hiệu, nhằm giảm những hậu quả đáng tiếc”, BS. Chiến nói.

Tiếng súng cảnh báo việc điều trị chăm sóc người trầm cảmTự sát do trầm cảm là vấn đề được các bác sĩ cảnh báo

Đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp người trầm cảm có ý tự tử, trước đó nhiều bệnh nhân điều trị trầm cảm đã thực viện hành vi nhảy lầu hoặc uống thuốc tự sát. Chiều 22/12, một phụ nữ sống ở chung cư thuộc khu đô thị Cổ Nhuế (Hà Nội) mắc bệnh trầm cảm đã khiến cư dân nơi đây hoảng loạn bởi cú gieo mình từ tầng cao, chết tại chỗ. Hay mới đây tại xứ sở kim chi, ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc - Sulli mắc chứng trầm cảm cũng tự treo cổ tại nhà riêng. Được biết, trước khi qua đời, nữ ca sĩ đã có nhiều biểu hiện khác thường khi liên tục im lặng, cắn móng tay, rưng rưng và bật khóc ngay trên livestream.

Tự sát trong tâm thần học

Theo ThS.BS.CKII. Đào Trần Thái, BV. Tâm Thần TP.HCM, tự sát nói chung là một cái chết tự nguyện do chính mình gây ra, hay nói cách khác là một hành động tự đem lại cái chết cho bản thân.

Mưu toan tự sát là một hành động có mục đích dẫn tới cái chết cho chính bản thân như sử dụng thuốc quá liều hay tự gây ra các vết thương nguy hiểm đến tính mạng.Trong khi những ý tưởng tự sát cho thấy người đó muốn kết thúc cuộc đời của mình, thường được biểu lộ qua lời nói hoặc thư từ, hay gặp ở thanh thiếu niên.Đe dọa tự sát là một thái độ đe dọa thực hiện mưu toan tự sát trong một thời gian gần nhất, đây được coi như một lời báo động hoặc một tín hiệu đối với người xung quanh.

Hiện số liệu người tự sát trong nước chưa được chính thức, tuy nhiên, tình trạng người trầm cảm tự sát vẫn thường xuyên được ghi nhận tại các BV. Trên thế giới, cụ thể là ở Pháp, mỗi năm có 11.000 trường hợp tự sát, cao hơn số tử vong do tai nạn giao thông. Ở lứa tuổi 15 - 25, tự sát chiếm 16% tổng số trường hợp tử vong.Hiếm hơn là trẻ em 10 tuổi - 14 tuổi. Riêng tại Mỹ có 30.000 chết do tự sát mỗi năm. Những nguyên nhân chính của tự sát chủ yếu do bệnh lý tâm thần và những nguyên nhân xã hội.

Với bệnh tâm thần, người bệnh rối loạn trầm cảm thường có những ý tưởng chết chóc và tự sát hay gặp nhất trong khi mưu toan tự sát ít gặp hơn, nhưng người thầy thuốc phải luôn luôn cảnh giác.

Nguy cơ tự sát trong rối loạn trầm cảm: Thường tăng cao trong những trường hợp sau:

- Trầm cảm kèm theo lo âu (trầm cảm kích động) với mất ngủ nặng nề.

- Trầm cảm có thêm triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác.

- Cao nhất ở 3 năm đầu sau khi xác định bệnh (25% ca tử vong).

- Người cao tuổi, phái nam.

- Nhân cách lệ thuộc người xung quanh hoặc kèm theo bệnh cơ thể nặng, hoặc lệ thuộc rượu.

- Hạn chế giao tiếp xã hội như sống một mình (độc thân, góa, ly dị), không nghề nghiệp (thất nghiệp, hưu trí).

- Trong quá khứ đã từng có mưu toan tự sát.

Tâm thần phân liệt và rối loạn hoang tưởng: Đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ tự sát cao. Tự sát ở nhóm này thường xuất hiện dưới hình thức xung động và không nguyên cớ. Hoặc do hoang tưởng và ảo giác chi phối (ảo thanh mệnh lệnh, hoang tưởng bị chi phối). Thường gặp khi kèm theo rối loạn trầm cảm ở lúc khởi đầu bệnh, hoặc giai đoạn bệnh tiến triển cũng như giai đoạn thiếu sót.

Rối loạn hoang tưởng trường diễn: Nguy cơ tự sát ít gặp, có thể do ảo giác sai khiến, hoang tưởng bị thiệt thòi quyền lợi, hoang tưởng được yêu.

Rối loạn loạn thần kinh: Trong loạn thần kinh ám ảnh, người bệnh hay bị ám ảnh bởi những ý tưởng tự sát nhưng rất hiếm khi chuyển thành hành động. Ngược lại trong rối loạn phân ly (rối loạn chuyển di, Hysteria) với tình trạng gia tăng biểu lộ cảm xúc quá mức đôi khi dẫn đến mưu toan tự sát

Rối loạn tâm thần thực tổn: Sa sút tâm thần nguy cơ tự sát rất hiếm, có thể do tai nạn vì rối loạn ý thức, mất khả năng định hướng, mất khả năng tự kiểm soát đưa tới hành vi nguy hiểm. Có thể gặp trong trầm cảm khởi đầu của suy giảm hoạt động nhận thức.

Lệ thuộc rượu và ma túy: Mưu toan tự sát thực sự hay gặp ở nhóm lệ thuộc ma túy. Ngoài ra, cũng lưu ý những trường hợp được coi tương đương với tự sát như tự hủy hoại dần dần với rượu và ma túy cũng như hành vi tự sát khi sử dụng quá liều ma túy trong khi động cơ tự sát thường không rõ ràng.

Rối loạn hành vi ăn uống: Mưu toan tự sát và tự sát thường hay gặp ở thanh thiếu niên có rối loạn hành vi ăn uống (25%). Đặc biệt ở những người chán ăn có những cơn ăn nhiều và những người ăn nhiều kèm theo hành vi tự gây ra nôn ói .

Rối loạn nhân cách: Thường gặp ở những người không chịu đựng đươc sự ngược đãi, không có khả năng trì hoãn phản ứng cảm xúc, hoặc có khuynh hướng xung động hay vi phạm các luật lệ và đòi hỏi giải quyết ngay các khó khăn gặp phải. Ngoài ra, ở thanh thiếu niên cũng hay gặp những cá nhân thích có các hành vi nguy hiểm như chơi các môn thể thao nguy hiểm

Làm cách nào để phòng ngừa?

Phòng ngừa bậc 1: Nhằm mục đích phát hiện sớm các trường hợp có ý tưởng hoặc mưu toan tự sát bao gồm:

- Đánh giá những yếu tố nguy cơ và những tình huống dễ đưa tới tự sát như hay xảy ra ở tuổi trẻ (thanh thiếu niên) và người cao tuổi, những giai đoạn khủng hoảng (xa nhau, thay đổi nghề nghiệp, thay đổi chỗ ở, con cái rời xa), những chấn thương tâm lý trực tiếp (tình yêu đổ vỡ, xung đột gia đình, bệnh tật, thất bại trong học hành và nghề nghiệp…).

- Tăng cường những yếu tố bảo vệ như giúp trẻ hội nhập xã hội thông qua học tập, phong trào thể dục thể thao, lễ hội, đoàn thể; giúp trẻ tự tin vào bản thân và người khác; giúp trẻ biết trình bày những khó khăn của mình và yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết.

- Những thầy cô giáo, bác sĩ gia đình, bác sĩ tuyến y tế cơ sở, các nhà tư vấn tâm lý được phổ biến những biểu hiện của trầm cảm và các yếu tố nguy cơ tự sát.

- Nên có đường dây nóng (hotline) giúp những người đang có nguy cơ tự sát liên hệ để yêu cầu gíup đỡ.

- Thông qua các phương tiện truyền tin truyền thông phổ biến các hiểu biết cơ bản về tự sát.

Phòng ngừa bậc 2: Nhằm mục đích ngăn ngừa sự thực hiện mưu toan tự sát hoặc đã xảy ra hành vi tự sát nhưng không thành công cũng như các trường hợp đe dọa tự sát:

- Nhập viện theo dõi 24/24, nhất là ban đêm, bệnh nhân phải trong tầm quan sát của nhân viên y tế, nên khuyến khích người thân ở lại cùng người bệnh.

- Người bệnh nên nằm trong phòng yên tĩnh sáng sủa, không có dụng cụ nguy hiểm, ban đêm cũng có đèn mờ, không cho bệnh nhân đắp chăn quá mặt.

- Điều trị bệnh lý tâm thần đi kèm với thuốc hướng thần phù hợp, kiểm soát vấn đề uống thuốc của người bệnh.

- Tâm lý trị liệu nâng đỡ bao gồm trị liêu cá nhân và trị liệu nhóm.

Phòng ngừa bậc 3: Nhằm mục đích ngăn ngừa tự sát tái diễn bao gồm sửa chữa hoặc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, tâm lý trị liệu cá nhân, nhóm, gia đình, điều trị chống tái phát các bệnh lý tâm thần.


KIẾN TƯỜNG
Ý kiến của bạn