Các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá nhận thức trong chu kỳ 3 năm của 5.227 người lớn từ 65 tuổi trở lên (những người tham gia Dự án Sức khỏe và Lão hóa Chicago). Các tác giả ước tính mức độ tiếng ồn trong các cộng đồng nơi những người tham gia sống trong 5 năm trước khi đánh giá, bằng cách sử dụng mô hình dự đoán được phát triển cho một nghiên cứu trước đó và xem xét các yếu tố khác nhau, như chủng tộc, hoạt động thể chất và tình trạng kinh tế xã hội (SES)… có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Sau khi tính đến các yếu tố này, nghiên cứu cho thấy những người lớn tuổi sống với tiếng ồn nhiều hơn 10 decibel thang độ A vào ban ngày có tỷ lệ mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ cao hơn 36% và tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 29%. SES là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến mối quan hệ này.
Theo PGS Sara Adar, Trường Y tế Công cộng của Đại học Michigan ở Ann Arbor, tác giả nghiên cứu, những phát hiện này cho thấy rằng trong các cộng đồng đô thị mức độ tiếng ồn cao hơn có thể ảnh hưởng đến não của người lớn tuổi và khiến họ khó hoạt động hơn nếu không có sự trợ giúp.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, sự sản xuất nhanh chóng của beta-amyloid (một loại protein đóng một vai trò quan trọng trong bệnh Alzheimer) ở những con chuột tiếp xúc với tiếng ồn mãn tính.
Các nhà nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng việc tiếp xúc với tiếng ồn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe: Ảnh hưởng tới huyết áp, sức khỏe mạch máu, làm gián đoạn giấc ngủ, và chế độ nghỉ ngơi kém đều có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Với kết quả của nghiên cứu này, có thể thuyết phục các nhà lập pháp thay đổi chính sách để giảm mức độ tiếng ồn và có những biện pháp can thiệp làm giảm mức độ phơi nhiễm cả ở cấp độ cá nhân và dân số.